Đi tìm những đồng đội đã hy sinh

Ban Liên lạc cán bộ Ngân hàng B68 đã tổ chức 15 đợt đi tìm hài cốt, tổng cộng là 254 ngày, đợt đi ít từ 3 đến 5 ngày, đợt đi dài nhất từ 23 đến 25 ngày...

Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III ban hành đầu năm 1959 đã xác định chuyển hướng chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam từ đấu tranh chính trị sang kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, có sự chi viện của miền Bắc, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nghĩa trang Liệt sĩ QK9 tại dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Liên tục trong 10 năm từ tháng 3/1959 đến tháng 5/1968, ngành Ngân hàng đã cử 9 đoàn cán bộ cốt cán chi viện cho chiến trường miền Nam bao gồm 452 người (cán bộ B68). Sau nhiều tháng vượt Trường Sơn, số cán bộ trên đã được phân công đi khắp các chiến trường, suốt từ Nam vĩ tuyến 17 đến tận đất mũi Cà Mau và hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong chiến tranh, 81 cán bộ B68 đã hy sinh. Khi hòa bình lập lại, 23 liệt sĩ đã được các đơn vị trong Ngành kết hợp với gia đình tìm được hài cốt.

Nhằm góp phần cùng Ngành hỗ trợ giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về chế độ, chính sách đối với Đoàn cán bộ Ngân hàng B68, trong đó có việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ B68, năm 2003, Ngành đã cho thành lập Ban Liên lạc Đoàn cán bộ Ngân hàng B68.

Từ đó đến nay, qua 15 năm hoạt động (2003-2018), được sự quan tâm của lãnh đạo Ngành, sự giúp đỡ nhiệt tình của các đơn vị trong Ngành, sự cộng tác chặt chẽ của các gia đình liệt sĩ B68, sự hỗ trợ tích cực của ngành LĐ-TB&XH, của cấp ủy và chính quyền địa phương, Ban Liên lạc cán bộ Ngân hàng B68 đã tổ chức 15 đợt đi tìm hài cốt, tổng cộng là 254 ngày, đợt đi ít từ 3 đến 5 ngày, đợt đi dài nhất từ 23 đến 25 ngày. Tổng số người tham gia 15 đợt là 95 người, đợt đi đông nhất là 25 người, đợt đi ít nhất là 3 đến 5 người.

Trong quá trình đó, những câu chuyện cảm động về các liệt sĩ đã được ghi lại. Có trường hợp hy sinh ngay trên tuyến lửa Khu 4 cũ - khi Đoàn cán bộ Ngân hàng đi B vừa khởi hành lên đường được 2 ngày, đoàn xe của Đoàn đã bị trúng bom tọa độ do máy bay địch oanh tạc tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đêm ngày 20/5/1968. Đồng chí Trương Công Long đã hy sinh trong đêm đó và là liệt sĩ đầu tiên của Đoàn. Hài cốt của anh đã được Ban Liên lạc B68 tìm được và đưa về an táng tại quê hương của liệt sĩ tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa tháng 12/2006.

Cùng với đó, có 12 trường hợp hy sinh tại Campuchia ở nhiều địa phương khác nhau, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, hiện còn 5 trường hợp chưa tìm được hài cốt. Đau xót nhất là 7 cán bộ Ngân hàng B68, vừa vào tới chiến trường Nam bộ, đang trên đường xuống miền Tây công tác (Khu 9 cũ), thì đêm ngày 20/1/1969 bị tập kích bất ngờ vào trạm giao liên T201 tại tỉnh Tà-Keo (Campuchia), giáp Khu 7 núi của tỉnh An Giang bắn chết. Hài cốt của 7 liệt sĩ này đã được đội quy tập hài cốt K93 của Quân khu 9 đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ QK9 tại dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang năm 1985.

Có 2 nữ liệt sĩ của đoàn hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Đó là chị Nguyễn Thị Hồng Thanh 24 tuổi, hy sinh tại Bình Định; chị Nguyễn Thị Minh Sự - 26 tuổi, hy sinh tại Quảng Ngãi. Hài cốt 2 liệt sĩ này đã được đưa về quê an táng tại nghĩa trang quê nhà tháng 2/2009.

Và thật xót xa khi những liệt sĩ hy sinh mà không còn thi thể và hiện không tìm được hài cốt vì bị bom B52: Liệt sĩ Nguyễn Anh Vũ hy sinh tại Campuchia; liệt sĩ Đặng Đình Hoành hy sinh trên đường hành quân vào chiến trường Trị - Thiên - Huế.

Có 3 liệt sĩ hy sinh vì sốt rét ác tính trên đường Trường Sơn. Trong đó, đã tìm được hài cốt là liệt sĩ Huỳnh Ngộ, 2 liệt sĩ Huỳnh Nghị và Hồ Thúc Trình chưa tìm được hài cốt.

Lại có trường hợp thám báo, biệt kích địch đột nhập vào hậu cứ của ta, đánh thuốc độc vào kho lương thực, thực phẩm tại Bầu Hàm, tỉnh Đồng Nai, 1 cán bộ Ngân hàng B68 đã hy sinh đó là liệt sĩ Trần Nhật Thăng. Ban Liên lạc B68 đã xác minh và tìm được hài cốt liệt sĩ Thăng vào tháng 12/2009.

Cũng có lúc rủi ro do 2 đội công tác khác nhau của ta, ban đêm vào hoạt động trong vùng địch tạm chiếm, bất ngờ đụng nhau, do không biết trước, đã nổ súng, 1 cán bộ Ngân hàng B68 đã hy sinh tại ven đô Sài Gòn - Gia Định ngày 10/12/1971 là liệt sĩ Lê Anh Tuấn, hiện chưa tìm được hài cốt.

Và không ai có thể quên những cán bộ Ngân hàng B68, ban đêm, khi đang trên đường vận động nhân dân vùng tạm chiếm đóng góp tài chính cho cách mạng, bị địch phục kích bắt sống, tra tấn rất dã man, lần lượt móc 2 mắt (liệt sĩ Phạm Cho, quê Bình Định, hy sinh tháng 10/1963); hoặc đánh gẫy 2 chân (liệt sĩ Lê Văn Cẩn, quê Bình Định, hy sinh ngày 13/7/1966). Tất cả họ vẫn giữ vững khí tiết hiên ngang trước kẻ thù, thà chết chứ không đầu hàng địch. Địch đã bắn chết và mang xác các anh đi thủ tiêu.

Trong quá trình đi tìm hài cốt liệt sĩ Ngân hàng B68, không ít trường hợp phải tìm đi, tìm lại nhiều lần như liệt sĩ Lê Thanh Tùng ở Trà Vinh, liệt sĩ Đinh Ngọc Lan ở Đà Nẵng.

Cùng với đó, có 2 trường hợp Ban Liên lạc B68 tìm được mộ, song chỉ là "mộ gió" tượng trưng, chỉ có một ít tóc, không có hài cốt, vì bị trúng mìn của địch. Đó là mộ gió của liệt sĩ Vũ Văn Phát tức Võ Văn Phát ở Cần Thơ (xác minh tháng 12/2009); và liệt sĩ Lê Can ở Bình Định (xác minh tháng 11/2011).

Lại có khi tên bia là liệt sĩ Quân đội, song bên trong lại là hài cốt liệt sĩ Ngân hàng B68, đó là liệt sĩ Châu Văn Tam ở Quảng Nam (xác minh tháng 7/2005).

Đặc biệt, quá trình đi tìm mộ đã có sự giúp đỡ thành công của các nhà ngoại cảm. Đó là trường hợp của Liệt sĩ Phạm Bá Kim, quê Thanh Hóa, hy sinh tại Campuchia, hài cốt đã tìm được năm 2005; Liệt sĩ Nguyễn Đăng Vy, quê Thái Nguyên, hy sinh tại Campuchia, hài cốt đã tìm được năm 2005; Liệt sĩ Lương Phan Châu, quê Hà Tĩnh, hy sinh tại Campuchia, hài cốt đã tìm được năm 2005; Liệt sĩ Nguyễn Văn Thìn, quê Quảng Nam, hy sinh tại huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam, hài cốt đã tìm được tháng 7/2007.

Bên cạnh đó, còn là những chuyện đáng tiếc như Liệt sĩ Nguyễn Trang, quê Thanh Hóa, hy sinh tại huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, tháng 8/1970, hài cốt đã quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ Kè I, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Khi tôn tạo nghĩa trang, quản trang đã làm thất lạc bia mộ.

Ban Liên lạc cũng đã xác minh được 11 trường hợp liệt sĩ có 2, 3 tên khác nhau, song chỉ là 1 người như các liệt sĩ Đỗ Lành tức Đỗ Lan, tức Đỗ Văn Lang hay Trần Văn Lang, ở Quảng Ngãi; Liệt sĩ Lê Thanh Tùng tức Lê Thành Lập ở Trà Vinh; Liệt sĩ Thái Văn Thâm tức Trần Thái Hiệp ở Bình Thuận; Liệt sĩ Trần Tâm tức Võ Đức Tâm ở Bình Định; Liệt sĩ Thái Văn Cho tức Thái Bá Sanh ở Quảng Nam...

Hiện còn 21 liệt sĩ Ngân hàng B68 chưa tìm được hài cốt và 1 trường hợp mất tích chưa xác minh được. Trong thời gian tới, Ban Liên lạc cán bộ Ngân hàng B68 sẽ tiếp tục tìm kiếm, rất mong được sự quan tâm của Lãnh đạo Ngành và các đơn vị trong Ngành tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho Ban Liên lạc cán bộ Ngân hàng B68 hoàn thành tâm nguyện "Vì nghĩa tình đồng đội".

Văn Hồng Phương - Trưởng ban liên lạc cán bộ ngân hàng B68

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/di-tim-nhung-dong-doi-da-hy-sinh-78286.html