Đi tìm bản sắc đô thị Biên Hòa

Biên Hòa là đô thị trung tâm của Đồng Nai và cũng là một trong những đô thị lớn của cả nước. Tuy nhiên, do còn thiếu điểm nhấn khiến đô thị Biên Hòa chưa thực sự tạo được dấu ấn, nét riêng về mặt kiến trúc, quy hoạch để xây dựng 'thương hiệu' riêng của mình.

Cầu An Hảo hiện mang nhiều giá trị trong kết nối giao thông. Ảnh: P.Tùng

Cầu An Hảo hiện mang nhiều giá trị trong kết nối giao thông. Ảnh: P.Tùng

* Nhạt nhòa “nét riêng” kiến trúc

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lý Thành Phương, đối với các không gian cảnh quan ven sông mà Biên Hòa có nhiều lợi thế phát triển, Nhà nước cần thực hiện thu hồi đất và lập ra các dự án hướng đến cộng đồng, phục vụ cho mục đích công cộng. Nếu các khu vực ven sông thuộc về tư nhân sẽ rất khó hình thành không gian mở cho đô thị, khi đó sức lan tỏa với cộng đồng, với du khách cũng sẽ bị hạn chế. Bản sắc của một đô thị sẽ khó được hình thành nếu những giá trị đó không tạo được sức lan tỏa.

Cuối năm 2015, người dân TP.Biên Hòa hân hoan khi cầu An Hảo bắc qua sông Đồng Nai nối liền hai bờ phường An Bình và cù lao Hiệp Hòa được khởi công xây dựng. Hân hoan bởi đây là công trình không chỉ giúp kết nối giao thông thuận lợi hơn mà còn được kỳ vọng sẽ tạo nên điểm nhấn kiến trúc ở khu vực cửa ngõ của TP.Biên Hòa.

Do đó, trước khi được khởi công xây dựng, Sở Xây dựng đã tổ chức hẳn một cuộc thi kiến trúc cho cầu An Hảo. Tuy nhiên, cuối tháng 4-2017, khi cầu An Hảo hoàn thành xây dựng và được thông xe, những kỳ vọng của người dân chỉ được đáp ứng phân nửa. Do sự thay đổi chủ đầu tư cũng như khó khăn về nguồn vốn nên cầu An Hảo khi hoàn thành xây dựng đã không được mang “hình hài” của thiết kế kiến trúc đã đoạt giải trước đó. Cầu An Hảo, khi được đưa vào sử dụng chỉ mang trong mình giá trị về kết nối giao thông, trong khi kỳ vọng về một công trình tạo điểm nhấn kiến trúc đã không được đáp ứng.

Sự đơn điệu của cầu An Hảo cũng khiến cho tình trạng “khan hiếm” điểm nhấn của đô thị Biên Hòa tiếp tục kéo dài. Ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, đến thời điểm này, TP.Biên Hòa dù có sự phát triển nhanh chóng nhưng lại rất thiếu những công trình kiến trúc tạo ra điểm nhấn. Thực tế, TP.Biên Hòa hiện chỉ có vài công trình tạm gọi là “có nét” như: Văn miếu Trấn Biên, Bảo tàng Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, tòa nhà The Pegasus Plaza, khách sạn Central Park...

Một góc TP. Biên Hòa nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Dẫu

Không chỉ thiếu điểm nhấn kiến trúc, hạ tầng, không gian cảnh quan đô thị của TP.Biên Hòa hiện cũng được đánh giá còn nhiều hạn chế.

Đầu năm 2016, TP.Biên Hòa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Đồng Nai sau hơn 20 năm là đô thị loại II. Dù được đánh giá là một đô thị năng động trong phát triển kinh tế, tuy nhiên hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông và môi trường lại chưa phát triển tương xứng.

Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh Trần Quang Toại cho rằng, bối cảnh lịch sử cũng như tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh khiến quá trình phát triển của đô thị Biên Hòa có nhiều hạn chế. Trong đó, sức ép lớn nhất mà TP.Biên Hòa phải đối mặt chính là tốc độ gia tăng dân số cơ học quá nhanh. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của TP.Biên Hòa những năm qua diễn ra rất nhanh, kéo theo lực lượng lao động từ các nơi đổ về rất đông đã tạo ra sức ép về nhu cầu ăn, ở, đi lại, sinh hoạt, học tập rất lớn. Điều này thể hiện rõ nét ở những “siêu phường” có quy mô dân số tương đương với một huyện trên địa bàn TP.Biên Hòa như phường Long Bình, Trảng Dài. Trong khi đó, quá trình quy hoạch và phát triển đô thị Biên Hòa “luôn đi sau” so với tốc độ gia tăng dân số và phát triển kinh tế.

Hệ quả của tình trạng này là việc hệ thống giao thông, thoát nước trở nên quá tải trước sức ép dân số. Thêm vào đó, do nhu cầu nhà ở, nhiều khu dân cư tự phát cũng hình thành khiến “hình hài” của TP.Biên Hòa càng trở nên “luộm thuộm”, rối rắm, chưa hình thành được “nét riêng” của một đô thị lớn.

* Tạo “bản sắc” cho đô thị Biên Hòa

Trước thực trạng “nghèo nàn” điểm nhấn và hạn chế về cảnh quan đô thị, hiện nay, TP.Biên Hòa đã tập trung nhiều nguồn lực cho công tác chỉnh trang đô thị.

Theo UBND TP.Biên Hòa hiện nay, việc ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông, điện lực và thay thế cây xanh trên đường Hà Huy Giáp đã cơ bản hoàn thành. Sắp tới, một loạt tuyến đường trung tâm ở nội ô như: Hưng Đạo Vương, 30-4, Võ Thị Sáu cũng sẽ được chỉnh trang. Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho hay, việc chỉnh trang các trụ đường trung tâm sẽ góp phần tạo ra cảnh quan thông thoáng, xanh sạch cho thành phố, từ đó “nâng cấp” bộ mặt đô thị Biên Hòa.

Ngoài các dự án chỉnh trang, hiện nay Đồng Nai cũng đang tập trung đầu tư nguồn lực cho TP.Biên Hòa thực hiện các công trình hạ tầng nhằm giúp giảm áp lực quá tải về giao thông và tạo ra không gian cảnh quan đô thị mới.

Đồ họa thể hiện sơ đồ tuyến, tổng chiều dài và tổng mức đầu tư dự kiến của dự án đường ven sông Cái (TP.Biên Hòa). (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)

Theo đó, 2 dự án đang hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng trong thời gian tới bao gồm dự án đường trục trung tâm TP.Biên Hòa (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn - cầu Thống Nhất, đường kết nối hai đầu cầu) và dự án đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản). Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, các dự án này không chỉ phục vụ mục đích phát triển mà còn giúp chỉnh trang, tạo diện mạo mới cho TP.Biên Hòa, do đó cần phải triển khai nhanh.

Đồng thuận với đánh giá trên, ông Lý Thành Phương cho rằng, 2 dự án nói trên khi được triển khai sẽ tạo ra bước đột phá trong việc xây dựng cảnh quan cho đô thị Biên Hòa. Theo đó, để tạo dựng được cảnh quan, kiến trúc đô thị, TP.Biên Hòa phải xây dựng một số trục đường, một số khu vực theo định dạng của một đô thị hiện đại. Đô thị loại I thì dứt khoát phải có một trung tâm hành chính, một trục đường trung tâm nối với vùng ngoại vi đô thị. Như vậy, dự án đường trục trung tâm sẽ đáp ứng phần nào yêu cầu này.

“Ngoài ra, trên trục đường này có hạng mục cầu Thống Nhất (nối từ phường Thống Nhất sang cù lao Hiệp Hòa) nếu được thiết kế với kiến trúc phù hợp sẽ là điểm nhấn rất tốt cho TP.Biên Hòa” - ông Lý Thành Phương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc xây dựng được một trục trung tâm hay các công trình kiến trúc cũng chỉ mang giá trị tạo điểm nhấn cho đô thị. Trong khi đó, để tạo ra bản sắc riêng cho đô thị, ngoài những yếu tố trên, TP.Biên Hòa cần có những không gian mang tính kết nối cộng đồng và gắn liền với các giá trị văn hóa, lịch sử vốn có.

“Biên Hòa có lịch sử 320 năm hình thành, là “cái nôi” mở cõi phương Nam, có rất nhiều giá trị lịch sử gắn liền với vùng đất này. Do đó cần những không gian đô thị lan tỏa được những giá trị này và hướng đến số đông người dân mới có thể tạo ra nét riêng, không nhầm lẫn với các đô thị khác”- ông Lý Thành Phương chia sẻ.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201910/di-tim-ban-sac-do-thi-bien-hoa-2969634/