Di sản cách mạng giữa lòng thành phố

TP Hồ Chí Minh không chỉ nổi tiếng với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp mà còn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước với những di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng.

Một trong số đó là Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, địa điểm mà mỗi người có thể quay ngược lại với thời gian và tìm hiểu về quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc. Có thể nói, toàn bộ lịch sử phát triển của Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh đều được lưu giữ gần như đầy đủ và nguyên vẹn, từ đời sống xã hội, phong tục tập quán cho đến tín ngưỡng, thờ cúng và quá trình phát triển công, thương nghiệp…

 Du khách tham quan Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.

Du khách tham quan Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.

Bảo tàng TP Hồ Chí Minh được xây dựng từ năm 1885 đến 1890 do kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux thiết kế, mục đích sử dụng làm bảo tàng thương mại để trưng bày sản phẩm Nam Kỳ. Ngay sau khi xây xong, tòa nhà lại được Thống đốc Nam kỳ Henri Eloi Danel (1850-1898) dùng làm tư dinh. Tuy nhiên, đây lại là nơi chứng kiến biết bao lần đổi chủ với những biến cố lịch sử kể từ khi tòa nhà được hoàn thành cho đến năm 1975. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 12-8-1978, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng TP Hồ Chí Minh. Ngày 13-12-1999, tòa nhà được đổi tên thành Bảo tàng TP Hồ Chí Minh cho đến hiện nay. Năm 2012, Bảo tàng Hồ Chí Minh được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Theo bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, Giám đốc Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, giá trị lịch sử đặc sắc của bảo tàng chính là nơi từng diễn ra cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân Sài Gòn-Gia Định trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khi ấy, bảo tàng là dinh Khâm sai đại thần Nam Bộ. Sáng ngày 25-8-1945, hàng chục vạn người dân Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và các tỉnh lân cận đã kéo về trung tâm thành phố biểu tình, thị uy giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thắng lợi, các công sở quan trọng bị chiếm đóng, nhanh chóng thuộc về nhân dân. Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”, “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”… Trước đó, từ đêm 24-8-1945, quần chúng cách mạng Sài Gòn và các tỉnh lân cận: Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Bến Tre, Tân An, Thủ Dầu Một có tổ chức, mang theo vũ khí, giáo mác, tầm vông vạt nhọn… bằng mọi phương tiện kéo vào Sài Gòn tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền. Đoàn viên, công đoàn và Thanh niên Tiền phong đã có mặt ở khắp nơi sẵn sàng chiếm những mục tiêu đã định. Vào 19 giờ ngày 24-8-1945, lực lượng khởi nghĩa đã tiến vào chiếm các điểm: Sở cảnh sát, nhà ga, bưu điện, nhà đèn, các quận bót… Vào lúc 22 giờ ngày 24-8-1945, Trung đoàn Lê Lai thuộc lực lượng Thanh niên Tiền phong chiếm dinh Khâm sai của chính quyền Trần Trọng Kim. Cờ địch bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Sau Cách mạng Tháng Tám, dinh trở thành trụ sở Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ, gọi tắt là Lâm ủy Nam Bộ, rồi của Ủy ban Nhân dân Nam Bộ.

Bảo tàng TP Hồ Chí Minh hiện sưu tầm lưu giữ hơn 374.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có 77.850 hiện vật gốc, nghiên cứu và hình thành trên 108 bộ sưu tập hiện vật. Mỗi năm, bảo tàng đón hơn 400.000 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Ngày nay, bên cạnh hoạt động trưng bày, triển lãm, Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động giáo dục bổ ích cho học sinh, thay thế cho những giờ học lịch sử trên lớp cùng nhiều hoạt động văn hóa và xã hội có ý nghĩa hội thảo khoa học, tọa đàm, giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử.

Bài và ảnh: TRẦN TUYẾT

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/di-san-cach-mang-giua-long-thanh-pho-551007