Đi tìm sự thật vì sao nguyên Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên kêu oan? (Kỳ 3)

Rõ ràng từ những phân tích trong bài viết dưới đây, có thể thấy việc khởi tố đối với ông Dương Quang Hợp là chưa đủ căn cứ.

Kỳ 3: Kêu oan vì luôn nghĩ mình đúng luật nhưng cơ quan tố tụng “làm ngơ” khiến tố cáo kéo dài

Như chúng tôi đã đưa tin về những bí ẩn xoay quanh vụ án Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Võ Khánh Dương phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án này, CQCSĐT đã bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng dẫn đến hậu quả là vụ án không được xem xét một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ khiến vụ án kéo dài, gây hậu quả nặng nề.

Để độc giả hiểu rõ được nội dung vụ án cũng như có cái nhìn toàn diện, khách quan và đúng đắn về việc giải quyết vụ án của Cơ quan tố tụng, chúng tôi đã có buổi trao đổi, làm việc với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla. Đánh giá về việc giải quyết vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bức xúc, tố cáo kéo dài

Luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng: Hiện nay, vợ chồng Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh đã phải gánh chịu các hậu quả pháp lý (trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự) bởi hành vi vi phạm pháp luật của mình. Tuy nhiên, vụ án cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, một số người liên quan đến vụ án còn bức xúc, tố cáo, kiện tụng kéo dài gây dư luận xấu trong xã hội, thậm chí còn khiến nhiều người vướng vào vòng lao lý. Về vấn đề này cần thiết phải đánh giá và nghiêm túc xem xét đến trách nhiệm của Cơ quan tố tụng trong việc giải quyết vụ án.

Như đã trao đổi ở những kỳ trước về việc kê biên của CQCSĐT, bên cạnh việc kê biên chưa đủ căn cứ một số tài sản được cho là của vợ chồng Quỳnh Anh, trong quá trình giải quyết vụ án, CQCSĐT còn thu giữ toàn bộ sổ sách liên quan đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Dương nhưng không thống kê lại doanh thu cũng như lợi nhuận thu được từ hoạt động này.

Bên cạnh đó, những tài sản liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Quỳnh Anh điển hình như toàn bộ số trang thiết bị tại ảnh viện áo cưới tại Thái Nguyên của vợ chồng Quỳnh Anh đầu tư ước tính gần 7 tỷ nhưng số tài sản này lại không được CQCSĐT niêm phong, kê biên, định giá theo đúng quy định. CQCSĐT cũng không làm rõ số tài sản đó gồm những gì? Được xử lý như thế nào hay đã được thanh lý cho ai?

Khi xem xét vụ án Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Võ Khánh Dương phạm tội“lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản” CQCSĐT chỉ xem xét đến hành vi vay một số tiền lớn không có khả năng trả nợ và bỏ trốn của vợ chồng Quỳnh Anh mà không xem xét đến hành vi cho vay nặng lãi của những người cho vay. Những “bị hại” trong vụ án có thực sự đơn thuần là bị hại do hành vi vi pháp luật của vợ chồng Quỳnh Anh hay cũng do một phần lỗi trực tiếp của những người cho vay (ham lãi cao).

Dư luận chỉ được biết về số tiền vay nợ của vợ chồng Quỳnh Anh lên đến hơn 183 tỷ nhưng số tiền gốc theo như khai báo của vợ chồng Quỳnh Anh thì chỉ khoảng 90 tỷ, còn lại là tiền lãi cộng dồn, họ cũng chưa chắc biết được số tiền mà vợ chồng Quỳnh Anh đã trả lãi cho các “bị hại” cũng lên đến nhiều chục tỷ đồng. Liệu rằng việc cho vay với mức lãi suất trên có đúng quy định hay không? Hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng này do ai gây ra, ai đứng sau chống lưng cho những kẻ phạm pháp đã gây mất ổn định xã hội đến nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn chưa có lời giải đáp.

Thêm vào đó, toàn bộ lời khai trong quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa của vợ chồng Quỳnh Anh, Khánh Dương đều thể hiện việc hai vợ chồng đã bị một số người cho vay tiền cùng với người mang danh cảnh sát hình sự uy hiếp, đe dọa buộc phải trả tiền cũng như phải chuyển nhượng tài sản cho họ để cấn trừ nợ.

Đây là một vụ án lớn, phức tạp, để lại dư luận xấu trong xã hội. Tuy nhiên, nhiều tình tiết trong vụ án lại chưa được sáng tỏ, nhiều tranh chấp, mâu thuẫn chưa có hồi kết. Vì vậy, thiết nghĩ Các cơ quan tiến hành tố tụng cần tiếp tục nhanh chóng tiến hành điều tra, xác minh làm rõ lại sự thật, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Ông Dương Quang Hợp

Luôn nghĩ mình đúng luật

Để độc giả có cái nhìn rõ hơn về vụ việc, chúng tôi đã có buổi trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla liên quan đến việc ông Dương Quang Hợp bị khởi tố về tội “Ra quyết định trái pháp luật”.

Luật sư Hòe cho biết: Theo thông tin trong hồ sơ vụ án tôi được biết thì vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của vợ chồng Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh đang trong giai đoạn xét xử lại theo thủ tục chung về phần dân sự theo Quyết định giám đốc thẩm số 03/2016/HS-GĐT ngày 15/06/2016 của HĐTP – TANDTC. Trách nhiệm dân sự của vợ chồng Quỳnh Anh, Khánh Dương trong vụ án hiện vẫn chưa được làm rõ. Cho tới thời điểm hiện nay, vẫn chưa có một bản án hay quyết định có hiệu lực nào từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẳng định những tài sản mà ông Dương Quang Hợp đã ra quyết định hủy bỏ kê biên trả lại cho các cá nhân có phải là tài sản do vợ chồng Quỳnh Anh phạm tội mà có? và liệu rằng những tài sản này có phải là vật chứng của vụ án để CQCSĐT ra các quyết định kê biên?

Thêm vào đó, một trong những cấu thành bắt buộc của tội “Ra quyết định trái pháp luật” phải là có lỗi cố ý trực tiếp và phải có hậu quả thực tế xảy ra.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay CQĐT - VKSNDTC chưa chứng minh được lỗi cố ý trong hành vi của ông Hợp, đồng thời cũng chưa xác minh được chính xác hậu quả của hành vi phạm tội như thế nào mà trong kết luận điều tra chỉ nói chung chung là việc ra quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản của ông Hợp gây hậu quả là 22 bị hại không được bồi thường thiệt hại theo kỷ phần. Hậu quả mà KLĐT cũng như Cáo trạng truy tố ông Hợp theo tôi là hết sức mơ hồ, thiếu căn cứ.

Như vậy, rõ ràng từ những phân tích trên có thể thấy việc khởi tố đối với ông Dương Quang Hợp là chưa đủ căn cứ.

Ông Dương Quang Hợp luôn khẳng định rằng mình đã làm đúng theo quy định của pháp luật, không gây thiệt hại về kinh tế cũng như tinh thần cho bất kỳ ai khi mà tài sản hiện nay vẫn còn. Tài sản của các ông Dương Văn Bắc và ông Nguyễn Quốc Dũng vẫn còn, và cứ như đòi hỏi của một số “bị hại” thì cơ quan có thẩm quyền phải tước quyền tài sản của ông Dũng và Ông Bắc chia cho những người chuyên cho vay lãi nặng mới là hợp lẽ - Ông Hợp tự hỏi? và phải chăng thiệt hại do ông gây ra là việc các bị hại hám lợi cho vay nặng lãi không đòi hết được dẫn đến họ bị tổn thất cả về kinh tế lẫn tinh thần, ông Hợp chia sẻ!

Thiết nghĩ trong trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng xem xét, chỉ đạo, giải quyết thấu đáo để vụ án sớm ngày sáng tỏ, tránh oan sai người vô tội.

Còn tiếp…

Nhóm PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/di-tim-su-that-vi-sao-nguyen-pho-vien-truong-vksnd-tinh-thai-nguyen-keu-oan-ky-3-p43069.html