Di sản Trịnh Công Sơn cần được ứng xử ra sao?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) chỉ sống được 62 năm trên cuộc đời, mà di sản của ông đồng hành và réo gọi nhiều thế hệ người Việt Nam. Thế nhưng, mỗi dịp kỷ niệm ngày mất hay ngày sinh của ông, ngoài những chương trình ca nhạc thì chẳng mấy ai quan tâm đến việc củng cố tác phẩm Trịnh Công Sơn một cách có hệ thống.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ra và lớn lên ở Huế, học cao đẳng ở Quy Nhơn, làm giáo viên ở Bảo Lộc, rồi gắn bó với TP Hồ Chí Minh cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dường như chưa bao giờ vắng mặt trên cõi đời, dù công chúng không còn nhìn thấy bóng dáng gầy gò cùng bước chân liêu xiêu của ông đi qua những hàng me đô thị phương Nam; Dù đồng nghiệp không còn nhìn thấy khuôn mặt buồn thỉnh thoảng ánh lên ánh mắt tinh nghịch của ông trong những cuộc hội ngộ rượu sớm trà khuya.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001).

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tồn tại nhờ nhiều ca khúc của ông vẫn dan díu giữa trái tim nhiều người. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng thổ lộ đã sáng tác khoảng 600 ca khúc. Tuy nhiên, dựa vào văn bản mà nhiều nhà sưu tập có được, thì hiện nay chỉ mới tìm thấy khoảng 250 ca khúc. Sau 20 năm ông qua đời, các chương trình ca nhạc lớn nhỏ trên cả nước, cũng chỉ hát đi hát lại chừng 50 ca khúc quen thuộc. Do sự lười nhác của giới biểu diễn, hay vì nguyên nhân nào khác, thì một sự thật ấy cũng nói lên một điều rằng, di sản Trịnh Công Sơn chưa được khai thác hiệu quả để mang lại giá trị tinh thần cho xã hội hôm nay và ngày mai.

Nền tân nhạc Việt Nam có ba nhân vật nổi bật là Văn Cao (1923-1995), Phạm Duy (1921- 2013) và Trịnh Công Sơn (1939-2001). Nếu phân tích về giai điệu và khúc thức, thì tác phẩm của Trịnh Công Sơn không bay bổng bằng Văn Cao và không đa dạng bằng Phạm Duy. Thế nhưng, ca từ của Trịnh Công Sơn lại rất gần gũi với tâm tình và tâm tính của người Việt Nam. Đặc biệt, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có dòng ca khúc Da Vàng vượt khỏi biên giới Việt Nam, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia nghiên cứu âm nhạc quốc tế.

Sau khi nhạc sĩ Mỹ Bob Dylan được trao giải thưởng Nobel Văn học năm 2016 vì "đã có cách biểu đạt mới cho thi ca qua các ca khúc", thì những người yêu nhạc càng thấy trân trọng hơn với ca từ của Trịnh Công Sơn. Xuất hiện cùng thời điểm vào thập niên 60 của thế kỷ trước, Bod Dylan và Trịnh Công Sơn là hai hiện tượng âm nhạc ở hai bán cầu. Nếu nhạc sĩ Bod Dylan ở Mỹ có album "Blowin' in the Wind" (Thoảng bay theo cơn gió) thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Việt Nam có dòng ca khúc Da Vàng.

Giữa hai nền văn hóa khác nhau, giữa hai môi trường sáng tạo khác nhau, nhưng ca từ của Trịnh Công Sơn hoàn toàn không thua kém Bod Dylan. Thậm chí, ca từ Trịnh Công Sơn còn có yếu tố vượt trội khi đề cập đến những thân phận yếu đuối chịu đựng chiến tranh. Ví dụ, ca khúc "Đại bác ru đêm" day dứt: "Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe/ Từng chuyến bay đêm con thơ giật mình/ Hầm trú tan hoang ôi da thịt vàng/ Từng đêm soi sáng là mắt quê hương". Hoặc ca khúc "Cho quê hương mỉm cười" đanh thép: "Triệu bàn tay chúng ta đấm tan mặt tôi đòi/ Trong tim con người lòng tin làm khí giới/ Ta hiên ngang bên thú mặt người/ Một bầy thú tay sai cho người ngoài/ Triệu bàn chân chúng ta bước đi trên mặt đất này/ Trong tim con người là một đồng lúa mới/ Ta nung sôi ý chí mặt trời/ Chặt cùm xích cho quê hương mỉm cười".

Dòng ca khúc Da Vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có khoảng 100 bài hát, phần lớn vẫn còn chìm khuất trong đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay. Cần phục dựng lại, bằng cách xuất bản hoặc ghi âm những tác phẩm tâm huyết đó, không phải để đề cử giải thưởng Nobel Văn học cho Trịnh Công Sơn (vì giải thưởng Nobel không trao cho người đã khuất) mà để làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc Việt Nam. Bởi lẽ, trong dòng ca khúc Da Vàng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát lên chân lý yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam một cách giản dị và bền bỉ. Chẳng hạn, ca khúc "Đêm bây giờ đêm mai" viết năm 1967: "Đêm mai là trời im tiếng súng/ Cho mẹ hát ca dao trên đồng/ Đêm mai này hỏa châu hết sáng/ Cho mẹ thấy tương lai đàn con/ Đêm huy hoàng trời mưa trút xuống/ Ôi từ đó nghe như thiên đàng".

Chân dung Trịnh Công Sơn qua nét vẽ Đinh Cường.

Đẳng cấp ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là điều ai cũng thừa nhận. Nói cách khác, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một người hát thơ mình bằng tiết tấu da diết. Vì vậy, chuyện Trịnh Công Sơn phổ thơ người khác rất hiếm hoi. Tổng cộng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ phổ nhạc cho bốn bài thơ. Với mối quan hệ thân thiết, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã phổ hai bài thơ của họa sĩ Trịnh Cung thành ca khúc "Cuối cùng cho một tình yêu" và "Thiên sứ bâng khuâng".

Trường hợp ca khúc "Mẹ đi vắng" được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thơ của Nguyễn Quang Dũng vào năm 1982, khá độc đáo. Chính xác hơn, khi ấy Nguyễn Quang Dũng mới 4 tuổi, đã cùng cha là nhà văn Nguyễn Quang Sáng đến thăm Trịnh Công Sơn. Từ những câu nói ngây ngô của Nguyễn Quang Dũng "mẹ đi vắng, con sang chơi nhà bạn, con cầm cây đàn con hát, cho mẹ về với con", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc "Mẹ đi vắng" và trân trọng ghi tên tác giả phần lời lúc công bố tác phẩm.

Ngoài ra, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có ca khúc "Giọt nước cành sen" phổ thơ Thân Thị Ngọc Quế vào năm 1990: "Ngàn năm giọt nước có buồn không/ Sao vẫn long lanh dưới ánh hồng/ Trên cánh sen vàng ai biết được/ Ngàn năm giọt nước có buồn không".

Sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đánh dấu từ ca khúc "Ướt mi" viết năm 1958. Vậy, ca khúc nào đánh dấu kết thúc hành trình sáng tác của ông? Ca khúc "Đồng dao 2000" được công bố trước khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời ít lâu, cũng không phải ca khúc cuối cùng của ông. Trong di cảo, có hai ca khúc được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết đầu năm 2001, là "Đốm lửa hồng" và "Hạt điều khăn điều".

Ca khúc "Đốm lửa hồng" trầm tư: "Em đi tìm, tìm đời không gỗ đá/ Em đi tìm, tìm đời không cánh diều bay/ Hồng nhan giữa phố có khi hồng nhan lạ/ Hồng nhan giữa phố hồng nhan ơi/ Hồng nhan em là đốm lửa hồng". Còn ca khúc "Hạt điều khăn điều" trăn trở: "Những hạt điều nằm kề bên nhau/ Điệu không lụa đỏ/ Lụa đỏ thênh thang bay cùng khắp phố/ Phố em phố nhỏ đỏ đỏ mắt nhìn".

Sau 20 năm rời xa cõi tạm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn phủ sóng trong mọi ngõ xóm ba miền. Thế nhưng, vẫn còn nhiều tâm tư của ông gửi gắm qua ca khúc, chưa được vang lên. Cho nên, nếu thực sự yêu mến Trịnh Công Sơn, thì đừng ăn theo tên tuổi Trịnh Công Sơn để công bố những bức thư tình sến súa mà ông đã giấu kín trong quá khứ, hoặc làm những bộ phim hư ảo như "Em và Trịnh". Hãy hệ thống lại toàn bộ tác phẩm Trịnh Công Sơn và công bố một cách bài bản. Nhất là trong bối cảnh hội nhập, thực hiện một tuyển tập Trịnh Công Sơn để dịch sang các ngôn ngữ thịnh hành quốc tế, sẽ giúp thế giới có thêm một kênh thẩm mỹ về nghệ thuật Việt Nam.

Không có gì phải nghi ngại, khi khẳng định rằng, qua ca khúc Trịnh Công Sơn, nhân loại sẽ thấu hiểu người Việt "nhân danh mơ ước ta quyết đòi hòa bình, nhân danh tình thương ta chống chiến tranh". Từ năm 1968, Trịnh Công Sơn đã khao khát: "Ta đã thấy gì trong đêm nay/ Bàn tay muôn vạn bàn tay/ Những ngón tay thơm nối tật nguyền, nối cuộc tình, nối lòng đổ nát/ Bàn tay đi nối anh em" và Trịnh Công Sơn đã dự liệu: "Nơi đây còn những thương binh/ Ngày mai ruộng xanh là niềm tin cấy trên lòng anh/ Vì quanh đây nhờ anh, người người đã sống trong yên lành".

Đồng thời, Trịnh Công Sơn cũng mong mỏi giữa người với người được kéo gần những cách biệt và những xa lạ: "Người vinh quang mơ ước địa đàng/ Người gian nan mơ ước bình thường/ Làm sao đến gần hy vọng cuộc vui chung/ Đường hôm qua tôi thấy được rồi/ Đường hôm nay tôi đã cùng ngồi có gì vui/ Đường tương lai xin nhắc từ đầu/ Cùng anh em trên khắp địa cầu, hãy gần nhau/ Và riêng tôi xin có một ngày, ngồi thong dong trao đến mọi loài, chút tình tôi".

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/di-san-trinh-cong-son-can-duoc-ung-xu-ra-sao--i689103/