Đi tìm 'Giải pháp xanh cho nguồn nước'

Sáng nay (ngày 16/3), tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề 'Giải pháp xanh cho nguồn nước'. Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên. Đặc biệt, tham dự Hội thảo có các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia trong nước và quốc tế ở nhiều lĩnh vực liên quan đến tài nguyên nước.

Video Clip Hội thảo khoa học: “Giải pháp xanh cho nguồn nước”

Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp Xanh cho nguồn nước” là sự kiện nhằm hưởng ứng ngày Nước thế giới 22/3. Hội thảo với chủ đề “Giải pháp xanh cho nguồn nước” nhằm tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học chia sẻ các kiến thức, sự hiểu biết liên quan đến các chính sách quản lý tài nguyên nước; quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và đặc biệt là các giải pháp quản lý và bảo vệ nguồn nước dựa vào thiên nhiên.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết: Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều loại hình thiên tai khác nhau liên quan đến nước xảy ra trên mọi miền của đất nước, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Điều đáng lưu ý là các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng xảy ra thường xuyên và ngày càng khắc nghiệt hơn, với cường độ lớn hơn.

Năm 2015 và 2016 vừa qua, người dân khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đã phải hứng chịu đợt hạn hán lịch sử, vô cùng khắc nghiệt và kéo dài, gây ảnh hoạt nghiêm trọng tới các hoạt động sản xuất kinh tế và đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng.

Trong khi đó, ở miền Bắc và khu vực Bắc Trung bộ lại hứng chịu những trận lũ lụt khốc liệt gây thiệt hại nặng nề như lũ quét ở Mù Cang Chải hồi tháng 8/2017. Đợt mưa lớn trái mùa giữa tháng 10/2017 khiến lưu lượng nước đổ về các hồ tăng cao đột ngột trong khi các hồ chứa đã tích đầy nước theo quy trình. Lần đầu tiên kể từ khi đưa vào vận hành, hồ Hòa Bình đã phải xả cấp tập 08 cửa đáy với lưu lượng xả lớn nhất là 16.520m3/s. Mưa lớn cũng gây ra những đợt lũ lịch sử, gây ngập lụt trên diện rộng ở các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung bộ.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận tình trạng sạt lở bờ sông nhiều hơn và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng đang là vấn đề nóng ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ quan truyền thông và người dân. Ô nhiễm do nước thải đang là vấn đề thách thức lớn ở nước ta hiện nay. Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn vào nguồn nước vẫn xảy ra thường xuyên và trên diện rộng. Hậu quả là một số con sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng và chất lượng nước của nhiều dòng sông không đáp ứng yêu cầu của các mục đích sử dụng. Nguyên nhân trực tiếp và sâu xa của các vấn đề trên bước đầu được xác định là do việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa bền vững ở cả các quốc gia thượng nguồn cũng như trong nội tại đất nước ta nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Thêm vào nữa nước ta lại phải hứng chịu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến cho tình hình trở nên trầm trọng hơn. Quản lý tài nguyên nước bền vững là vấn đề cấp bách hiện tại để bảo vệ nguồn tài nguyên không thể thiếu được trong quá trình duy trì và phát triển của mỗi quốc gia”.

Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn: “Hội thảo sẽ là một diễn đàn để trao đổi, chia sẻ các kiến thức, sự hiểu biết liên quan đến các chính sách quản lý tài nguyên nước (như quy hoạch, điều tra tài nguyên nước, khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, quản lý nguồn nước xuyên biên giới), quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước và đặc biệt là các giải pháp quản lý và bảo vệ nguồn nước dựa vào thiên nhiên theo tinh thần của chủ đề Ngày nước thế giới năm nay. Tại Hội thảo, tôi đề nghị chúng ta sẽ tập trung thảo luận về các cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là các “giải pháp xanh” trong bối cảnh nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước gia tăng trong khi động của biến đổi khí hậu có xu hướng diễn biến ngày càng tiêu cực và khó lường.”

Trong khuôn khổ diễn ra Hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia, các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học đã cùng chia sẻ kiến thức, sự hiểu biết liên quan đến các chính sách quản lý tài nguyên nước; quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và đặc biệt là các giải pháp quản lý và bảo vệ nguồn nước dựa vào thiên nhiên.

Ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia trình bày tham luận tại Hội thảo

Mở đầu cho phần trình bày tham luận, ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã trình bày nội dung “Nước dưới đất và một số vấn đề về quản lý, bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước”. Ông Huy cho biết: Hiện nay, tài nguyên nước dưới đất tại Việt Nam có tổng trữ lượng tiềm năng toàn quốc: 181,23 triệu m3/ngày (66,24 tỷ m3/năm); Tổng trữ lượng có thể khai thác toàn quốc: 45,59 triệu m3/ngày (16,66 tỷ m3/năm); Hiện trạng khai thác nước dưới đất toàn quốc: 10,39 triệu m3/ngày (3,8 tỷ m3/năm).

Với hiện trạng sử dụng nước dưới đất hiện nay, vấn đề khai thác và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất đang gặp một số những thách thức: Khai thác vượt quá trữ lượng có thể khai thác của tầng chứa nước; Mật độ giếng khoan khai thác bố trí không hợp lý; Chế độ khai thác chưa hợp lý, khai thác tập trung vào mùa khô hạn; Sử dụng tài nguyên nước dưới đất chưa hiệu quả.

“Trong thời gian tới, để khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất bền vững cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Hoàn thành chính sách pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước; Chủ động thích ứng với diễn biến thời tiết cực đoan và việc phụ thuộc vào các quốc gia sử dụng nước ở thượng nguồn; Đẩy mạnh công tác quan trắc , giám sát và bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước liên quốc gia; Ứng dụng khoa học – công nghệ và các nguồn lực hợp tác quốc tế trong công điều tra, đánh giá và quản lý tài nguyên nước; Nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Đồng thời, thực hiện các giải pháp kỹ thuật” – ông Huy nhấn mạnh.

Ông Abedalrazq – Chuyên gia cao cấp về quản lý tài nguyên nước, Ngân hàng Thế giới trình bày tham luận

Cũng tại Hội thảo, ông Abedalrazq – Chuyên gia cao cấp về quản lý tài nguyên nước, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra những chuẩn đoán cũng như phương án hoạt động quản trị tài nguyên nước tại Việt Nam. Đại diện của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra những khuyến nghị hành động chính sách, cụ thể như: Tăng cường quản lý tài nguyên nước để ứng phó với tình trạng căng thẳng và rủi ro; Tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên nước trong nông nghiệp có tưới; Lồng ghép rủi ro về nước và cung cấp dịch vụ nước về vệ sinh vào quy hoạch đô thị; Kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường tốt hơn; Cải thiện quản lý rủi ro đang ngày càng căng thẳng…

Đặc biệt, vấn đề đổi mới cơ chế, chính sách nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ bền vững tài nguyên nước cũng là một trong những nội dung được bàn luận sôi nổi tại Hội thảo. Theo đại diện của Phòng Chính sách và Pháp chế, Cục Tài nguyên nước, trong năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 14 văn bản pháp luật để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật TNN số 17/2012/QH13, đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước đang có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt do tác động của biến đổi khí hậu và gia tăng khai thác, sử dụng nước, xả nước thải trong hoạt động phát triển kinh tế – xã hội ở cả trong nước và các quốc gia ở thượng nguồn các sông suối xuyên biên giới với nước ta. Với việc ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là một trong những bước tiến vượt bậc trong quản lý Tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, Hội thảo đã lắng nghe ông Nguyễn Mạnh Tùng – Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, Tập đoàn điện lực Việt Nam trình bày về vấn đề “Điều tiết hồ chứa và sử dụng nước hiệu quả”. Ông Nguyễn Mạnh Tùng đã đưa ra những thuận lợi trong việc điều tiết hồ chứa để sử dụng nước hiệu quả như: Hệ thống các quy trình, quy định về vận hành và khai thác các hồ chứa rõ ràng, minh bạch; Sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời của cấp có thẩm quyền; Được sự đồng thuận và ủng hộ của chính quyền và nhân dân các địa phương có liên quan đến thủy điện. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn tồn tại những khó khăn cơ bản như: Việc luôn duy trì mức nước hồ thấp (mức nước trước lũ) làm suy giảm công suất vận hành của nhà máy cũng như HTĐ, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện; Việc phải huy động tối đa tất cả các nhà máy có hồ chứa đang làm nhiệm vụ giảm lũ có thể không thực hiện được do tỉ lệ thủy điện trên hệ thống tương đối cao; Quy định về khoảng thời gian được phép tích nước chỉ 1 tháng là quá ngắn, và sẽ rất rủi ro trong những năm diễn biến thủy văn bất thường.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học chủ đề “Giải pháp xanh cho nguồn nước”

Tại Hội thảo các đại biểu, các chuyên gia, các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học đã cùng thảo luận, bàn luận về phương pháp khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững tài nguyên nước đặc biệt là những giải pháp xanh.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học cùng chung tay xây dựng phương pháp quản lý tài nguyên nước.

“Tôi đánh giá cao kết quả của Hội thảo của chúng ta hôm nay. Các ý kiến từ hội thảo đã phần nào chỉ ra tổng quan về công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam, những thách thức và tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên nước. Các ý tưởng, biện pháp, các giải pháp đã được đề xuất, kiến nghị góp phần nâng cao công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước.” – Thứ trưởng Trần Quý Kiên nói.

Theo thông lệ, hằng năm, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đều tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Nước thế giới để thu hút sự quan tâm của cộng đồng về công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước – nguồn tài nguyên quý giá đối với sự sống và phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Năm 2018, Liên Hợp Quốc chọn chủ đề ‟Nước với Thiên nhiên” cho Ngày Nước Thế giới nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của thiên nhiên trong việc bảo vệ tài nguyên nước. Chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2018 hướng tới kêu gọi ứng dụng các giải pháp sẵn có trong tự nhiên để giải quyết các vấn đề thách thức về tài nguyên nước trong thế kỷ 21 trên toàn cầu. Lũ lụt, hạn hán và ô nhiễm tài nguyên nước đang ngày càng diễn biến nghiêm trọng do các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước chưa bền vững cũng như các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Khai thác tiềm năng của tự nhiên để quản lý và bảo vệ tài nguyên nước là một giải pháp hữu hiệu giúp giải quyết, ứng phó với các thách thức này đồng thời giúp đạt được mục tiêu phát triển bền vững 6 “Đảm bảo nguồn cung cấp và quản lý bền vững tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người”.

Hồng Hạnh

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/di-tim-giai-phap-xanh-cho-nguon-nuoc/