Di tích nằm chờ ngân sách - Kỳ 3: Chạnh buồn bên lăng mộ vua

Khu di tích An Lăng là nơi an táng và thờ tự của 3 vị vua triều đại nhà Nguyễn. Hiện tại khu di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều công trình có nguy cơ bị xóa sổ nếu không sớm có giải pháp trùng tu.

Bất cứ ai đặt chân đến khu di tích An Lăng (tọa lạc ở phường An Cựu, TP Huế) hiện nay đều cảm thấy đau lòng vì sự xuống cấp đổ nát của di tích. An Lăng là di tích lịch sử cấp quốc gia (được Nhà nước công nhận năm 1995) thuộc quần thể di tích cố đô Huế, nơi chôn cất, thờ phụng ba vị vua của vương triều Nguyễn: Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân.

Ngay cổng chính bước vào điện Long An, nhiều phiến đá trước cổng đã bị bung ra, tường bị thủng, lở nhiều đoạn. Ở khu vực bên trong chính điện, nhiều mảng tường rạn nứt, cỏ dại mọc um tùm trên những bờ tường mốc rêu. Nhiều chỗ còn được dùng làm vườn ươm, những đống gạch vụn, phế liệu được đổ ngay bên bờ tường.

Khu lăng mộ các vua Duy Tân, Thành Thái trong di tích An Lăng xuống cấp đến đau lòng - Ảnh: Minh Phương

Phía sau điện Long An được bao bọc bởi tường thành, trước đây là chốn hậu cung của các bà vợ vua, nay là nơi an nghỉ của nhiều ông hoàng bà chúa như vợ, mẹ, anh em của vua Duy Tân cùng một số hoàng thân. Thế nhưng, giờ đây cũng bị người dân lấn chiếm, xây dựng nhà ở, phòng trọ sinh viên. Nhiều đoạn tường thành bị người dân tự ý đập phá để xây dựng công trình.

Khu lăng mộ 3 vua

Hiện giờ, An Lăng là khu mộ chung của ba thế hệ vua: Dục Đức (cha), Thành Thái (con), Duy Tân (cháu). Toàn bộ khu lăng mộ hình chữ nhật có diện tích 3.445m2, bên trong không có Bi đình và tượng đá. Hiện nay, trong khu di tích An Lăng còn có 42 tẩm mộ của các ông hoàng bà chúa cùng với 121 ngôi mộ đất của dòng họ Nguyễn Phước (họ vua).

Phía bên trái là khu lăng mộ rộng gần 1 ha rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát, hiện đang được khóa cửa và bỏ hoang. Nhiều bộ phận trang trí của cổng Tam quan (cổng chính vào lăng) bị rơi rụng. Một số di tích nhỏ gần như đã bị xóa sổ, chỉ còn lô nhô vài dấu vết cũ chứng tỏ rằng nó đã từng tồn tại. Nhà Huỳnh ốc (nhà đặt hương án thờ cúng) xiêu vẹo, bên trong phải dùng gỗ để chống đỡ bốn phía, chỉ dùng dây sắt néo và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Nằm ngay cạnh khu lăng, một số công trình như: Trụ biểu bị bỏ hoang cây cối che lấp, một số lăng mộ bị “lãng quên”, đổ nát, cỏ cây mọc um tùm. Ngay phía trước lăng có ba bốn căn nhà dân lợp mái tôn tạm bợ, dù đã có kế hoạch chuyển đi nhưng đến nay vẫn đang bỏ ngỏ, người dân vẫn chịu cảnh sống "bám" bên di tích.

Cần sớm cứu nguy

Theo tác giả Lê Văn Phúc trong Huế xưa và nay, An Lăng là tên chữ của Lăng vua Dục Đức (1852 - 1883), vị vua thứ 5 của triều đại nhà Nguyễn. Vua Dục Đức tên là Nguyễn Phúc Ưng Chân, là con nuôi của vua Tự Đức. Ông lên ngôi chỉ 3 ngày thì bị phế truất vì tội dám lược bỏ một đoạn văn trong di chiếu truyền ngôi của tiên đế, bị tống vào ngục và đã chết đói trong nhà ngục. Khi toán lính gánh thi hài đi chôn, giữa đường bị đứt dây, mọi người đã chọn chỗ đất thi hài rơi làm nơi “thiên táng” yên nghỉ vĩnh viễn của nhà vua. Năm 1889, con trai của Dục Đức là Bửu Lân được đưa lên làm vua, đặt niên hiệu là Thành Thái. Đầu năm 1890, vua Thành Thái cho xây dựng lăng mộ của vua cha ngay tại nấm mồ “thiên táng” đó và đặt tên là An Lăng. Năm Thành Thái thứ 11 (1899), nhà vua cho xây dựng điện Long An ở phía phải lăng mộ làm nơi thờ cúng vua cha, và xây các công trình phụ như Tả, Hữu Phối đường (trước), Tả, Hữu Tùng viện (sau) dành cho bảy bà vợ thứ của vua cha ăn ở, lo việc thờ phụng. Năm 1906, bà Từ Minh (vợ chính vua Dục Đức, mẹ vua Thành Thái) qua đời, triều đình cho quy hoạch lại khu lăng mộ vua Dục Đức, làm thành khu lăng kép, xây mộ bà gần mộ ông, theo kiểu song táng.

Năm 1907, vua Thành Thái bị truất ngôi vì có tư tưởng chống Pháp, con trai Thành Thái được đưa lên ngôi, lấy niên hiệu là Duy Tân. Vua Duy Tân tuy còn nhỏ nhưng vẫn theo gót cha quyết tâm chống Pháp cứu nước. Năm 1916, vua Duy Tân lại bị bắt vì tội tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Thái Phiên và Trần Cao Vân tổ chức và bị đày biệt xứ như vua cha. Năm 1953, vua Thành Thái được trở về nước và sống ở Sài Gòn, đến năm 1954 thì mất, thi hài được hoàng tộc đưa về chôn trong khuôn viên lăng Dục Đức... Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được cải táng từ châu Phi đưa về chôn cạnh mộ vua Thành Thái. Theo tác giả Lê Văn Phúc, lăng Dục Đức được xây dựng trong hoàn cảnh đất nước và vương triều Nguyễn có nhiều biến động, nên quy cách kiến trúc chung của các lăng cũng có một số nét nghệ thuật cá biệt và ý nghĩa riêng, nhất là trên lĩnh vực trang trí càng làm phong phú thêm sắc thái và chất lượng của quần thể kiến trúc lăng tẩm các vua nhà Nguyễn ở cố đô Huế.

Khác với lăng các ông vua khác, An Lăng nằm ngay gần trung tâm thành phố, không thu vé vào cổng nhưng lại rất vắng du khách tham quan bởi nó đang bị lãng quên và xuống cấp trầm trọng.

Theo chúng tôi, với hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần chỉ đạo các đơn vị liên quan ưu tiên sớm triển khai dự án trùng tu khu di tích An Lăng để cứu nguy một di sản quý đang tiếp tục xuống cấp và đổ nát từng ngày...

Bùi Ngọc Long - Phan Quyên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/di-tich-nam-cho-ngan-sach-ky-3-chanh-buon-ben-lang-mo-vua-323440.html