Đi tìm dấu tích xưa Thiên hạ đệ nhất hùng quan

Sau gần 1 năm cái 'bắt tay lịch sử' của Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng, địa danh Hải Vân Quan đã được khảo cổ, khai quật để tìm lại những dấu tích xưa cũ.

Di tích trên đỉnh Hải Vân. Ảnh: NĐT

Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế là đơn vị mà Bộ VHTTDL giao phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật khảo cổ di tích này.

Khảo cổ trên diện tích 600m2

Hải Vân Quan tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng. Đây là hệ thống phòng thủ quân sự của triều Nguyễn được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng vào năm 1826 và cũng là một danh thắng rất nổi tiếng. Công trình nằm ở độ cao 490m so với mặt nước biển là cửa ải phía nam của kinh đô nên được triều Nguyễn bố trí nhiều hạng mục công trình phòng thủ quân sự như hệ thống thành lũy, nhà kho, pháo đài thần công…

Sau khi xây dựng, vua Minh Mạng đã cho khắc 3 chữ “Hải Vân Quan” lên cổng hướng về phía tỉnh Thừa Thiên-Huế và 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” lên cổng hướng về phía Đà Nẵng. Trong một thời gian dài, do không rõ ràng trong việc phân cấp quản lý nên di tích này bị bỏ hoang phế, xuống cấp rất nghiêm trọng. Tháng 5.2017 là thời điểm đánh dấu bước ngoặc lớn khi 2 địa phương bắt tay nhau để cùng gìn giữ Hải Vân Quan nhằm khai thác du lịch. Sau đó, Hải Vân Quan cũng đã được Bộ VHTTDL công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Bộ VHTTDL đã quyết định việc khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan kéo dài đến 3.9, trên diện tích 600m2, do ông Nguyễn Ngọc Chất - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử QG chủ trì. Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa. Những hiện vật thu giữ trong quá trình khai quật tạm lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế để bảo quản, tránh hư hỏng, thất lạc.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết việc khai quật chính thức được tiến hành vào ngày 5.5, sau khi rà phá bom mìn và đã phát lộ các bậc cấp bằng đá, móng cổng và lối đi lên di tích Hải Vân Quan.

Cần sớm có phương án trùng tu tổng thể di tích

Do nhiều yếu tố mà trong đó phải kể đến là sự tranh chấp giữa hai địa phương nên Hải Vân Quan bị xuống cấp nghiêm trọng, một số hạng mục bị sạt lở, sụp lún và tình trạng rác bủa vây. Khi Hải Vân Quan được xếp hạng di tích năm 2017, ông Hải cho biết, di tích từng được làm hồ sơ từ năm 1997 nhưng do tranh chấp nên cuối cùng không làm được. Thế nên khi đã có cơ sở pháp lý để trùng tu bảo tồn, không thể để một di tích quý giá như thế bị bỏ hoang.

“Cuối cùng, Sở Văn hóa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã ngồi lại với nhau để cùng đi đến việc cứu lấy Hải Vân Quan, từ việc cùng nhau xây dựng hồ sơ, tờ trình để Bộ VHTTDL công nhận Di tích Quốc gia. Đây cũng là một tiền lệ rất hay để sau này các địa phương có cùng chung di tích có thể phối hợp với nhau để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” - ông Hải chia sẻ.

Lãnh đạo Trung tâm BTDT cố đô Huế cho biết, việc khai quật lần này được thực hiện nhằm làm phát lộ các dấu vết của tường thành, bậc cấp, đồn phòng thủ của Hải Vân Quan, phục vụ cho việc nghiên cứu và xây dựng dự án quy hoạch trùng tu tổng thể công trình. Theo yêu cầu của bộ, “sau kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 3 tháng, Trung tâm BTDT Cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và sau 1 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa...”.

NGUYỄN ĐẮC THÀNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/di-tim-dau-tich-xua-thien-ha-de-nhat-hung-quan-607363.ldo