Đi tìm thương hiệu cho thành phố sáng tạo

Kể từ khi chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu (năm 2019), Hà Nội cam kết xây dựng Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế.

Bối cảnh Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” - một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Thiết kế sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Duy Mạnh.

Sau 4 năm thực hiện, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa thì cần phải có cơ chế, chính sách thuận lợi, có sự hỗ trợ của chính quyền về mặt bằng, sản xuất, quảng bá sản phẩm sáng tạo, qua đó lan tỏa tinh thần, bản sắc, thương hiệu của Thành phố sáng tạo trong tiến trình phát triển.

Khơi nguồn sáng tạo

Là một trong những sự kiện quan trọng trong kế hoạch xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội (gọi tắt là Lễ hội) năm nay với chủ đề “Dòng chảy”, mang giá trị kết nối những không gian hai bên bờ sông Hồng như: Vườn hoa Vạn Xuân và Tháp nước Hàng Đậu; ga Long Biên; cầu Long Biên; ga Gia Lâm và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Tại sự kiện lần này, Hà Nội tập trung vào 3 trụ cột chính là thiết kế - cộng đồng - sáng tạo, với điểm nhấn là “đánh thức” các di sản công nghiệp. Nhờ sự kiện, lần đầu tiên người dân được tham quan những công trình đã tồn tại hàng trăm năm tại Thủ đô dưới một góc nhìn mới như: Tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên, nhà máy Xe lửa Gia Lâm, ga Hà Nội, ga Long Biên… được các kiến trúc sư, nghệ sĩ tái thiết kế thí điểm trở thành những không gian triển lãm kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.

Tích cực xây dựng Thành phố sáng tạo, Hà Nội không chỉ chú trọng tổ chức các sự kiện mà còn thúc đẩy phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, tạo ra bản sắc, sự hấp dẫn cho đô thị, truyền cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng và tái sinh đô thị.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội công bố hồi tháng 10/2023, thành phố có 124 không gian sáng tạo, trong đó 33 không gian thuộc sở hữu Nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân; 6 không gian công cộng, 21 không gian văn hóa di sản/sáng tạo, 10 không gian giáo dục; 10 bảo tàng, 11 làng nghề thủ công; 16 doanh nghiệp sáng tạo, 24 không gian nghệ thuật, 4 không gian trực tuyến; 24 không gian sáng tạo bao gồm: thư viện, phòng tranh, cà phê, không gian làm việc chung.

Điều này mang đến cho thành phố những ưu thế to lớn trong khả năng kết nối cộng đồng sáng tạo, lan truyền cảm hứng sáng tạo cũng như làm giàu bản sắc, sức hấp dẫn cho đô thị trên nền các giá trị truyền thống.

Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh các không gian văn hóa sáng tạo tại các tuyến phố đi bộ, không gian bích họa Phùng Hưng, không gian Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, không gian đi bộ xung quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Mỗi không gian sáng tạo sau đó lại tích cực tạo ra những nét mới, nét riêng, sáng tạo trên nền tảng sẵn có.

Với nhiệm vụ phát triển những không gian sáng tạo trong một khu di tích mà vẫn đảm bảo những giá trị vốn có, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã đưa di tích trở thành không gian tạo cảm xúc cho sáng tạo, không gian tổ chức các hoạt động sáng tạo, không gian trưng bày các sản phẩm sáng tạo... để hình thành nên những giá trị mới cho cộng đồng, cho xã hội, đưa giá trị di sản mang hơi thở của cuộc sống đương đại.

Kết quả là đầu tháng 11 vừa qua, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã cho ra mắt chương trình trải nghiệm đêm với chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Đây là một bước chuyển mình để đưa khu di tích dần trở thành một không gian văn hóa sáng tạo với nhiều hoạt động phong phú như các chương trình giáo dục di sản, các cuộc triển lãm, trưng bày...

Việc Ban Quản lý Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đưa công nghệ 3D mapping và VR thực tế ảo vào sử dụng đã giúp câu chuyện về đạo học của Việt Nam được kể một cách sinh động hơn. Điều đó cho thấy sự sáng tạo trong việc khai thác nguồn tài nguyên di sản văn hóa vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần vào xây dựng Thành phố sáng tạo Hà Nội.

Ngoài ra, Hà Nội hiện có hơn 100 địa điểm hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thiết kế, thủ công, điển hình như: Hanoi Creative City, Complex 01, 282 Workshop, AGOhub, VUUV, Ơ kìa Hà Nội, Matca, Manzi, Bar bầu.

Đồng hành còn có rất nhiều các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế như: Vì một Hà Nội đáng sống, UN Habitat, Vicas, Heritage Space, Hanoi Grapevine, Hội Kiến trúc sư Việt Nam…; và nhiều chương trình sự kiện khác: VietNam Design Week, VietNam Festival Creativity Design, Ashui Awards… Đây là những điểm sáng “mạng lưới sáng tạo con” của Thủ đô.

Thành phố cũng đang nỗ lực trở thành “vườn ươm” cho những nhân tài sáng tạo, mở rộng độ tuổi và nâng cao chất lượng cho các nhà sáng tạo.

Thành phố cũng xây dựng Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo thông qua việc tổ chức đa dạng các cuộc thi sáng tạo trong các lĩnh vực: Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội, Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội, các cuộc thi truyền thông tạo ảnh hưởng lớn như: Nhà Truyền thông tài ba IC Master với chủ đề “Hà Nội - Hành trình sáng tạo”, chương trình truyền hình Tài năng Sáng tạo Hà Nội, cuộc thi “Nhiếp ảnh sáng tạo trẻ Hà Nội Rethink”…

Có thể thấy rằng, sau gần 4 năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, dù trải qua hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong khai thác, phát huy các nguồn lực.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia, nhà thiết kế, nhà sáng tạo cho rằng, để phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa của Thành phố sáng tạo thì cần phải có cơ chế, chính sách thuận lợi, có sự hỗ trợ của chính quyền về mặt bằng, sản xuất, quảng bá sản phẩm sáng tạo, qua đó lan tỏa tinh thần, bản sắc, thương hiệu của Thành phố sáng tạo trong tiến trình phát triển.

Biểu diễn âm nhạc truyền thống tại tour đêm tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: FB Di tích Văn Miếu.

Nhận diện khó khăn để tạo sức bật

Hà Nội sở hữu nhiều tiềm năng phát triển văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế với 5.922 di tích lịch sử - văn hóa và mạng lưới 1.350 làng nghề khác nhau... tiềm năng sáng tạo của Hà Nội luôn sẵn sàng để được khơi nguồn, thế nhưng thành phố hiện vẫn còn nhiều dư địa chưa được khai thác hoặc chỉ khai thác theo hình thức nhỏ lẻ, chưa tạo được thương hiệu cho Thành phố sáng tạo.

Tại tọa đàm quốc tế “Thành phố Sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức (ngày 21/11), ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo ở Hà Nội vẫn còn khó khăn, thách thức: Xây dựng thương hiệu ra sao, nguồn lực phát huy như thế nào, sự kết nối, tính ứng dụng và cách thể hiện bản sắc văn hóa... cũng cần phải tính đến vì hiện nay các hoạt động sáng tạo ở Hà Nội so với các thành phố sáng tạo phát triển khác còn khoảng cách khá xa.

Hà Nội cũng chưa có trung tâm sáng tạo, megashow... để có thể phát huy được tiềm năng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, thưởng thức của người dân”.

Cũng tại tọa đàm, KTS Đoàn Kỳ Thanh - Sáng lập không gian sáng tạo Zone 9, thẳng thắn chỉ ra, Hà Nội là thành phố có sức hút, hội tụ nhiều yếu tố, chính là cơ hội lớn để phát triển Thành phố sáng tạo, nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng được hết cơ hội đó. “Một trong những vấn đề đặt ra là cần có chính sách chung trong quy hoạch không gian cho các sáng tạo.

Vấn đề sử dụng đất, quy hoạch đô thị cũng cần cơ chế riêng để tạo không gian sáng tạo mang tính bền vững, giúp các nhà sáng tạo yên tâm đầu tư và tạo ra những sản phẩm sáng tạo bền vững, lâu dài”, KTS Đoàn Kỳ Thanh nêu quan điểm.

Trên thực tế, Hà Nội hiện chưa có Trung tâm sáng tạo; đa phần không gian sáng tạo vẫn ở quy mô nhỏ, hình thành từ tâm huyết của các nhóm nghệ nhân, nghệ sĩ, hoặc mới dừng lại ở những ý tưởng, đề án trong một phạm vi không gian nhất định…; hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các buổi trình diễn, giao lưu, trao đổi văn hóa, tọa đàm... chưa đủ nhiều và chưa đủ lan tỏa trong đời sống của đại đa số người dân.

Các doanh nghiệp văn hóa, sáng tạo thường là những mô hình hoạt động tự phát, thiếu sự định hướng, hỗ trợ cũng như cơ chế đặc thù để phát triển bền vững. Do đó, việc tổ chức hoạt động văn hóa gặp nhiều bất cập, hạn chế.

Chị Trương Uyên Ly - Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine chia sẻ, các không gian văn hóa sáng tạo đang phải tự lực, khi đó dẫn đến việc nhiều nơi không trụ được, phải đóng cửa sớm dù đã tạo ra nhiều tác động xã hội.

Còn chị Nguyễn Như Quỳnh - Tổ hợp văn hóa sáng tạo Complex 01 cho biết, Complex 01 được tái thiết từ nhà máy cũ tại Hà Nội, nhằm xây dựng một mái nhà chung cho nhu cầu sinh hoạt đa dạng văn hóa của thành phố; tạo không gian kết nối liên ngành và thúc đẩy trao đổi văn hóa nghệ thuật giữa mọi nhóm người trong cộng đồng. Nhưng từ lúc thành lập, mọi người đều phải tự lực cánh sinh, cho đến nay mới bắt đầu nhận được sự quan tâm hơn. Hiện, vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể về việc thành lập, vận hành như thế nào.

“Ngay cả khi chúng tôi tìm hướng và vận hành trung tâm thì chưa nhận được sự hỗ trợ về mặt truyền thông hay tài chính. Trong khi đó, chúng tôi đang phải hỗ trợ ngược lại cho các hoạt động và doanh nghiệp văn hóa đang hoạt động tại Complex 01”, chị Quỳnh cho biết.

Theo TS Nguyễn Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa và nghệ thuật đương đại (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), dự thảo bộ tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội còn đang theo hướng hành chính hóa.

Cụ thể, để tham gia mạng lưới của thành phố, các không gian sáng tạo cần phải đảm bảo phòng cháy chữa cháy, kê khai thuế, có tư cách pháp nhân… Với tiêu chí như vậy, trong 124 không gian văn hóa sáng tạo có bao nhiêu nơi đủ điều kiện? Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo cần giảm thiểu thủ tục hành chính, hoạt động trên tinh thần tự nguyện.

Để phát huy hết hiệu quả của các không gian sáng tạo, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ trong các khâu quy hoạch, để không gian sáng tạo có đặc thù riêng, đưa hoạt động của các không gian này vào chương trình hoạt động tổng thể của Thủ đô. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi, cơ chế để tăng cường sự kết nối giữa các không gian sáng tạo khác nhau.

Một điểm khác mà thành phố cần lưu ý, sau khi xây dựng và kết nối các không gian sáng tạo, việc cần làm là vận hành các không gian đó theo hướng tận dụng sự phát triển của công nghệ số để dễ quản lý và không bị tụt hậu.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sáng tạo văn hóa cũng đặt ra những câu hỏi làm thế nào để bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động văn hóa; để hài hòa giữa sức sáng tạo và tính bản sắc văn hóa; ngăn chặn được những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo... Đây cũng là vấn đề cần được quan tâm để phát triển Thành phố sáng tạo một cách đồng bộ, hình thành mạng lưới không gian sáng tạo rộng lớn, nhưng dễ vận hành, quản lý.

Vì thế, trong thời gian tới, Hà Nội cần có thêm nhiều giải pháp ưu tiên hơn nữa, các cơ chế, chính sách mới, phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia mở rộng các không gian sáng tạo, nuôi dưỡng tài năng, tạo ra sản phẩm tinh hoa, từ đó tạo nguồn lực mạnh mẽ để xây dựng thương hiệu, phát triển Thành phố sáng tạo đích thực, hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô bền vững.

GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam): Cần đặc biệt quan tâm đến các không gian sáng tạo sau khi đưa vào sử dụng
Để có sự đột phá trở thành một Thành phố sáng tạo, trước hết Hà Nội phải có "hình hài" của một Thành phố sáng tạo. Không nên thay thế những công trình xưa cũ bằng những công trình mới mà không rõ mục đích. Điều Hà Nội cần hướng tới đó là tái tạo, mở rộng công năng của những công trình mang giá trị lịch sử để từ đó tạo ra những giá trị văn hóa mới, phát huy tinh thần sáng tạo. Những công trình kiến trúc cổ là hồn cốt của Hà Nội, do đó cần chú trọng bảo tồn thật tốt.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần đặc biệt quan tâm đến các không gian sáng tạo sau khi đưa vào sử dụng. Cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện để gìn giữ và phát huy tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển của không gian sáng tạo đó. Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của các không gian sáng tạo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo. Thứ ba, huy động nguồn lực cho các không gian sáng tạo. Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sáng tạo, từ hoạt động giáo dục, đào tạo đến bồi dưỡng, nâng cao năng lực cạnh tranh, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề liên quan.
Ngoài ra, trước khi đầu tư không gian sáng tạo lớn, Hà Nội cần quan tâm phát triển không gian sáng tạo nhỏ. Bởi đối tượng này thường thiếu vốn, mặt bằng cũng như các nguồn lực khác, sau đó Thành phố tiến tới hình thành không gian sáng tạo đúng nghĩa, đúng tầm cỡ. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của thành phố, từ các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của mỗi người dân Thủ đô.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo là ưu tiên hàng đầu
Hà Nội sở hữu đa dạng nguồn lực văn hóa, nếu biết cách khai thác để phát huy hơn nữa, thành phố không chỉ có cơ hội phát triển Thành phố sáng tạo, mà phát triển tổng thể kinh tế - xã hội. Xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô, đi kèm với những giải pháp huy động nguồn lực văn hóa một cách đồng bộ và hiệu quả, là: Đổi mới, nâng cao nhận thức, tuyên truyền; hoàn thiện tổ chức bộ máy để huy động nguồn lực; hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực; tổ chức các sự kiện, hoạt động để huy động nguồn lực cho Thành phố sáng tạo.
Cần đổi mới, nâng cao nhận thức, tuyên truyền về huy động nguồn lực trong phát triển Thành phố sáng tạo, trong đó, coi Thành phố sáng tạo là chủ trương lớn, xu hướng phát triển chính cho Hà Nội. Đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh, thời trang, du lịch văn hóa.
Thành lập một bộ máy quản lý, tổ chức các sự kiện nhằm phát triển công nghiệp sáng tạo ở Thủ đô và huy động nguồn lực cho Thành phố sáng tạo. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp, trong đó xây dựng cơ chế khuyến khích khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tổ chức các sự kiện, hoạt động để huy động nguồn lực cho Thành phố sáng tạo. Phát triển một số các sự kiện và không gian sáng tạo như: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Festival âm nhạc Gió mùa (Monsoon), Tuần lễ phim quốc tế Hà Nội (Haniff) hay Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (Vietnam Fashion Week) hay chương trình biểu diễn và các không gian sáng tạo để tạo dấu ấn đặc sắc của Thủ đô. Tổ chức những diễn đàn, mạng lưới sáng tạo văn hóa, mà thành viên là những người hoạt động trong ngành văn hóa nghệ thuật, kinh doanh, kỹ thuật… để họ đạt được sự hợp tác tốt nhất trong việc thực hiện mục tiêu chung vì sự phát triển công nghiệp văn hóa.

PHẠM NGỌC HÀ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-tim-thuong-hieu-cho-thanh-pho-sang-tao-10268543.html