Đi tìm quốc gia có tiềm lực quốc phòng mạnh nhất châu Âu

Mặc dù có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới nhưng vai trò của quân đội các quốc gia châu Âu lại thường rất mờ nhạt và phải chịu sự ảnh hưởng của Mỹ và Nga.

Trong bối cảnh mâu thuẫn với Mỹ, Liên minh châu Âu gần đây đang ngày càng nói nhiều về việc thành lập một quân đội chung châu Âu. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang của hầu hết các nước EU đều cực kỳ yếu. Ngoại trừ ba nước Pháp, Anh và Đức. Vậy quân đội của họ mạnh như thế nào?

Đầu tiên là Pháp, quốc gia có lực lượng vũ trang mạnh nhất trong Liên minh châu Âu. Vào tháng 11/2019, Business Insider, một trong những cổng thông tin phân tích hàng đầu thế giới, đã đánh giá quân đội Pháp đứng vị trí thứ hai trên lục địa châu Âu sau Nga.

Với tổng quân số khoảng 225.000 người, có cấu trúc cân bằng và có gần như toàn bộ vũ khí hiện đại, từ vũ khí nhỏ đến vũ khí hạt nhân. Lực lượng vũ trang Pháp có nhiều kinh nghiệm nhất trong các hoạt động quân sự ở EU.

Lực lượng lục quân của Pháp khoảng 112.000 người, với các đơn vị trang bị súng trường cơ giới, lực lượng xe tăng, pháo binh, công binh và các đơn vị khác. Một đơn vị đặc biệt là Quân đoàn nước ngoài, được tuyển chọn từ công dân của các quốc gia khác với quân số khoảng 9.000 người.

Lực lượng chính của Pháp trên bộ là khoảng 400 xe tăng chiến đấu Leclerc. Lực lượng không quân Pháp có 1.262 máy bay các loại, trong đó loại máy bay chiến đấu chủ lực của nước này là Rafale.

Lực lượng hải quân có khoảng 184 tàu, bao gồm tàu khu trục, tàu khu trục nhỏ, tàu tuần tra, tàu ngầm và thậm chí Pháp còn có một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên Charles de Gaulle.

Lợi thế chính của lực lượng vũ trang Pháp so với các nước EU khác là sự hiện diện của vũ khí hạt nhân, với khoảng 300 đầu đạn hạt nhân chiến lược, bố trí trên 4 tàu ngầm hạt nhân và trên máy bay. Pháp có tên lửa đạn đạo của riêng mình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân - M51 với tầm bắn tối đa là 8.000 km.

Xếp thứ hai là Vương quốc Anh, quốc gia có lực lượng quân sự thuộc tốp đầu trong EU. Trong bảng xếp hạng toàn cầu, theo đánh giá của tổ chức xếp hạng quốc tế Global Firepower, Vương quốc Anh đang giữ vị trí thứ sáu.

Tuy nhiên Vương quốc Anh chỉ chiếm vị trí thứ 28 trên thế giới về mặt quân số với 188.000 người. Lực lượng nổi bật chính là xe tăng Challenger 2, có hiệu suất gần tương đương với xe tăng T-90A của Nga.

Tổng cộng, Anh có 227 xe tăng đang hoạt động và khoảng 150 xe tăng nữa đang được lưu trữ. Ngoài ra, Anh có thể đưa khoảng một nghìn xe bọc thép chở quân và xe bọc thép chiến đấu dự trữ vào chiến trường khi cần thiết.

Hải quân Hoàng gia Anh hiện nay, xét về trọng lượng của các hạm tàu, là lực lượng hải quân lớn thứ 2 trong NATO. Hải quân Anh hiện có khoảng 91 hạm tàu đang hoạt động, gồm các tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, các tàu chống mìn và các tàu tuần tra.

Anh là một trong những quốc gia có vũ khí hạt nhân. Tất cả 215 đầu đạn được triển khai trên 4 tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard. Mỗi tàu ngầm mang theo 16 tên lửa chiến lược Trident-2 với tầm bắn lên tới 12.000 km.

Lực lượng không quân bao gồm 500 máy bay, được hợp thành hai quân đoàn chiến đấu và ba quân đoàn phụ trợ. Chiến đấu cơ chủ lực của Anh là 149 máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ tư Typhoon. Ngoài ra, còn có 46 máy bay chiến đấu-ném bom Tornado đang có trong biên chế.

Thứ ba là quân đội Đức, được thành lập vào năm 1955, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đức quân đội số một trong nhiệm vụ phòng thủ của NATO ở châu Âu. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Berlin đã tiến hành chương trình giải giáp vũ khí quy mô lớn, nhưng các chuyên gia vẫn xếp quân đội Đức ở vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng của EU.

Quân đội Đức hiện đứng thứ 10 trong danh sách toàn cầu do tổ chức think tank Global Firepower tổng hợp. Tổng quân số quân đội Đức là 177.000 người. Trong số này, 61 nghìn là lực lượng lục quân, hải quân là 18 nghìn, không quân là 28 nghìn và 20 nghìn là lực lượng dịch vụ y tế và vệ sinh.

Năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tuyên bố sẽ tăng quân số lên gần 200.000 người vào năm 2024. Xe tăng chính của lục quân Đức là Leopard 2 với số lượng 347 chiếc thuộc nhiều phiên bản khác nhau.

Không quân của Đức khiêm tốn hơn nhiều so với các lực lượng khác. Do thiếu kinh phí, thành phần chính là các máy bay chiến đấu Tornado đã lỗi thời và Typhoons.

Hải quân Đức được đầu tư tốt hơn để thực hiện các hoạt động bảo vệ bờ biển và hỗ trợ. Được trang bị 5 tàu ngầm, cùng số lượng tàu hộ tống, 15 khinh hạm, tàu quét mìn, tàu đổ bộ và tàu phụ trợ. Trước đó hải quân Đức có 10 tàu tên lửa lớp Gepard trong hạm đội, nhưng đã ngừng hoạt động vào năm 2016. Nguồn ảnh: Pinterest.

Xe tăng chủ lực Leclerc - loại xe tăng đắt đỏ bậc nhất thế giới hiện nay. Nguồn: TVmonde.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/di-tim-quoc-gia-co-tiem-luc-quoc-phong-manh-nhat-chau-au-1565757.html