Di sản văn hóa phi vật thể Cồng chiêng Tây Nguyên vang vọng đất Thủ đô

Từ chiều ngày 1/12, người dân Thủ đô và khách du lịch được trực tiếp chiêm ngưỡng và thưởng thức những tiết mục diễn xướng cồng chiêng đặc sắc của các nghệ nhân đến từ Tây Nguyên.

Đây là Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, kéo dài đến hết tháng 12/2023.

Chương trình do Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) phối hợp với các địa phương thực hiện. Ngoài giới thiệu về văn hóa Cồng Chiêng, Nghệ thuật Xòe Thái còn có các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, thông tin về các chương trình tour du lịch hấp dẫn đến với vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đại ngàn, chương trình giao lưu trải nghiệm ẩm thực...

Đây là những phương thức trực quan, sinh động nhất để truyền tải tới công chúng câu chuyện về 2 di sản phi vật thể đang được cộng đồng thực hành ở các địa phương.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, chương trình là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm đẩy mạnh quảng bá các giá trị độc đáo của di sản, góp phần phát triển du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thông qua chương trình này, mong muốn các địa phương, điểm đến, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch cùng cộng đồng sẽ tiếp tục chung tay đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, tăng cường thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các giá trị của di sản văn hóa của Việt Nam.

Cách đây 18 năm, ngày 25/11/2005, Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam, sau Nhã nhạc Cung đình Huế, được tôn vinh là di sản của thế giới.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai...

Mỗi dân tộc Tây Nguyên lại có những đặc trưng riêng của cồng chiêng. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ, hoặc dùng theo dàn, theo bộ từ 2 đến 12 chiếc, cũng có bộ 18 đến 20 chiếc như bộ chiêng của người Giarai. Dàn cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức như một dàn nhạc có thể diễn tấu những bản nhạc đa âm với các hình thức hòa điệu khác nhau. Điều đặc biệt trong dàn nhạc này mỗi người chỉ đánh một chiếc cồng, hoặc chiêng (cồng là loại có núm, chiêng không có núm).

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, khi xuống đồng; là biểu hiện của tín ngưỡng, là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên... Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu... đều phải có tiếng cồng. Tiếng chiêng dài hơn đời người, tiếng chiêng nối liền, kết dính những thế hệ.

Các nghệ nhân dân gian diễn tấu cồng chiêng kết hợp với nhau rất hài hòa, tạo nên những bản nhạc với các tiết tấu, hòa thanh rất phong phú, mang sắc thái riêng với muôn vàn cung bậc.

Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên đều có những bản nhạc cồng chiêng riêng để diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên, khát vọng của con người... Người Giarai có các bài chiêng Juan, Trum vang. Người Bana có các bài chiêng Xa Trăng, Sakapo, Atâu, Tơrơi...

Đây là nét sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, nổi bật nhất ở nhiều dân tộc Tây Nguyên. Vượt hàng ngàn cây số từ đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, các nghệ nhân đã mang các tiết mục cồng chiêng tới Hà Nội biểu diễn và thành công thu hút được sự quan tâm, thích thú của rất đông người dân Thủ đô cũng như du khách nước ngoài, những khán giả đến từ các nền văn hóa khác nhau.

Ngọc Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/di-san-van-hoa-phi-vat-the-cong-chieng-tay-nguyen-vang-vong-dat-thu-do-post29746.html