Di tích khảo cổ Vườn Chuối trước nguy cơ bị xóa sổ

Toàn bộ phần đất di tích khảo cổ Vườn Chuối được giao cho doanh nghiệp để xây dựng khu đô thị...

Quá trình khai quật di tích Vườn Chuối đã trải qua 8 đợt

Minh chứng cho lịch sử

Di tích khảo cổ Vườn Chuối nằm trên cánh đồng thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức (Hà Nội) được phát hiện đầu tiên vào năm 1969, diện tích ước khoảng 19.000m2. Trải qua 8 đợt khai quật với tổng diện tích là 650m2, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật có niên đại cách đây từ khoảng 3.000 - 3.500 năm được làm bằng các chất liệu đá, đồng, xương, gốm.

Bên cạnh các loại di vật, các nhà khảo cổ còn phát hiện nhiều loại hình di tích, trong đó các di tích tiêu biểu là lò nấu đồng, nền nhà đắp bằng đất sét vàng, bếp. Đặc biệt, đợt khai quật năm 2009 đã phát hiện 2 di tích mộ cổ trong đó có 1 mộ hung táng, 1 mộ cải táng. Mộ hung táng có chôn theo một số đồ tùy táng như: Nồi gốm, rìu đồng, mũi tên đồng. Hai mộ này thuộc văn hóa Đông Sơn có niên đại từ 2500 - 2000 năm.

Có thể nói, Vườn Chuối là một trong những di tích khảo cổ học quan trọng, tiêu biểu thời Hùng Vương. Việc phát hiện di tích Vườn Chuối cùng một loạt các di tích thuộc giai đoạn Tiền Sơ sử khác ở xung quanh như: Gò Dền Rắn, Gò Mỏ Phượng, Gò Chùa Gio, Gò Đình Lồ… là một minh chứng cho thấy, làng Lai Xá có một bề dày lịch sử văn hóa rất đáng tự hào.

Theo nhận định của Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, PGS. TS. Tống Trung Tín, do di tích có niên đại kéo dài và phát triển liên tục qua hơn 1.000 năm lịch sử nên có giá trị lớn khi cung cấp tư liệu cho lịch sử đất nước từ thời nguyên thủy sang thời sơ sử, chứng minh sự phát triển liên tục về nguồn gốc, sự lan tỏa và phát triển của cộng đồng dân tộc Việt. “Loại di tích này có giá trị khoa học. Nó rất quý hiếm trong nghiên cứu về người Việt cổ, giai đoạn phát triển mạnh mẽ từ khu vực trung du xuống đồng bằng châu thổ”.

Chưa được xếp hạng

Tuy nhiên, những năm gần đây, di tích Vườn Chuối đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn khi toàn bộ phần đất của di tích đã được chính quyền giao cho Tổng công ty CP Thương mại - Xây dựng Việt Nam (Vietracimex) để xây dựng khu đô thị Kim Chung - Dạ Trạch và quy hoạch vào dự án Thăng Long 9. Từ năm 2007 đến nay, phần diện tích này gần như để không, phía chủ đầu tư mới xây dựng một trạm trộn bê tông và từng bị người dân ở đây phản đối, khi có động thái sử dụng máy ủi xâm hại di tích. Hiện nay, đơn vị này đang phải điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể để phù hợp với yêu cầu phát triển của Hà Nội.

Theo bà Đoàn Thị Thanh Thảo (chuyên viên của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội), quy hoạch điều chỉnh tổng thể khu đô thị của chủ đầu tư đã gửi về Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nhưng vẫn chưa được sở này phê duyệt. Do chưa có đánh giá đầy đủ về khu vực di chỉ Vườn Chuối như yêu cầu của UBND TP Hà Nội.

"Vườn Chuối giữ được như hiện nay có sự chung tay của cộng đồng dân cư địa phương, những người vượt trên sự an nguy của bản thân để bảo vệ di tích. Bên cạnh đo, có vai trò rất quan trọng của cộng đồng xã hội (cộng đồng các nhà khoa học, cộng đồng báo chí truyền thông). Những cuộc khai quật trước đây hầu hết chỉ tập trung ở di tích trung tâm, do đó cần xây dựng dự án để tiến hành thám sát, khai quật nhằm đánh giá tổng thể và toàn diện về di tích, xác định rõ quy mô, phạm vi cũng như đánh giá trữ lượng, tiềm năng và giá trị của từng di tích cũng như của cả phức hệ di tích”.

TS. Bùi Hữu Tiến
Bảo tàng Nhân học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

Bên cạnh đó, mặc dù đã khai quật được nhiều di vật, di chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử từ thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc nhưng di tích Vườn Chuối vẫn chưa được đánh giá, xếp hạng hay nằm trong danh mục kiểm kê di tích của TP Hà Nội. Dù sau đợt khai quật lần thứ 3 (12/2009), các nhà khảo cổ đã phản ánh với Sở VH&TT Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội đã trình UBND thành phố cấp kinh phí khai quật với diện tích 300m2 tại đây nhằm mục đích đánh giá quy mô, giá trị và diện tích phân bố của di chỉ Vườn Chuối làm cơ sở cho việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có phương án bảo vệ cụ thể nào được chính thức đưa ra.

Tháng 4 vừa qua, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội khảo sát tại Vườn Chuối cho thấy, công tác bảo vệ các di vật đã được khai quật không được thực hiện nghiêm túc. Hiện trạng di tích là một khu vực rộng lớn, mấp mô đá thải, cỏ rậm xanh rì, chuối mọc tốt tươi. Di chỉ có nguy cơ bị bào mòn, chôn vùi bởi phế thải, bị xáo trộn do đào bới tìm cổ vật; còn nhà đầu tư thì đang nóng lòng muốn được thi công ngay để khỏi mang tiếng “dự án treo” và lãng phí tiền đã giải phóng mặt bằng.

PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, từ năm 2014 trở về trước, tình trạng trộm cổ vật là vấn nạn ở đây khi những người đào trộm hoạt động về đêm, nên người dân không thể bảo vệ được di chỉ. Hiện nay, việc trộm cổ vật tuy đã giảm nhưng người dân sống tại khu vực này thường sử dụng diện tích thuộc di chỉ để trồng rau, cây ăn quả, rễ cây khi bám sâu vào đất sẽ ảnh hưởng đến các di vật phía dưới.

Trước thực trạng này, GS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đã gửi thư cho lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội, trong đó khẩn cầu sự quan tâm và có kế hoạch, biện pháp “hỏa tốc” bảo vệ khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối. Nếu không, di tích có giá trị đặc biệt quan trọng này sẽ bị phá hủy hoàn toàn trong thời gian tới.

Minh Ước

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/di-tich-khao-co-vuon-chuoi-truoc-nguy-co-bi-xoa-so-d264421.html