'Đi tìm Kafka' - con người không còn là những bình rỗng

Những bộ phim trong Kafka Week là cơ hội để nhiều người có thể tìm hiểu thêm về di sản của Franz Kafka - một hiện tượng văn chương toàn cầu 'vô tiền khoáng hậu'.

Tiếp nối thành công của chuỗi sự kiện năm 2018, Đại sứ quán Cộng hòa Czech, Đại sứ quán Israel, Văn phòng kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tiếp tục giới thiệu di sản và ảnh hưởng của Kafka trong Kafka Week 2019.

TS Trần Ngọc Hiếu (trái) trong chương trình về Franz Kafka

TS Trần Ngọc Hiếu (trái) trong chương trình về Franz Kafka

Nhà văn người Czech - Franz Kafka ngày nay trở thành một phần ý nghĩa trong đời sống văn hóa của nhân loại. Trên khắp thế giới, người yêu văn chương nói riêng và độc giả nói chung đều biết ít nhiều về ông. Sức lan tỏa của Kafka thật phi thường, bởi trên hết, đó là thứ văn chương triết học khiến độc giả dù ở bất cứ nền tảng nào có thể chìm vào nỗi ám ảnh. Ngay đến thế kỉ 21, nhiều người không thể thoát khỏi cái bóng của người hùng văn chương này.

Trong lễ khai mạc chuỗi sự kiện Kafka Week 2019, Đại sứ Czech đã bày tỏ rằng ông tổ chức chuỗi sự kiện không chỉ dành cho những độc giả Việt Nam say mê Kafka mà còn cho chính bản thân mình, dù đọc Kafka bao nhiêu chúng ta vẫn không thể nắm bắt được hết những khía cạnh của nhà văn hiện sinh chủ nghĩa này.

Sau lễ khai mạc, bộ phim Đi tìm Kafka (Looking for Kafka) của đạo diễn Jade Y Chen đến từ Đài Loan được trình chiếu. Trong phần thảo luận sau khi chiếu phim, Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu có phần trao đổi với các độc giả, chủ yếu xoay quanh “dấu vết” của Franz Kafka trong tác phẩm điện ảnh này.

TS Hiếu nói: “Kafka trong bộ phim chỉ là một biệt danh của nhân vật chính hơn là một ẩn dụ về căn tính, ngụ ngôn về chính trị, một biểu tượng nhiều lớp lang nghĩa. Tuy nhiên, trong bộ phim xuất hiện nhiều mô-típ của Kafka như mô-típ lạc vào trong bầu không khí văn hóa xa lạ, bi kịch mất kết nối với gia đình, xã hội”.

Xem bộ phim, độc giả yêu Kafka có thể biết về một cách đọc khác của đạo diễn, tuy không có đậm đặc cảm thức Kafkaesque - tâm thế lo âu, bồn chồn, bất an từ sâu trong bản thể, những yếu tố hài hước đen - nhưng lại thể hiện một nhãn quan nữ tính, Á Đông rất riêng.

Nhà văn Kafka.

Đi tìm Kafka không hấp thu Kafka trong thế giới quan, không động chạm đến bi kịch của sự không hòa giải mà hướng máy quay đến vẻ đẹp nhân tính, khả năng kết nối và tình yêu giữa con người. Trong khi những trang viết Kafka thấm đẫm trong nỗi bất an bản thể, đạo diễn đề xuất một sự phục sinh, một khả năng sống khả dĩ. Trong khi các nhân vật của Kafka luôn phải tiếp kiến thần chết khi tác phẩm khép lại thì bộ phim lại có một “happy ending”, một cách hữu lý. Con người không còn là những bình rỗng (chữ dùng của Kafka) giữa cạm bẫy nhân sinh sẵn sàng đẩy họ lún sâu vào tàn hoại, nhân vật trong bộ phim liên tục đối mặt với những thách thức khiến họ trưởng thành hơn, tránh khỏi vòng lặp tha hóa và mất kết nối mà tìm về với tình yêu.

Trong bộ phim Đi tìm Kafka, điểm cộng lớn nhất có lẽ là phần âm nhạc được lựa tuyển rất kỹ, góp phần tạo ra tạo âm hưởng “Kafka”. Có thể nhận thấy tên tuổi của Kafka không chỉ bó gọn trong giới hàn lâm mà thực sự lan tỏa khắp cộng đồng.

Nancy Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/di-tim-kafka-con-nguoi-khong-con-la-nhung-binh-rong-post955189.html