Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Tái hiện không gian khoa cử

Như chúng tôi đã đưa tin, đầu tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo quản và phát triển khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Vấn đề bây giờ là bản Quy hoạch sẽ tạo cho Di tích một hình dung thế nào cho xứng tầm giá trị.

Du khách đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Du khách đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hình thành từ thời Lý (thế kỷ XI) nhưng đến thời Pháp thuộc, không gian của Văn Miếu chỉ giới hạn bên trong những bức tường bao quanh. Phải đến năm 1899, thống sứ Bắc Kỳ đã ký quyết định mở rộng không gian Văn Miếu trong phạm vi một vùng đất 4 cạnh, với các con đường mà nay là Nguyễn Thái Học, Quốc Tử Giám, Tôn Đức Thắng… Không chỉ ở thời Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông hoặc thời vua Trần, thời Hậu Lê mà những năm đầu của thế kỷ XIX, Văn Miếu vẫn được triều Nguyễn dựng không gian thờ tự và dựng nên Khuê Văn Các - biểu tượng của Hà Nội ngày nay…

Quy hoạch Văn Miếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang được kỳ vọng sẽ giúp cho di sản văn hóa quốc gia đặc biệt này sẽ bảo tồn, phát huy theo hướng dài hơi và các tác dụng dài lâu với việc bảo tồn di tích. Để Văn Miếu cùng với sẽ trở thành một trong những giá trị đặc sắc nhất của Hà Nội và cả nước.

Được biết, hiện nay Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã bắt đầu triển khai các bước đi cơ bản sau khi bản Quy hoạch được phê duyệt. Trước hết là sẽ lấy ý kiến các chuyên gia và cộng đồng dân cư tại chỗ…

Cụ thể, sẽ có nhiều hạng mục cấp thiết được ưu tiên nghiên cứu để xin triển khai ngay như trùng tu một số kiến trúc đang xuống cấp như nhà Bái Đường, điện Đại Thành, Khuê Văn Các. Theo ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm thì những hạng mục này cần trùng tu càng sớm càng tốt. Trong đó, Khuê Văn Các không đơn thuần chỉ là một công trình gắn với Văn Miếu. Từ năm 2012, gác Khuê Văn đã được lựa chọn là biểu tượng văn hóa của Thủ đô.

Cũng theo ông Kiêu, trong thời gian tới, phía Trung tâm cũng sẽ sớm nghiên cứu phương án tôn tạo lại khu vực Hồ Văn, đồng thời kết nối không gian này với khu nội tự để thu hút du khách. Dự kiến, tới năm 2020, một cây cầu nối ra gò Kim Châu giữa hồ Văn sẽ được xây mới, kèm theo đó là việc phục dựng Phương Đình (tương truyền là ngôi đình để các sĩ tử xưa bình thơ văn). Hiện nay không gian hồ Văn đang lãng phí khi không có sự kết nối với không gian Văn Miếu do bị chia cắt bởi đường giao thông phố Quốc Tử Giám. Hầu như rất ít khách tham quan Văn Miếu xong thì qua đường thăm hồ Văn.

Cuối thế kỷ XIX, thống sứ Bắc Kỳ mở rộng không gian nhưng vẫn bỏ quên hồ Văn, tên cũ xưa gọi là Thái Hồ. Giữa hồ có gò Kim Châu, là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ kinh thành xưa. Thế nên, năm 1939, các quan lại và thân hào địa phương đã gửi đơn yêu cầu HĐND TP trả lại khu vực hồ Văn cho Văn Miếu và được chấp nhận vào năm 1940. Nhưng rồi, sau đó hồ Văn lại bị tách ra khỏi không gian chung của Văn Miếu và giao cho chính quyền quận Đống Đa quản lý trong vai trò của một khu vui chơi công cộng. Phải tới năm 1999, trong đợt chỉnh trang lớn tại Văn Miếu, phần diện tích hồ Văn một lần nữa mới được chuyển giao cho ban quản lý của khu di tích này.

Trong số những giải pháp nhằm giải quyết việc chia cắt này có những giải pháp từng được đặt ra như làm cầu bộ hành, xây hầm ngầm xuyên đường Quốc Tử Giám... Hoặc một phương án khác được một công ty tư vấn nước ngoài đưa ra là làm một cột đèn giao thông với thời lượng dừng xe khoảng 30 giây để giúp du khách băng qua đường, phần vỉa hè và lòng đường sẽ được thiết kế với màu sắc riêng để tạo sự kết nối.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người trông đợi nhất sau khi Quy hoạch được phê duyệt là phát huy vai trò “Trường đại học đầu tiên” của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nghĩa là phải tái hiện ở đây không gian khoa cử xưa kia, giúp du khách có thể tìm hiểu về nghi thức, lề thói của hoạt động thi cử xưa kia theo một không gian hấp dẫn, đậm không khí khoa trường. Từng có những đề xuất về việc xây dựng bảo tàng, tuy nhiên cái khó của phương án này là diện tích đất ở khu di tích hiện nay hạn chế, không đủ không gian cho bảo tàng. Cũng có ý kiến cho rằng có thể xây bảo tàng ngầm, nhưng phương án này không được các nhà nghiên cứu ủng hộ.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, giải pháp tốt nhất là sử dụng không gian lịch sử sẵn có ở khu Di tích này để trưng bày. Theo PGS Nguyễn Văn Huy, về lâu dài, “chúng ta phải tái dựng lại không gian khoa cử ngày xưa, với lễ xướng danh, ra đề thi chọn trạng nguyên hoặc cảnh lều chõng của sĩ tử. Đó là phần hồn của Văn Miếu để du khách trải nghiệm, hoặc tìm hiểu về những câu chuyện lý thú này”.

Việc này cũng đang được Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám khởi động, mà trước mắt là sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật các khoa thi qua các triều đại. Ông Lê Xuân Kiêu cho biết: “Song song với việc thu thập thêm tư liệu, chúng tôi cũng tính tới việc sử dụng công nghệ hiện đại để hỗ trợ thuyết minh, thậm chí tái hiện một phần hình ảnh khoa cử khi xưa bằng không gian thực tế ảo để phục vụ du khách. Đây là cách làm phổ biến tại các bảo tàng lớn trên thế giới”. Được biết thời gian qua tại Văn Miếu đã tổ chức hệ thống thuyết minh tự động qua tai nghe không dây bằng 8 thứ tiếng khác nhau và nhận được phản hồi rất tích cực từ phía du khách quốc tế.

Nguyễn Hùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/di-tich-van-mieu-quoc-tu-giamtai-hien-khong-gian-khoa-cu-tintuc437662