Đi tìm tiếng nói chung vì tương lai 'lá phổi xanh'

Amazon, 'lá phổi xanh' của nhân loại, đang đứng trước điểm giới hạn bởi tình trạng tàn phá khó khắc phục. Hội nghị thượng đỉnh Amazon, lần đầu tiên được tổ chức sau 14 năm, đã trở thành sự kiện mang tính bước ngoặt với việc ra mắt liên minh mới nhằm bảo vệ hệ sinh thái Amazon trước khi quá muộn.

Diễn ra trong hai ngày 8-9/8 tại thành phố Belem của Brazil, Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon (ACTO) đặt mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế rất cần thiết trong khu vực, đồng thời ngăn chặn sự sụp đổ đang diễn ra của Amazon "đến mức không thể quay trở lại". Được thành lập vào năm 1995, ACTO bao gồm các quốc gia Nam Mỹ có chung lưu vực sông Amazon là Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela.

Các nhà lãnh đạo của 8 nước thành viên ACTO tham dự Hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh Amazon đang phải đối mặt với thực trạng 20% đến 25% diện tích rừng bị phá hủy, lượng mưa sẽ giảm đáng kể, biến hơn một nửa diện tích rừng nhiệt đới thành thảo nguyên nhiệt đới, dẫn đến mất đa dạng sinh học nghiêm trọng, theo AP. Bên cạnh đó, hội nghị cũng được tổ chức chỉ vài tháng sau khi Tổng thống nước chủ nhà Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cam kết sẽ giảm nạn phá rừng ở Amazon xuống con số 0 vào năm 2030. "Hội nghị này đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử bảo vệ Amazon và quá trình chuyển đổi xanh. Chưa bao giờ việc nối lại và mở rộng sự hợp tác đó lại khẩn cấp đến thế. Thách thức của thời đại chúng ta và những cơ hội phát sinh sẽ đòi hỏi hành động chung", ông Lula chia sẻ trước thềm thượng đỉnh.

Kỳ vọng và nỗ lực của Tổng thống Brazil bước đầu đã hái được trái ngọt. Sau 2 ngày thảo luận, các nhà lãnh đạo ACTO đã thông qua "Tuyên bố Belem", điều mà nước chủ nhà Brazil gọi là "chương trình nghị sự chung mới và đầy tham vọng" để cứu rừng Amazon - vùng đệm quan trọng chống lại biến đổi khí hậu.

"Amazon là hộ chiếu của chúng tôi cho một mối quan hệ mới với thế giới, một mối quan hệ đối xứng hơn, trong đó tài nguyên của chúng tôi không bị khai thác để mang lại lợi ích cho một số ít, mà được đánh giá cao và phục vụ tất cả mọi người", Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh, trong một nỗ lực thúc đẩy đoàn kết khu vực và nâng cao uy tín của Brazil trong vấn đề bảo vệ môi trường.

"Tuyên bố Belem", được ký kết bởi 8 nước thành viên, đã vạch ra lộ trình thúc đẩy phát triển bền vững, chấm dứt nạn phá rừng, và chống tội phạm có tổ chức trong khu vực Amazon. Theo Reuters, rất ít khu vực biên giới của Amazon được tuần tra nghiêm túc và cũng có rất ít sự hợp tác quốc tế để trấn áp các băng đảng buôn ma túy xuyên quốc gia. Các vụ bắt giữ ma túy đã gia tăng ở Colombia, Brazil, Bolivia và Peru trong thập kỷ qua, theo báo cáo do UNODC công bố hồi tháng 6. Vì thế, các nhà lãnh đạo ACTO đã nhất trí thành lập một liên minh để tăng cường hơn nữa việc bảo vệ rừng nhiệt đới và phòng, chống tội phạm.

Đáng chú ý, Tuyên bố Belem cũng lên án sự phổ biến của các rào cản thương mại mang tính bảo hộ, mà các bên ký kết cho rằng ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân nghèo ở các quốc gia đang phát triển và cản trở việc quảng bá các sản phẩm của Amazon và phát triển bền vững.

Các nhà lãnh đạo từ các quốc gia Nam Mỹ từ đó kêu gọi các nước phát triển làm nhiều hơn nữa, bao gồm hỗ trợ tài chính, để ngăn chặn sự tàn phá nhằm vào khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, một nhiệm vụ mà họ cho rằng không thể chỉ giao cho một số quốc gia khi cuộc khủng hoảng do rất nhiều quốc gia gây ra.

Tuyên bố Belem cũng khẳng định các quyền của người bản địa, đồng thời nhất trí hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước, sức khỏe, quan điểm đàm phán chung tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định hội nghị vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu mạnh mẽ nhất của các nhà môi trường và các nhóm bản địa, trong đó có yêu cầu tất cả các nước thành viên nhất trí và làm theo cam kết của Brazil chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Một cam kết rõ ràng về lộ trình chấm dứt nạn phá rừng đã không xuất hiện trong tuyên bố chung, cho thấy những khó khăn lớn hơn trong việc tạo ra một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu.

Ngoài nạn phá rừng, tuyên bố chính thức của hội nghị cũng không ấn định thời hạn chấm dứt khai thác vàng trái phép, mặc dù các nhà lãnh đạo đã đồng ý hợp tác về vấn đề này và chống tội phạm môi trường xuyên biên giới tốt hơn. Một chủ đề khác gây nhiều bất đồng giữa các nước ACTO là dầu mỏ, với lời kêu gọi của Tổng thống Colombia Gustavo Petro nhằm chấm dứt hoạt động thăm dò dầu mỏ ở Amazon và khai thác dầu mới, nhưng lại không được đề cập mạnh mẽ trong tuyên bố chung.

Amazon là ngôi nhà của hơn 3 triệu loài, chiếm khoảng 10% đa dạng sinh học của Trái Đất cùng 50 triệu người và hàng trăm tỷ cây xanh. Sự tồn tại của Amazon có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhân loại. Mặc dù Hội nghị thượng đỉnh Amazon đã hái được trái ngọt, nhưng vẫn là chưa đủ để bảo vệ khu rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới. Hậu hội nghị, giới quan sát cho rằng, Tổng thống Brazil Lula sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa tiếng nói chung với các nước láng giềng và tranh thủ ủng hộ tại các thượng đỉnh quốc tế, để những kế hoạch bảo vệ Amazon không đơn thuần là nội dung nằm trên giấy.

An Nhiên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/di-tim-tieng-noi-chung-vi-tuong-lai-la-phoi-xanh-i703306/