Dì tưới xăng đốt cháu là giết người hay cố ý gây thương tích?

Để đủ cơ sở quy buộc Phượng phạm tội giết người thì vụ án này phải thuộc lỗi cố ý trực tiếp, nghĩa là phải chứng minh được Phượng mong muốn giết chết cháu ruột của mình.

Chiều 24/2, người thân của N.T.V. (6 tuổi, bé trai bị dì ruột tưới xăng đốt ở Vũng Tàu) cho biết cháu bé đã có thể uống được sữa nhưng vẫn trong phòng cách ly của Bệnh viện Nhi đồng 2 ở TP.HCM.

"Cháu chưa ăn được gì, còn mẹ cháu bị bỏng tay, chân khá đau đớn nhưng cũng đang hồi phục", anh Tuấn (bố cháu bé) nói với Zing.vn.

Theo dõi vụ án, nhiều độc giả cho rằng với những gì gây ra, hành vi của Phượng đã cấu thành cố ý giết người. Việc bé V. sống sót nằm ngoài ý muốn của người phụ nữ này.

Đốt cháu để đòi nợ

Nói về hành vi của Nguyễn Thị Ngọc Phượng (27 tuổi, dì ruột cháu bé, đang bị tạm giữ), anh Tuấn chia sẻ hiện gia đình đang tập trung chăm sóc cho mẹ con nạn nhân nên chưa kiến nghị xử lý.

Anh Tuấn bảo dù sao, Phượng cũng là em vợ, lại đang nuôi con nhỏ mới 9 tháng nên vài ngày tới, họ sẽ tham khảo ý kiến những người thân khác để đưa ra quyết định.

 Bác sĩ cho hay cháu bé bị bỏng 50%. Ảnh: Nguyễn An.

Bác sĩ cho hay cháu bé bị bỏng 50%. Ảnh: Nguyễn An.

Người đàn ông này nói gia đình không có mâu thuẫn nào khác với Phương. "Tôi hẹn dì trả trước một nửa, chiều 23/2 sẽ trả hết nhưng chưa kịp đưa tiền thì xảy ra chuyện", anh Tuấn nói và cho hay.

Một người thân khác của cháu V. nói rằng chuyện xảy ra trong gia đình khiến họ cảm thấy băn khoăn. "Có thể gia đình sẽ xin cho Phượng được nhẹ tội vì dù sao đó cũng là em út trong nhà, lại có hoàn cảnh khó khăn", người thân này chia sẻ.

Theo người nhà, Phượng nhiều lần đến nhà chị gái trên đường Lưu Chí Hiếu (TP Vũng Tàu) yêu cầu anh rể trả khoản nợ gồm cả gốc lẫn lãi là 3,9 triệu đồng.

Anh Tuấn hứa 17h ngày 23/2 đi làm về sẽ trả đủ tiền. Tuy nhiên, không đợi anh rể đến giờ đó, Phượng cầm dao và can xăng đến nhà chị gái gây áp lực. Sau khi cự cãi với chị, Phượng đổ xăng lên người bé V. rồi châm lửa đốt.

Mẹ của V. lao vào ôm con dập lửa nên cũng bị bỏng nặng. Tối cùng ngày, Công an phường 10 bàn giao Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho Công an TP Vũng Tàu để điều tra.

Cấu thành tội giết người?

Theo dõi vụ án, nhiều độc giả cho rằng với những gì gây ra, hành vi của Phượng đã cấu thành cố ý giết người. Việc cháu V. sống sót nằm ngoài ý muốn của nghi phạm.

"Không một vết thương nào như vết thương bỏng, dị hình cả đời, tội cháu bé", bạn đọc Phước Tuấn chia sẻ.

Độc giả Minh Dương bày tỏ sự phẫn nộ: "Hành động này không thể chấp nhận được. Sao người lớn lại hành động thiếu suy nghĩ như vậy. Tương lai của đứa trẻ sẽ ra sao?"

Phượng bị bắt sau khi gây án. Ảnh: Nguyễn An.

Nhìn nhận vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng Phượng đã chuẩn bị xăng là chất dẫn cháy rất nguy hiểm mang sang gây sức ép để đòi nợ bố mẹ cháu bé.

Do không gặp được người lớn, nghi phạm tưới xăng lên cháu bé và dùng bật lửa đốt. "Cháu bé là người không có lỗi trong vụ việc nhưng lại phải gánh chịu hậu quả rất thương tâm, có thể để lại di chứng sau này", luật sư Thơm phân tích.

Theo luật sư, xét hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Ngọc Phượng có tính chất côn đồ, vô cớ đổ xăng đốt cháu bé 6 tuổi đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, n Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Cháu bé may mắn thoát chết do được cấp cứu kịp thời nhưng nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt, có hình phạt cao nhất đến 20 năm tù giam, quy định tại Điều 57 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp nghi phạm bị khởi tố tội Giết người, nếu phía bị hại không yêu cầu xử lý hoặc có đơn bãi nại thì Phượng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật pháp quy định hành vi giết người không cần khởi tố theo yêu cầu bị hại.

Trong khi đó, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi của Phượng cấu thành tội Cố ý gây thương tích, theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xét hậu quả của hành vi, không chỉ bé V. bị thương tích nặng mà mẹ cháu bé cũng bị bỏng vì lao vào ôm con. Do đó, trường hợp này được xem là gây thương tích cho nhiều người.

Luật sư Hùng nhận định hành vi mang tính chất côn đồ, ý thức phạm tội đến cùng, gây thương tích cho nhiều người. Xăng là vật liệu dễ cháy, nguy hiểm, nghi phạm phạm tội đối với trẻ em...

"Với những tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi nếu trên thì nghi phạm có thể sẽ chịu hình phạt nghiêm khắc. Sau khi có kết luận giám định, căn cứ vào tỷ lệ thương tật sẽ có căn cứ định khung hình phạt", luật sư nêu.

Cần làm rõ ý thức của nghi phạm

Phân tích về vụ án, luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng vụ này có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và tội Giết người.

Để đủ cơ sở quy buộc Phượng phạm tội Giết người thì vụ án này phải thuộc lỗi cố ý trực tiếp, nghĩa là phải chứng minh được Phượng mong muốn giết chết cháu ruột của mình.

"Khi thực hiện hành vi tưới xăng lên người đứa cháu và châm lửa, Phượng biết chắc cháu sẽ chết và mong muốn hậu quả đó xảy ra, có thể là để thỏa mãn cơn tức giận.Tuy nhiên hậu quả chết người không xảy ra do mẹ của cháu bé kịp thời vào ôm cháu, dập lửa", luật sư Dũ lý giải.

Theo diễn biến vụ án, Phượng châm lửa đốt, sau khi cháu bé bốc cháy, Phượng không có hành vi dập lửa mà do mẹ cháu bé dập lửa. Điều đó cho thấy Phượng không phải chỉ hù dọa mà mong muốn xảy ra hậu quả cho cháu bé.

"Phượng có mong muốn cháu bé chết hay chỉ mong muốn cháu bé chỉ bị bỏng? Đây là yếu tố quan trọng để xác định tội danh", luật sư Dũ nói và cho biết để kết luận nghi can phạm tội gì thì cần đợi kết quả điều tra đầy đủ, thậm chí thực nghiệm nếu thấy cần thiết.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Ngọc Việt (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng cần phải làm rõ ý thức của nghi phạm để quyết định tội danh.

Về mặt chủ quan, tội Cố ý gây thương tích và tội Giết người đều giống nhau ở chỗ hành vi được thực hiện một cách cố ý, người phạm tội ý thức được tính chất nguy hiểm của hành vi, thấy trước và mong muốn hậu quả sẽ xảy ra. Hậu quả đối với tội Cố ý gây thương tích là thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe nạn nhân. Còn với tội Giết người đó là sự chết người, nếu nạn nhân may mắn thoát chết là ngoài ý muốn của người phạm tội.

Luật sư Việt phân tích nếu Phượng hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi của mình nguy hiểm và thấy trước được hậu quả cháu V. chết có thể xảy ra từ việc tưới xăng đốt và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc hậu quả đó xảy ra thì sẽ bị khép vào tội Giết người.

Còn trong trường hợp người phạm tội thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc không nghĩ tới việc hành vi của mình có thể gây ra chết người mà chỉ muốn gây thương tích cho bé V., thì nghi phạm sẽ bị khởi tố tội Cố ý gây thương tích.

"Việc xác định yếu tố này còn phụ thuộc vào hoàn cảnh khách quan khi vụ án xảy ra, bản thân tâm lý của Phượng và quá trình điều tra của cơ quan điều tra để xác định nhận thức của nghi phạm", luật sư Việt nói.

Người thân nói về vụ dì tưới xăng đốt cháu ở Vũng Tàu Gia đình anh rể nợ 3,9 triệu đồng chưa kịp trả, Phượng tưới xăng đốt cháu trai 6 tuổi. Vụ việc khiến 2 người bị bỏng nặng phải nhập viện cấp cứu.

Hoàng Lam - Hoài Thanh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/di-tuoi-xang-dot-chau-doi-mat-cao-buoc-giet-nguoi-post1051108.html