Đi tìm sự thật lịch sử về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam

Biên soạn cuốn 'Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam' nhóm tác giả đã đặt cho mình trách nhiệm: Đi tìm sự thật lịch sử chứ không phải chỉ nhằm làm rõ con số hơn hai triệu người chết đói.

Nhằm cung cấp cho bạn đọc một cách toàn diện, đầy đủ và có hệ thống những chứng tích về sự mất mát, đau thương mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu trong lịch sử do tội ác của phát xít Nhật, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật và Omega plus liên kết tái bản cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử của Viện sử học, GS Văn Tạo và GS Furata Motoo chủ biên.

Sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Nguồn: Omega+.

Không nhiều người Nhật biết đến nạn đói năm 1945 ở Việt Nam

Cuốn sách này được thực hiện vào đầu những năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít Nhật và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.

Theo GS Văn Tạo, trong hội thảo khoa học với chủ đề “Hòa bình châu Á và vai trò của Nhật Bản” do Ủy ban Đoàn kết Á, Phi, Mỹ Latinh của Nhật Bản tổ chức vào tháng 12/1992 ở Tokyo, các nhà khoa học đã nhấn mạnh đến hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh Thái Bình Dương do phát xít Nhật gây ra. Tất cả tập trung sự quan tâm vào nỗi đau khổ không chỉ riêng ai do phát xít gây nên.

Trước yêu cầu làm rõ một sự thật lịch sử đau lòng, một cơn ác mộng, một nỗi đau nhức nhối, khó quên, một tội ác cần được lên án đó là nạn đói khủng khiếp xảy ra ở Việt Nam năm 1945 do phát xít Nhật gây ra, làm cho hơn 2 triệu người chết đói chỉ trong vòng một thời gian ngắn, GS Văn Tạo và GS Furata Motoo (đại điện Tiểu ban hợp tác Việt - Nhật) đã thực hiện một nghiên cứu về nạn đói.

Ngoài lý do trên còn có một vấn đề khiến GS Văn Tạo và các cộng sự quan tâm thực đó là vào thời điểm bấy giờ có một thực trạng là nhân dân Nhật Bản và nhân dân thế giới có rất ít người biết đến nạn đói 1945 ở Việt Nam, hoặc có người biết đến, hoặc biết nhưng chưa tường tận mức độ ghê gớm của thảm kịch này.

Mặt khác, ở Nhật Bản, sự xuyên tạc sự thật lịch sử nhằm đánh lạc hướng dư luận vẫn cố tình được tung ra, nhằm bảo hộ cho luận điểm rằng: Người Nhật đã có thiện chí giải phóng các dân tộc khỏi ách thực dân da trắng, sao lại còn có chuyện giết hại người dân Việt Nam bằng nạn đói được.

Chính vì vậy, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã phối hợp với nhau đấu tranh đòi hủy bỏ luận điểm sai trái này.

Một người làm từ thiện đang rửa xương của những nạn nhân chết đói. Ảnh: Võ An Ninh.

Đi tìm sự thật lịch sử

Để thực hiện được điều này, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản cho rằng trước hết là cần làm rõ con số người bị chết đói (nhất là độ chênh các con số). Tiếp đó tìm ra nguyên nhân gây ra nạn đói (do đói ăn, hay do suy dinh dưỡng, hay do bị bóc lột kiệt sức…) và âm mưu giết người bằng nạn đói cùng thủ đoạn gây ra nạn đói…

Theo GS Văn Tạo, các vấn đề kể trên, chỉ có thể giải đáp phần nào nhờ vào các chứng tích lịch sử còn tồn tại, bao gồm: Các di tích lịch sử cụ thể; các tư liệu lịch sử thành văn; các tư liệu lịch sử truyền miệng (histoire orale).

Về di tích lịch sử: Đây là loại chứng tích khá hiếm hoi. Tội ác giết người Việt Nam bằng nạn đói không còn để lại gì ngoài những nấm mồ chôn tập thể. Những nấm mồ này chôn dưới đất chứa đựng hàng chục, hàng trăm bộ xương, nhưng trên mặt đất thì gần như không còn gì, thậm chí chỉ còn là bãi cỏ chăn bò như ở Quần Mục, Hải Phòng, hay chỉ là một mảnh vườn hợp tác xã phân cho một hộ gia đình, khi xây cất nhà họ đào lên vội vàng vùi ra chỗ khác vì quá rùng rợn, như ở Tây Lương, Thái Bình.

Cũng có nơi nhân dân đã khoanh khoảng chôn những “mồ tập thể” đó lại, làm lễ tưởng niệm, dựng bia căm thù, nhưng đó chỉ là trường hợp hãn hữu. Còn đại đa số là nhân dân địa phương chỉ ghi lại nỗi thương đó trong tâm của mình. Còn những bãi tha ma đó thường được mang những cái tên dã sử như “Mả đói”, “Gò ma”.

Về tư liệu thành văn (sách báo, tranh, ảnh, bảng, biểu đồ…), đây là nguồn tư liệu phong phú, nhưng cũng yêu cầu cần xử lý một cách khoa học và sử dụng một cách thận trọng.

Về các tư liệu lịch sử truyền miệng (histoire orale), để làm rõ được tính khủng khiếp của nạn chết đói, nhất là làm rõ được con số nạn nhân chết đói, không có tư liệu nào thay thế được tư liệu điều tra thực địa bằng phương pháp xã hội học lịch sử.

Việc điều tra này có sự tham gia của các nhân chứng lịch sử, đó những người được chứng kiến nạn đói xảy ra, hoặc những người còn sống sót qua nạn đói. Họ không những cung cấp số người chết mà còn mô tả thảm cảnh đó diễn ra như thế nào.

Xương những người chết đói ở trại Giáp Bát. Ảnh: Võ Anh Ninh.

Biên soạn cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử ,nhóm tác giả đã đặt cho mình trách nhiệm: Đi tìm sự thật lịch sử chứ không phải chỉ nhằm làm rõ con số hơn hai triệu người chết đói.

Vì vậy, sau khi thu thập được hơn 344 tư liệu thành văn, nhóm tác giả tiếp tục thực hiện một cuộc điều tra thực địa theo phương pháp xã hội học lịch sử. Những vấn đề được đặt ra trong cuộc điều tra này là: Nạn đói diễn ra ở đâu? Tầng lớp nào chết nhiều nhất? Tính chất tàn bạo của kẻ giết người và tính tàn khốc của cảnh chết đói diễn ra như thế nào? Lấy gì làm bằng chứng?

Vào các năm 1992, 1993-1994 và 1994-1995, diễn ra ba đợt điều tra theo phương pháp xã hội học lịch sử trên thực địa tại 23 điểm thuộc 21 địa phương Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ kết quả của ba đợt điều tra này, kết hợp với di tích lịch sử và tư liệu thành văn, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã tìm ra nguyên nhân, tính chất trầm trọng và hậu quả trước mắt cũng như lâu dài.

Kết quả của 23 đợt điều tra thực địa cho thấy rõ tính phổ biến của nạn đói và mức độ hủy diệt của nó.

Nạn đói diễn ra một cách phổ biến trên toàn miền Bắc từ Quảng Trị trở ra mà trọng điểm là các tỉnh duyên hải Bắc Bộ: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Kiến An (Hải Phòng), Quảng Yên (Quảng Ninh). Cao nhất là Thái Bình mà điểm Tây Lương tỷ lệ chết đói so với tổng số dân là 66,66% (tức 2/3 dân số). Tiếp đó là Quần Mục (Kiến An): 58,77%; Đồng Côi (Nam Định): 56,99%...

Về đối tượng hủy diệt của nạn đói, nông dân không ruộng đất chuyên đi làm thuê và nông dân ít ruộng đất (có khoảng từ 1 đến 5 sào Bắc Bộ trong một hộ từ 2 đến 5 người) là chết nhiều hơn cả. Nhiều hộ còn chết cả nhà. Trung nông cũng là đối tượng chết đói nhiều. Tỷ lệ chết thường là 1/3 đến 2/3 tổng số thành viên gia đình.

Về tính tàn khốc của nạn đói thể hiện tính tàn bạo của kẻ thù. Có thể nói nạn chết đói do phát xít gây nên có tính tàn bạo hiếm thấy trong lịch sử nhân loại.

Theo lời kể của các nhân chứng, nạn đói rất khủng khiếp, nó kéo dài cái chết, khiến nạn nhân bị các cơn đói giày vò, đau khổ tủi nhục. Nạn đói cũng chôn vùi nhân phẩm của con người, làm cho con người mất cả tính người. Đói thì phải đi ăn xin, rồi ăn xin không được thì phải ăn cướp, đi cướp giật, cuối cùng là ăn thịt người. Nạn đói cũng khiến hàng nghìn hộ chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ, hàng chục xóm làng chết cả xóm làng…

Về nguyên nhân của nạn đói, theo các tư liệu và các nhân chứng kể nguyên nhân sâu xa nhất đã biểu lộ âm mưu thâm độc của phát xít Nhật và tay sai thực dân Pháp là chúng muốn tiêu diệt người Việt Nam bằng nạn đói để không còn sức lực chống lại chúng. Nhật thì vơ vét cho chiến tranh, còn Pháp lại dự trữ lương thực để sau này dùng cuộc tái xâm lược Việt Nam.

Bên cạnh nội dung trên, cuốn sách cũng làm rõ hậu quả của nạn đói, tính chất đặc điểm của nạn đói và đưa ra những kết luận nói lên ý nghĩa tàn bạo của cách giết người này, so sánh với các tội ác mà những kẻ xâm lược đã từng gieo rắc trên đất nước Việt Nam.

Ngoài ra sách cũng cung cấp một thư mục liệt kê 344 tư liệu thành văn phản ánh trực tiếp và gián tiếp về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam.

Có thể nói, với sự hợp tác của đội ngũ tri thức từ cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản, Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử là công trình công phu có cái nhìn khách quan thấu suốt vào sự thật lịch sử nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách này công bố cách nay đã gần 30 năm, nhưng cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/di-tim-su-that-lich-su-ve-nan-doi-nam-1945-o-viet-nam-post1340754.html