Đi tìm di sản báo chí Nam Sông Hậu

Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong cuộc hành trình tìm kiếm hiện vật báo chí, đã có không ít những chuyến đi ý nghĩa 'thắm tình đồng nghiệp'. 'Hành trình trên đất phù sa' về miền Tây sông nước và tìm về di sản báo chí Nam sông Hậu trong những chặng đường đầu tiên ra đời báo chí quốc ngữ ở nước ta là một trong những cuộc hành trình như vậy.

Chắc rằng ai cũng biết đến miền Tây là xứ của vùng sông nước mênh mông. Bao quanh là sông nước, rạch, ao, hồ... lắm tôm nhiều cá, cây trái bốn mùa xanh tốt. Nhưng không chỉ có vậy, miền Tây còn chứa đựng trong mình bề dày lịch sử, văn hóa và các di sản báo chí quý giá. Ở đó là rất nhiều câu chuyện được kể bằng hiện vật mà chúng tôi may mắn được tiếp cận.

Trong các giai đoạn lịch sử, đời sống báo chí trong cả nước, ở Nam bộ sôi động bao nhiêu, thì báo chí vùng các tỉnh, thành phố Nam sông Hậu cũng sôi động bấy nhiêu. Rất nhiều những tờ báo, rất nhiều các nhà báo sống, làm báo, gây dựng sự nghiệp báo chí ngay trên vùng đất này. Nhiều người đã ngã xuống, máu xương hòa vào đất đai Tổ quốc, quê hương; song tài năng, nhân cách và tác phẩm của họ vẫn là niềm tự hào của các thế hệ nhà báo hôm nay.

Những tấm gương sáng ngời của báo chí cách mạng như nhà báo Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Mai, Trần Bỉnh Khuôl… vẫn từng ngày nhắc nhở người làm báo Nam Sông Hậu nói riêng và người làm báo cả nước nói chung về lý tưởng, đạo đức nghề báo, sự cống hiến và hy sinh. Mảnh đất này còn là dấu ấn về tờ báo địa phương đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1917, mang tên An Hà báo do nhà báo Võ Văn Thơm, một người con ưu tú của vùng đất Cần Thơ làm chủ nhiệm.

Nhà báo Lê Vũ Phước - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ trao máy quay Ball Howell tiếp quản của chế độ cũ cho nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng BCVN.

Trên những con đường chúng tôi đi qua từ Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đến Cần Thơ, các thế hệ làm báo ở đây đều tìm mọi cách giúp đỡ để chúng tôi có thêm những tư liệu quý đóng góp vào di sản báo chí quốc gia. Vẫn nhớ, nữ nhà báo Nguyễn Thu Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Kiên Giang – người đã không quản ngại vất vả giúp đỡ đoàn công tác của Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Chị không chỉ hiến tặng hiện vật gồm loa, radio và đầu đĩa mà còn tích cực vận động, khai thác thêm nhiều hiện vật quý cho Bảo tàng. “Chị đã liên hệ với rất nhiều bác và đã có hiện vật. Các em mau về với vùng đất “Kiên Giang mình đẹp lắm” đi nhé”, chị Oanh hồ hởi nói qua điện thoại với cán bộ Bảo tàng.

Tại Cà Mau, Bạc Liêu, chúng tôi không chỉ nhận được sự giúp đỡ nồng nhiệt của Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí ở đây mà các đơn vị liên quan như Thư viện tỉnh cũng đã hiến tặng nhiều hiện vật quý xuất bản trước và sau năm 1975 như: báo Lúa Vàng, Văn nghệ Minh Hải, báo ảnh Đất Mũi…

Đi đến tận cùng mảnh đất hình chữ “S” thân thương, chúng tôi càng cảm nhận những tình cảm mến khách của con người nơi đây như lời bài hát “Áo mới Cà Mau” mà các cán bộ nơi đây hát tặng:“Em đứng mình ên một hướng, duyên dáng mời khách lạ ngàn phương/Cà Mau mặc thêm áo mới, về Cà Mau là thấy thương em rồi.”

Khi đoàn qua đến Sóc Trăng, nhà báo Nguyễn Thành Nam, Phó Tổng Biên tập báo Sóc Trăng đại diện cho báo hiến tặng Bảo tàng 25 tập lưu báo Hậu Giang và Sóc Trăng, bao gồm cả ấn bản tiếng Khơ Me và một số thiết bị nghề báo. Không chỉ vậy, chúng tôi rất cảm động khi nhà báo Thành Nam còn đưa chúng tôi về tận quê ông ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long để hiến tặng thêm 2 máy thu hình đen trắng và đèn dầu gắn liền với những thời kỳ đầu của báo chí nước nhà. Nhà báo Nam còn có tủ sách ở quê dành cho các em ở vùng nông thôn.

“Em nhỏ nào đến với tủ sách và cầm sách về đọc là tui vui lắm, tui tặng luôn, tui muốn khuyến khích các em đọc thật nhiều sách, báo”, ông cười lớn, nụ cười đôn hậu.

Nhà báo Tạ Đình Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Sóc Trăng cũng tin cậy giao cho Bảo tàng Báo chí quản lý chiếc máy ảnh Yashica – một kỷ vật đã gắn bó với ông suốt những năm làm báo mà ông tâm sự là “những năm tháng tươi đẹp, nhiều kỷ niệm”.

Đoàn công tác của BTBCVN làm việc với HNB Bạc Liêu

Trong chuyến hành trình này, đoàn công tác của Bảo tàng Báo chí đã rất xúc động khi tiếp nhận được nhiều hiện vật quý của các nhà báo liệt sỹ như hai bút tích viết tay của nhà báo Trần Thanh Tùng, trong đó có bức thư viết năm 1970 gửi gia đình một đồng đội đã hy sinh. Ông nguyên là Trưởng Tiểu ban thông tấn báo chí tỉnh Cà Mau, hy sinh năm 1971. Và hai kỷ vật khác là cuốn sổ tay và tấm ảnh chân dung của nhà báo liệt sỹ Nguyễn Văn Điền (bút danh Vũ Phong) trong thời gian làm phóng viên báo Kèn Giải Phóng, tỉnh Vĩnh Long.

Cuối hành trình, một lễ tiếp nhận hiện vật hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được tổ chức trang trọng tại thành phố Cần Thơ vào sáng 16/11. Tại buổi lễ, đại diện các báo Cà Mau, Đất Mũi, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Cần Thơ trao tặng những tư liệu báo chí quý, tư liệu về các nhà báo liệt sỹ… Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng đón nhận tư liệu quý của các cá nhân, trong đó có gia đình nhà báo Võ Văn Thơm, người đã sáng lập tờ An Hà báo năm 1917, tờ báo địa phương đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam; nhà báo Trần Quang Mẫn, nguyên Phó Giám đốc Đài Cần Thơ; nhà báo Sơn Hòa, nguyên Trưởng Tiểu ban Thông tấn báo chí, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Cần Thơ…

Tại buổi lễ hiến tặng, nhà báo Huỳnh Quốc Hoàng, đại diện lãnh đạo Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố Nam Sông Hậu cho rằng Bảo tàng Báo chí Việt Nam được thành lập, chính là để lưu giữ những tấm gương, những câu chuyện nghề nghiệp, những di sản báo chí quý giá mà cha anh chúng ta để lại.

“Sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình của các nhà báo, các đồng nghiệp làm báo, các cấp hội nhà báo trên địa bàn một lần nữa khiến chúng ta vững vàng một niềm tin, một tâm huyết, một trách nhiệm: Phải không ngừng gìn giữ, phát huy những giá trị tinh thần vô giá mà các nhà báo đi trước để lại”, ông nhấn mạnh.

Chia tay đoàn công tác của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Tổng Biên tập báo Cần Thơ, Trương Văn Chuyển siết chặt cánh tay với các cán bộ trong đoàn và chia sẻ: “Bảo tàng Báo chí Việt Nam là ngôi nhà chung của người làm báo và chúng tôi sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho ngôi nhà chung đó”.

Chúng tôi chia tay trong bùi ngùi, xúc động, trong đầu ngân nga những giai điệu ngọt ngào của bài hát “Hành trình trên đất phù sa” của nhạc sĩ Thanh Sơn: “Phù sa ơi, ngây ngất bước chân, tôi về không nỡ/ Ở cũng chẳng đành, quê miền đất ngọt an lành…”

Quang Minh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/cong-tac-hoi/di-tim-di-san-bao-chi-nam-song-hau-49354