Đi trên dây

Khi đồng ý cầm quân Chelsea, HLV Maurizio Sarri phải chấp nhận quy luật nghiệt ngã: Không có danh hiệu là bị sa thải. Đến những nhà cầm quân danh tiếng như: Conte, Mourinho, Benitez… cũng phải ngậm ngùi rời sân Stamford Bridge thì một Sarri mới nổi liệu có khác gì?

Tròn 15 năm Chelsea thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Roman Abramovich, đội bóng này đã sa thải tổng cộng 13 nhà cầm quân. Tính trung bình, mỗi “thuyền trưởng” chỉ tại vị ở sân Stamford Bridge 1,2 năm. Điều này đã khiến Chelsea vượt mặt Real Madrid trở thành “máy chém” HLV số 1 của bóng đá châu Âu.

So với các ứng viên từng được Chelsea mời gọi như Ancelotti, Enrique, Simeone thì bản hồ sơ của HLV Sarri không mấy nổi bật. Thành tích tốt nhất mà vị chiến lược gia 59 tuổi này có được chỉ là vị trí á quân Serie A mùa giải 2017-2018 cùng Napoli. Đây cũng là giải đấu mà Napoli tạo sự cạnh tranh tay đôi khốc liệt với Juventus và suýt chút nữa phá vỡ được thế độc tôn của “bà đầm già”. Napoli cũng là mảnh đất đưa sự nghiệp của HLV Sarri lên tầm cao mới, với tỷ lệ giành chiến thắng 67% (cao nhất trong sự nghiệp cầm quân của Sarri).

Không quá nổi bật trong giới cầm quân nhưng HLV Sarri vẫn lọt vào “mắt xanh” của ông chủ Chelsea Abramovich. Có thể, tỷ phú người Nga này “khoái” tính cách mạnh mẽ, bản lĩnh của Sarri. Từng làm việc trong ngân hàng nên Sarri luôn khá cẩn thận, tỉ mỉ và luôn rạch ròi trong công việc. Xét về tính cách, điểm khởi đầu sự nghiệp thì Sarri na ná giống Mourinho. Hai vị chiến lược gia này đều không giỏi đá bóng nhưng lại am hiểu quản lý bóng đá. HLV Mourinho đi lên từ vai trò trợ lý ngôn ngữ, trong khi Sarri có điểm xuất phát làm việc trong nhà băng.

Điểm khác biệt duy nhất giữa Mourinho và Sarri đến từ phong cách cầm quân. Nếu Mourinho ưa lối chơi phòng ngự thực dụng thì Sarri lại thích phong cách kiểm soát bóng, phối hợp nhỏ. Tại Serie A mùa 2017-2018, Napoli của HLV Sarri là đội bóng kiểm soát bóng nhiều nhất, tung ra nhiều cú sút nhất và có tỷ lệ chuyền bóng thành công cao nhất. Nghe chừng phong cách cầm quân của Sarri có vẻ hơi lệch với Chelsea bởi đội bóng này nổi tiếng với lối chơi phòng ngự phản công. Tất nhiên, lối chơi dù đã đi vào bản sắc cũng có thể thay đổi để hợp với thời cuộc. Đến MU nổi danh với lối đá nhiều màu sắc, quyến rũ cũng phải hóa thành đội bóng chơi thực dụng dưới thời Mourinho. Hay một Barca với triết lý kiểm soát tiki-taka nay lại trở thành đội bóng phản công rất lợi hại dưới triều đại của HLV Valverde. Đó là lý do vì sao Chelsea đã phải chi đậm để mua về tiền vệ Jorginho-mẫu cầu thủ có kỹ thuật và khả năng tổ chức trận đấu. Và cũng không bất ngờ khi những “người thừa” dưới trướng của Conte như Fabregas, Pedro lại đang được HLV Sarri trọng dụng trong các trận giao hữu vừa qua. Sự xuất hiện của Jorginho, cùng những cầu thủ có kỹ thuật tốt như Hazard, Fabregas, Pedro sẽ giúp lối chơi của Chelsea mềm mại hơn ở mùa giải mới.

HLV Sarri là người ưa sự ổn định. Khi còn dẫn dắt Napoli, ông chỉ sử dụng một sơ đồ duy nhất (4-3-3) trong suốt mùa giải. Điều này giúp mang lại sự ổn định, an toàn cho đội bóng, nhưng trái lại nó cũng vô tình làm thui chột các tài năng trẻ. Tất nhiên, ở Chelsea sẽ là một câu chuyện khác Napoli. Với một dàn cầu thủ đẳng cấp và một số tài năng trẻ được đánh giá cao đòi hỏi HLV Sarri cần phải biết luân chuyển đội hình để giữ sức cho chặng đường dài.

Premier League 2018-2019 sẽ là một cuộc đua khốc liệt nơi Man City, Liverpool, MU hay Arsenal, Tottenham đều đặt mục tiêu vô địch. Một Chelsea của HLV Sarri đang muốn tự làm mới mình thật khó để có thể chinh phục đỉnh cao ngay trong mùa giải đầu tiên. Mùa bóng mới còn chưa chính thức bắt đầu nhưng nhiều người đã nhìn thấy công việc của HLV Sarri tại Chelsea mạo hiểm như đi trên dây vậy.

HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/di-tren-day-545312