Đi tìm câu trả lời cho thời kỳ hoàng kim của những bộ phim hoạt hình động vật

2016 tiếp tục là một năm thắng lợi của các phim hoạt hình mà trong đó động vật được nhân hóa có những số phận và tính cách riêng.

Chưa bao giờ có một năm như 2016, mà các tác phẩm hoạt hình về động vật lại xuất hiện nhiều đến thế. Ngoài việc đánh dấu một giai đoạn cực thịnh của dòng phim này, thì các bom tấn như Zootopia, Finding Dory, Kung Fu Panda 3 hay The Secret Life of Pets… còn đạt được 2 yếu tố song song, bao gồm cả thành công thương mại và ý nghĩa truyền tải.

Do đó, trước khi những giải thưởng lớn trong năm lần lượt công bố cái tên xuất sắc nhất của hạng mục Hoạt hình, cũng như chứng kiến sự cạnh tranh, đối đầu gay gắt giữa các ứng cử viên quá mạnh, hãy cùng đi tìm lý do vì sao việc làm phim hoạt hình về động vật đã trở thành trào lưu trong năm 2016 và sẽ tiếp tục thành công nếu như được duy trì.

Các di sản được kế thừa

Tác phẩm duy nhất mà Pixar đem tới màn bạc năm 2016 là một bản sequel - không phải là điều thường xuyên thấy ở hãng phim này. Finding Dory chào đón sự quay trở lại của đạo diễn Andrew Stanton, đồng thời đánh dấu sự tái xuất của một trong những bộ phim được yêu mến nhất kể từ khi Finding Nemo thu về gần 1 tỉ đô doanh thu toàn cầu.

Và không phụ lòng chờ đợi của nhà sản xuất, kể từ khi phát hành vào tháng 6 năm 2016, Finding Dory đã đem về cho Pixar con số doanh thu ấn tượng 9 con số và trở thành một trong những bộ phim hoạt hình thành công nhất của năm. Lấy bối cảnh 6 tháng sau hành trình đi tìm Nemo, tác phẩm làm sống lại thế giới đại dương mang ý nghĩa ấm áp về sự đoàn tụ của cô cá Dory.

Tương tự như Finding Dory xoay quanh cuộc đoàn tụ gia đình, Kung Fu Panda 3 cũng là một sequel ấn tượng trong năm, khi tiếp nối thành công của hai phần phim trước thu về hơn 500 triệu đô la doanh thu phòng vé. Tác phẩm của đạo diễn Jennifer Yuh Nelson nhận được nhiều lời khen ngợi của giới phê bình khi khai thác những yếu tố mới mẻ và độc đáo từ hành trình trở thành bậc thầy Kung Fu của gấu Po.

Năm 2002 phần Ice Age đầu tiên đem về cho hãng 20th Century Fox 383 triệu đô, Ice Age: The Meltdown năm 2006 tốn hơn phần phim trước 20 triệu đô kinh phí làm phim, nhưng đem về doanh thu gần gấp đôi. Cho tới nay, Ice Age: Collision Course (2016) đã là đứa con thứ 5 trong loạt Kỷ Băng Hà nhưng vẫn cho thấy sức hấp dẫn của một thương hiệu điện ảnh khi thu về hơn 400 triệu đô la doanh thu.

Ý tưởng đơn giản và truyền thống “hái ra tiền”

Zootopia là một bất ngờ lớn.

Khởi nguồn từ ý niệm tồn tại từ lâu giữa nhân loại, rằng mọi loài động vật đều có thể nói năng và tư duy; các nhà làm phim hoạt hình coi đó là nền tảng để xây dựng nên những thế giới động vật đa dạng không kém gì xã hội loài người trên màn ảnh.

Zootopia là một hiện tượng của năm nay, khi câu chuyện về thành phố của động vật đã đè bẹp nhiều tác phẩm khác để leo lên vị trí quán quân doanh thu phòng vé trên nhiều quốc gia. Doanh thu khủng trên 1 tỉ đô la, cùng những đánh giá tích cực từ phía chuyên môn lẫn khán giả đại chúng với một kịch bản tinh tế, hòa hợp giữa vui vẻ và kịch tính, với đồ họa đẹp mắt khiến Zootopia trở thành một trong những ứng cử viên nặng kí nhất cho hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc cho giải Oscar sắp tới. Ý tưởng về một xã hội động vật được nhân hóa không phải là điều gì quá mới mẻ, nhưng chỉ với Zootopia của Disney điều đó mới được hiện thực một cách trọn vẹn và ý nghĩa trên màn ảnh rộng.

Không được xây dựng quá hiện đại như Zootopia, nhưng The Secret Life of Pets lại là một mảng màu độc đáo trong bức tranh hoạt hình về thế giới động vật. Bộ phim khai thác cuộc sống của lũ thú cưng khi loài người vắng mặt, một thế giới vui vẻ và hỗn loạn mà chỉ có những nhà làm phim của Illumination mới có thể tưởng tượng ra. Hay mới đây, Sing còn là bộ phim thứ 2 trong năm của hãng, đã trở thành một bất ngờ lớn với nội dung vượt trội và thậm chí còn được đánh giá cao hơn đàn anh The Secret Life of Pets.

Illumination có lẽ đang tận hưởng những ngày nghỉ ngơi tuyệt vời và nhàn hạ sau một năm làm việc cật lực đã mang đến cho khán giả những con thú quá dễ thương được thực hiện thông qua kỹ thuật 3D hiện đại nhất. Xem ra, Disney đã có đối thủ cạnh tranh tại giải Oscar sắp tới rồi đây!

Bài học cuộc sống đến từ các loài vật

Bộ phim Storks.

Nếu Zootopia đem đến bài học từ sự định kiến và khuôn mẫu để dẫn dắt đến thế giới con người, thì Storks là câu chuyện về tình thương gia đình cũng như hành trình tìm đến ý nghĩa cuộc sống của những cá nhân tưởng chừng như vô dụng, lạc loài. Trong khi đó, Sing là bộ phim hoạt hình - ca nhạc gợi nhớ về một Hollywood hào hoa khiến người xem mê đắm trong những giai điệu từ kinh điển tới hiện đại.

Phim hoạt hình nhân hóa về động vật cũng là đối tượng để các nhà làm phim dễ truyền tải những bài học về tình bạn giữa con người và động vật, về sự bình đẳng cần có trong thế giới và sự cần thiết bảo vệ kẻ yếu. Thành công của các tác phẩm hoạt hình về thế giới động vật được nhân hóa cho thấy nếu biết cách khai thác các góc cạnh mới mẻ đi kèm với bài học cuộc sống đơn giản nhưng ý nghĩa, không chỉ trẻ em, mà những khán giả người lớn cũng sẵn sàng đón nhận và rung động nhiều hơn.

Ngọc King

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/di-tim-cau-tra-loi-cho-thoi-ky-hoang-kim-cua-nhung-bo-phim-hoat-hinh-dong-vat-1018451.html