Đi tìm sự đồng thuận trong cách dạy con

KTĐT - Nhiều cặp vợ chồng vẫn phàn nàn rằng, suốt quá trình yêu nhau, lấy nhau, họ chưa từng cãi vã, thậm chí to tiếng, nhưng chỉ từ khi đứa con biết nhận biết mọi vật xung quanh, họ lại thường xuyên cãi nhau.

Nguyên nhân cũng chỉ họ không thể tìm được tiếng nói chung trong cách dạy dỗ, nuông chiều con cái. Thực tế tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong việc giáo dục con cái không phải là chuyện hiếm trong các gia đình từ trước đến nay. Cũng bởi vợ chồng, do những điều kiện sinh hoạt và trưởng thành trong những gia đình khác nhau nên việc không cùng quan điểm trong dạy dỗ trẻ cũng là chuyện thường tình. Nhưng cái chuyện tưởng như là nhỏ ấy nếu không giải quyết được cũng là nguyên nhân làm vỡ hạnh phúc gia đình. Anh Thái rất chiều cô con gái, hễ con đòi gì là cho nấy. Còn vợ anh luôn muốn nghiêm khắc dạy con có nề nếp, khuôn phép. Con bé đã lên năm, nhưng anh cũng không muốn con phải làm gì cả, kể cả những việc đơn giản nhất như xúc cơm, mặc quần áo. Vợ anh lại bảo nếu nuôi con theo kiểu của anh, con lơn lên sẽ trở thành những cậu ấm, cô chiêu, chỉ quen được phục vụ, không làm được trò trống gì. Sau mỗi lần lời qua tiếng lại như vậy, vợ chồng anh chị lại giận nhau cả tuần. Từ ngày có con, mối quan hệ giữa hai người ngày càng căng thẳng. Không ít người vẫn biết rằng, nếu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, đứa trẻ sẽ mất phương hướng, không biết đâu là đúng, đâu là sai, thậm chí còn biết "lợi dụng" sự bất hòa của người lớn để đạt được ý muốn của mình. Nhưng biết là vậy, làm lại là việc khác. Nhà anh Thành vẫn làm đau đầu hàng xóm bởi những trận cãi nhau, mà nguyên nhân cũng bởi cách dạy con. Mỗi lần anh "dạy" con thì chị lại ra mặt bênh vực, quay sang công kích chồng thì anh càng bực bội và hai vợ chồng lại cãi vã nảy lửa. Cu Bi nhà anh mới 4 tuổi nhưng đã có những biểu hiện hay vòi vĩnh, đòi hỏi. Không được thỏa mãn yêu cầu thì cậu chàng lăn đùng ra khóc nhè cho đến đòi bằng được mới thôi. Hôm rồi nó lăn đùng ra đất gào khóc đòi mua xe tăng cho bằng được, trời thì mưa, anh đét cho cậu ấm mấy phát khiến cu cậu càng khóc ré lên đến lạc cả giọng. Xót con, chị mắng chồng đánh con mạnh tay thì bị anh mắng: "Con hư tại mẹ, em cứ chiều nên nó hư đốn như thế". Lời qua tiếng lại, thế là hai vợ chồng giận nhau. Trẻ con rất tinh ý. Chúng có thể dễ dàng nhận ra sự mâu thuẫn của bố mẹ trong việc định hướng hành động cho chúng và thường lợi dụng việc này để dựa dẫm. Chưa kể nhiều đứa trẻ cảm thấy chán nản, thất vọng khi chứng kiến cha mẹ cãi cọ nhau trước mặt mình và có thể hành động nhằm "phá bĩnh" mọi nỗ lực giáo dục của cha mẹ. Điều này là hết sức nguy hiểm. Do là cậu ấm trong nhà, nên Phú muốn gì được nấy. Thậm chí, khi Phú đến tuổi đi học, kêu mệt không chịu làm bài tập về nhà, bố không những không khuyên nhủ con lại còn kêu rằng cô gáo cho thằng bé học nhiều quá. Vợ anh thì không thể chấp nhận việc anh chiều con thái quá như vậy, chị ép con học cho đến nơi đến chốn. Chị cũng không ngần ngại sử dụng các biện pháp mạnh tay như đánh đòn nếu cháu mắc lỗi. Anh phản đối, vợ chồng cãi nhau to ngay trước mặt con. Biết bố luôn yêu chiều nên Phú thường xuyên đòi hỏi bố phải thỏa mãn các yêu cầu của mình. Nhiều lần con xin tiền, anh cũng chỉ hỏi sơ qua rồi cho ngay. Anh lúc nào cũng luôn tin tưởng tuyệt đối con mình. Cho đến khi nhà trường báo cháu đã nghỉ học cả tuần anh mới ngã ngửa ra. Theo các chuyên gia tâm lý, mâu thuẫn trong cách dạy con là điều rất bình thường và dễ hiểu. Mỗi người đều có hoàn cảnh sống và được giáo dục theo cách khác nhau nên tất nhiên sẽ có quan điểm riêng về cách dạy dỗ thế hệ sau. Bởi vậy, hai người không nên coi điều này là chuyện gì ghê gớm và muốn mau chóng bắt người kia phải nghe theo ý kiến của mình. Hãy luôn tôn trọng bạn đời trước mặt con cái. Hai người cùng chia sẻ và bàn luận với nhau những kiến thức về nuôi dạy con một cách khoa học, phù hợp từng độ tuổi từ sách vở, nhà chuyên môn hay thực tế xung quanh rồi thống nhất trong từng tình huống khác nhau. Dù dạy trẻ theo phương pháp nào, "cho roi cho vọt" hay "cho ngọt cho bùi" thì tất cả đều mong muốn cho con cái trở thành người tài giỏi, giúp ích cho xã hội. Chính vì vậy, sự khác biệt quan điểm trong việc giáo dục con cái hoàn toàn là chuyện có thể giải quyết được giữa hai vợ chồng trên cơ sở vì mục đích cao nhất. Điều quan trọng nhất chính là hai vợ chồng cần thống nhất cách giáo dục và nghiêm khắc với con ngay khi trẻ phạm sai lầm. Sự dung hòa hai lối sống khác nhau để tạo thành một cách thức nuôi dạy con cái năng động sẽ giúp có được những đứa con đa năng hơn và kết hợp tinh hoa từ cả cha lẫn mẹ. Duy Ngoạn

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=54&newsid=179850