Đi săn mực bò ở xứ biển Tân Thành

'Khi xưa, cá tôm còn đầy bãi sình, đầy đồng, chả ai chú ý đến loài vật mới coi đã thấy ngán vì 'độ xấu xí' như mực bò. Bây giờ, người đông của khó, lại sinh ra những kiểu ăn uống lạ lùng, nên người ta mới đua nhau đi săn các loài lạ, trong đó có mực bò…' - Hai Tân, một cư dân ở vùng miệt biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), mào đầu như vậy trước khi đưa chúng tôi đi săn loài thủy sản kỳ lạ này.

Bán mực bò tại điểm thu mua. Ảnh: Nguyễn Long

Bán mực bò tại điểm thu mua. Ảnh: Nguyễn Long

“Đệ nhất đặc sản”

Theo anh Hai Tân, ở xứ biển Tân Thành, vào mùa gió nam hay gió chướng đều có mực bò - loài thủy sản có hình dáng giống như con bạch tuộc tí hon thường sống ở các bãi sình cát ven biển. “Sở dĩ người ta gọi là “mực bò” vì sau khi bắt được, thợ săn thả chúng trong các thùng sục khí ô xy nên trước khi đưa lên bàn làm mồi nhậu, chúng vẫn còn tươi nguyên, bò lổm ngổm trong chậu” - Vừa thong thả bách bộ trên bãi sình cát ven biển, Hai Tân vừa giải thích với chúng tôi.

Theo anh Hai Tân, sống ở vùng ven bờ, mực bò là một loài tinh ranh. Chúng đào hang sâu như một hệ thống “địa đạo” tí hon dưới lớp sình cát để trú ngụ và sinh sản. Đang kiếm ăn trên bãi, hễ nghe tiếng động nhỏ là bất thình lình mực bò chui ngay xuống hang nhanh hơn cả… đặc công nước. Để bắt được chúng, phải có mắt quan sát, thấy hang nào bỗng dưng nước đục là đích thị một chú mực bò vừa chui xuống đó.

“Ở xứ biển Tân Thành, người ta áp dụng nhiều cách bắt mực bò, nhưng hiệu quả nhất vẫn là dùng tay chặn “mà”, tức là cửa của các ngõ ngách tạo nên hệ thống hang nơi chúng trú ẩn để tóm sống” - Hai Tân nói khi dẫn chúng tôi đi đến một bãi sình cát để bắt đầu một chuyến săn loài thân mềm được mệnh danh là “đệ nhất đặc sản” ở vùng biển còn nhiều hoang sơ này.

Theo sự hướng dẫn của Hai Tân, chúng tôi hăm hở xắn quần lội bì bọp, chăm chú quan sát trên bãi sình cát, nơi có vô số lùm cây, kẹt rễ um tùm, cách đó không xa là những hang nhỏ có dấu bùn đùn lên xung quanh. Chúng tôi nhận thấy hang của loài mực bò khá sâu với nhiều ngóc ngách nên để bắt chúng, phải có “nghệ thuật” mà không phải ai cũng làm được.

“Ngó đơn giản vậy thôi, nhưng là cả một tuyệt chiêu! Như tôi vừa nói, do hang mực bò có nhiều ngách thông với nhau nên một khi gặp phải “đường một chiều”, chúng tìm mọi cách lộn lại rồi “biến” sang ngách khác để nhanh chóng thoát thân…”. Anh Hai Tân nói trong khi làm mẫu cho chúng tôi bằng cách dùng tay bới móc lớp cát rồi lôi lên một con mực bò ngoe nguẩy những chiếc tua dài đang cố vùng vẫy, bỏ tọt vào chiếc thùng nhựa xách theo, rồi sau đó dẫn chúng tôi đi dò tìm hang mực bò khác.

Sau khoảng một giờ đồng hồ, ước chừng số lượng mực bò đã đủ cho một cữ nhậu “sương sương”, Hai Tân hò chúng tôi “rút quân”. Chiếc thùng nhựa được xách lên bờ, bên trong là những con mực bò to cỡ gần bằng ba ngón tay người lớn đang xoắn xít tít mù. Trên đường trở về nhà, khi qua ngang vườn, anh còn với tay hái thêm một nắm lá me non, rồi đưa chúng tôi vào bếp. Sau khi làm sạch đám mực bò, anh nổi lửa chế biến món mực bò luộc lá me. Chừng mươi phút, ước chừng mực bò vừa chín tới, Hai Tân dập lửa bếp, dùng đũa gắp những con mực bò còn bốc khói nghi ngút bỏ vào đĩa, rồi bày ra chiếc chiếu trải ngoài hiên…

Sẽ trở thành “vật hiếm”?

Bên chiếu nhậu, với sự tham gia của hai người hàng xóm, Hai Tân tiếp tục “khai sáng” cho chúng tôi về mực bò vốn đang được người dân địa phương ráo riết săn lùng để bán cho các nhà hàng đặc sản. Theo lời anh, do mực bò bắt được trên bãi sình cát khá sạch, nên chẳng cần phải “tắm rửa” kỹ càng trước khi chế biến thành những món nhậu mà giới đàn ông rất khoái khẩu. Trong số các món đó, mực bò luộc me, hấp dấm vẫn là “đỉnh”, được coi là món đại bổ dành cho phụ nữ mới sinh, hoặc cho các cháu bé bị còi xương. Tuy nhiên, đối với dân nhậu, mực bò luộc me chấm mắm, ăn kèm bánh tráng, rau sống, vẫn là “đệ nhất khoái khẩu”…

Trong câu chuyện bên ly rượu đế, chúng tôi hỏi anh Tư An, người hàng xóm của Hai Tân, cũng là một tay săn mực bò vào hàng thiện nghệ ở xứ biển Tân Thành, rằng, với nguồn đặc sản mực bò như hiện nay, liệu người dân địa phương có “sống khỏe” nhờ chúng hay không thì nhận được câu trả lời: “Cách đây chừng mươi năm, dân Tân Thành muốn nhậu mực bò, chỉ cần vớ đại chiếc rùng rồi ra bãi sình cát nửa giờ đồng hồ là được bữa nhậu. Nhưng giờ người ta săn bắt mực bò để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu dữ quá, chưa kịp lớn thì chúng đã bị tóm mất rồi. Cũng chẳng trách được vì mỗi ngày, kiếm được đôi ký là có thể dằn túi mấy trăm ngàn…”.

Anh Tư An còn cho biết, do mực bò đã trở thành đặc sản, được bán với giá khá đắt trên thị trường (trên dưới 200 nghìn đồng mỗi ký) nên hiện nay, ở vùng biển Tân Thành có rất nhiều nhóm thợ săn hằng ngày đi dọc các bãi sình cát để kiếm tìm mực bò. Trên địa bàn xã cũng có khá nhiều các điểm thu mua hải sản sẵn sàng bao tiêu mực bò do thợ săn kiếm được để gom về thành phố tiêu thụ. “Nhiều người săn lùng quá! Thử hình dung xem, hàng trăm người suốt ngày đêm cứ mai phục bên các bãi sình cát để săn bắt thì mực bò ngày càng ít đi điều đó có chi là lạ? …” - Anh Tư An bày tỏ nỗi niềm.

Nghe chồng nói vậy, chị Ba Thương từ bên nhà nói với qua bờ rào: “Tôi cũng thường theo ảnh đi bắt mực bò. Ngày trước ở đây có rất nhiều mực bò, nhưng chẳng mấy ai đi bắt. Còn bây giờ, thị trường rất ưa chuộng loại đặc sản này nên săn được mẻ nào hết veo mẻ ấy. Do người đi săn ngày càng nhiều nên mực bò sinh sản không kịp. Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa, mực bò sẽ trở thành vật hiếm…”.

Nguyễn Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/di-san-muc-bo-o-xu-bien-tan-thanh/