Đi tìm bí mật Khmer Silk

Tôi ngẩn người gần như bị ám ảnh trước tấm lụa mang vẻ đẹp thâm sâu, sự chuyển động kỳ diệu của màu sắc thể hiện tình cảm, sự tinh tế, sự khéo léo mà người bạn chỉ cho trong một hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ.

Người thợ không dùng thoi. Sợi ngang được cuốn vào một chiếc đũa tre, đặt vào một đoạn trúc cho dễ đưa ngang khổ vải. Ảnh: Hoài Thanh

Không quên được, đồng thời không lý giải được kỹ thuật dệt rõ ràng rất đơn giản mà tạo được tấm vải với những hoa văn đa dạng nhưng lại nhòe vào nhau như vẽ bằng màu nước trên giấy Dó hay Xuyến Chỉ, vậy là tôi tìm đến Văn Giáo, Tịnh Biên, An Giang nơi được một số ít người biết đến là làng Khmer Silk. Hỏi mãi mà không thể nghe được lời giải thích rõ ràng về quy trình tạo ra những họa tiết ma mị mà không phải chèn thêm sợi ngang nhưng hoa văn lại chuyển màu mượt mà, phong phú, tôi đành dành hai ngày để lang thang trong ngôi làng này.

Câu trả lời là một kỹ thuật nhuộm sợi định hình hoa văn trước khi dệt nhưng quan trọng hơn là trí tưởng tượng phong phú và thẩm mỹ tinh tế, bản năng làm ra sự cuốn hút kỳ lạ này. Thoạt nhìn, kỹ thuật dệt ở đây khá thô sơ như những kỹ thuật dệt cơ bản khác. Hiện tại, ở đây sử dụng ba kỹ thuật dệt truyền thống là dệt trơn, dệt đan và dệt thắt hoa.

Những tấm vải làm tôi kinh ngạc được làm bởi kỹ thuật thắt hoa. Sự khác biệt cơ bản là tạo hoa còn được gọi là bắt bông rất phức tạp. Khác với đa số các làng dệt khác ở Việt Nam mà tôi biết là phương pháp đan sợi màu ngang dọc còn ở đây là nhuộm sẵn hoa văn theo sợi ngang. Chỉ những nghệ nhân giỏi mới làm được công đoạn này. Với kỹ thuật nhuộm từ những vật liệu truyền thống thì phải nhuộm nhiều lớp mới tạo được mầu như dự kiến.

Những đoạn tiếp giáp giữa các nút buộc thuốc nhuộm lan nhẹ hòa vào nhau khiến cho màu chuyển mà không sơ đồ đan sợi màu nào làm được. Như vậy phải cả tháng mới nhuộm xong một bộ sợi ngang. Cho tới tận bây giờ tôi cũng không tin nổi là tại sao họ nhớ được những hoa văn như vậy trong đầu và phối hợp các mảng hoa một cách biến hóa như vậy.

Ngồi xem những phụ nữ dệt mà thật thán phục vô cùng về sự kiên trì, tĩnh tâm để điều khiển các con sợi vô cùng phức tạp. Sau mỗi lần luồn sợi ngang qua, người thợ dệt dùng tay kéo sợi chỉ cho khớp hình hoa văn, dùng tay kéo bàn dập để sợi chỉ ngang sát vào nhau. Người thợ dệt cần tập trung nhớ thứ tự của hàng chục đũa sợi theo thứ tự, phải nhớ và hình dung sẵn hoa văn, họa tiết cần tạo hình trên tấm dệt để những sợi tơ luồn đúng với nhau, phù hợp, sắc nét. Cặm cụi cả tháng thì mới xong được hai tấm xà rông mỗi tấm 3m.

Chỉ có vài nghệ nhân có đủ khả năng và kỹ thuật để nhuộm và dệt được những tấm khăn trải bàn hoặc các bức tranh phỏng tích truyện cổ có hình Đức Phật, voi, ngựa... Mỗi tấm vải loại này phải mất cả năm mới hoàn thành và rất hiếm cơ hội để được nhìn thấy chứ chưa nói là mua được một tấm.

Từ sự hòa trộn giữa nhóm dân tộc thuộc nhóm Môn-Khmer, văn hóa Phật giáo tiểu thừa, văn hóa Nam Đảo, Trung Đông, Ấn Độ tới vùng Nam Đông Dương, người Khmer được biết đến với nghệ thuật cầu kỳ, phức tạp nổi tiếng trải dài khắp vùng Campuchia kéo dài tới ven biển Tây Nam Bộ. Người Khmerr dồn hết tinh túy cho đền chùa và lễ phục. Với người phụ nữ Khmer, thổ cẩm dùng để may áo cưới, mặc đi chùa, trang trí nơi thờ tự và làm khăn đội đầu.

Khmer Silk được biết đến là kỹ thuật dệt Ikat dường như đã theo chân ai đó, có thể là các thương nhân, các đoàn tăng lữ từ Trung Đông truyền đến Đông Nam Á. Một số dân tộc ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á cũng sử dụng kỹ thuật nhuộm bao sợi này như ở Indonesia hay các dân tộc Tây Nguyên, Người Thái ở Tây Bắc... Khác với Ikat ở Trung Đông và các nơi khác dệt bằng sợi bông hoặc sợi cây nên sợi to và thô, Khmer Silk Văn Giáo dùng sợi tơ tằm nên độ mượt mà và hoa văn tinh xảo hơn.

Lần hồi sử dụng thứ ngôn ngữ nửa Kinh nửa ngôn ngữ cử chỉ tôi được biết: Người Văn Giáo vẫn thờ ông tổ nghề dệt có tên là Topica của người Khmerr. Trước chiến tranh biên giới Tây Nam (1978), Văn Giáo nổi tiếng về trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa, nhà nào cũng có xa quay và khung cửi chạy rầm rập. Trong thời gian chiến tranh họ sơ tán đến vùng Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu nên nghề này bị mai một.

Trở lại quê hương sau chiến tranh, mãi đến năm 1992 nghề này mới được phục hồi nhờ một số nghệ nhân. Họ không trồng dâu nuôi tằm nữa mà mua lụa từ Tân Châu. Ngạc nhiên lớn là thị trường đầu tiên của Khmer Silk lại chính ở cái nôi nghệ thuật, mỹ nghệ Campuchia. Người Campuchia mua sản phẩm này không phải để dùng mà để cúng dường vào các dịp lễ, tết. Hiện nay, thổ cẩm Văn Giáo đã theo chân các thương gia sang các nước: Mỹ, Úc, Pháp, Thái Lan, Campuchia... với thương hiệu Khmerr Silk.

Hiện tại, ở Văn Giáo có khoảng một trăm hộ làm nghề dệt thổ cẩm. Năng suất mỗi hộ chỉ đạt được khoảng 2 tấm xà rông một tháng. Vì vậy, tìm mua Khmer Silk là việc không đơn giản. Thương lái đặt tiền thu mua tất cả mọi sản phẩm làm ra trên những khung cửi thô sơ nơi đây.

Nếu bạn vào một cửa hàng ở TPHCM mà ưng mắt một tấm thổ cẩm Khmer Văn Giáo thì khả năng bạn phải rụt tay vì giá là rất cao. Còn ở nước ngoài thì bạn phải rất giàu mới dám rút thẻ. Vì vậy, nếu may mắn, bạn sẽ mua được 1 - 2 tấm xà rông với giá gốc khoảng 1 triệu, hoặc mấy chiếc khăn rằn 400 ngàn mỗi chiếc thì đừng đắn đo kẻo lần sau bạn không đủ tiền hoặc không tìm được tấm nào cả.

Một con sợi phải nhuộm, phơi ít nhất tới 3 lần. Nhiều màu phải nhuộm phối hai lần mới lên màu như ý muốn.

Công mỗi nghệ nhân cả tháng cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng.

Các hoa văn ở đây thường có các màu căn bản như vàng, đỏ, đen, nâu và hai màu phụ là xanh dương và xanh lá tạo nên một hòa sắc tương phản nhưng sâu nhờ sắc trầm của màu nhuộm qua nhiều lần.

Người thợ không dùng thoi. Sợi ngang được cuốn vào một chiếc đũa tre, đặt vào một đoạn trúc cho dễ đưa ngang khổ vải.

Người thợ dùng những sợi nylon buộc từng đoạn chừa lại một số đoạn theo ý tưởng rồi nhuộm.

Khung cửi ở đây cũng thô sơ như các dân tộc thiểu số khác. Điều khiển các lớp sợi chỉ bằng các thang tre ngang.

Luộc tơ bằng dấm và phơi.

Nam giới và phụ nữ có kiểu quấn xà rông khác nhau. Nếu ngày nào đó bạn mua được một tấm xà rông thế này giá 1 triệu thì đừng ngần ngại mở ví.

Phóng sự của Hoài Thanh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/di-tim-bi-mat-khmer-silk-610388.ldo