Dĩ vãng mòn theo dinh thự cổ

Buổi làm sinh viên ở phố núi, chụp hình dạo và thả trí mơ mộng ngút trời. Lữ quán Thanh Niên là nơi trú trọ, chung một ngọn đồi với cái dinh thự được dùng làm Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, nằm bên rìa mép.

Một góc phố ở khu Hòa Bình còn lại chút kiến trúc có từ thời Pháp. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Có những buổi sớm ngọn đồi tràn đầy sương. Ngôi dinh thự nằm giữa đỉnh đồi vốn đã cổ xưa càng hoang liêu hơn, chập chờn ẩn ẩn, hiện hiện. Những cây long não cổ thụ đứng đó như đang hóa đá, và những chòm rừng thông mong manh kia đủ để bịt kín đỉnh đồi.

Những ngày không sương phủ, ngôi dinh thự cũng bạc phếch bằng một thứ hơi khí nào đó của đất trời. Những mảng hoa bâng khuâng hoang dại nằm bên rìa ngôi dinh thự vào đầu mùa khô bung bông lại làm xưa cũ thêm một tầng nữa khối kiến trúc gần trăm năm đó.

Ôi em nữ sinh trường trung học Nguyễn Du ơi, không biết em có còn giữ những tấm hình ta chụp cho em vào những buổi trưa bên loài hoa mà nghe cái tên đã không thể sống sôi nổi kia chăng. Em gọi ngọn đồi đó là Dinh Tỉnh trưởng. Ta dân nhập cư, chẳng cần biết quá khứ quê người, nên ta gọi nó là đồi Bảo Tàng, đơn giản vì người ta đang dùng cái dinh thự trên đồi để làm nơi trưng bày những cổ vật của địa phương.

Từ độ em theo người, thành vợ thành mẹ, Bảo tàng Lâm Đồng cũng đã chuyển đi, đâu đó trong thành phố này. Nhưng cái dinh thự u hoài kia thì vẫn vậy, nó sừng sững, và sang cả theo thời gian.

Ta vẫn hay trở lại ngọn đồi đó, dù đã sống ở ngọn đồi, thung lũng khác. Làm sao ta có thể quên được nó chứ! Từ ngã ba Chùa em băng lên đỉnh đồi để xuống chân đồi bên kia là bến xe Tùng Nghĩa, là khu Hòa Bình, để bước về con phố Tăng Bạt Hổ cạnh đó. Đi rửa hình và đi giao hình ta vẫn lội xuống, leo lên con dốc đó. Và ta còn lên xuống ba con dốc kia nữa, là dốc Tin Lành, dốc Lữ Quán, và dốc cầu thang lát đá granit sau chợ Đà Lạt, tức là mòn cả ở chân đồi với đường Nguyễn Văn Trỗi, Bùi Thị Xuân, và Phan Bội Châu.

Con dốc nào ta cũng thương, dù nợ nần với nó, nhất là con dốc xuống chạm thẳng cái tiệm sửa xe Vespa bên vỉa hè nằm sát cầu thang sau chợ, cái chỗ mà giấc ngủ đầu tiên của ta khi rớt xuống thành phố quê em là ở đó. Đà Lạt buổi ấy, muốn đi cho tiện là phải nhằm đường tắt, mà đường tắt nào cũng là đỉnh đồi nối với chân đồi bằng những lối nhỏ quanh co, tầng bậc, và đi giao hình - cho du khách đang ở các khách sạn - là cùng lúc khám phá lối đồi, ngách phố, cung đường của Đà Lạt ấy thôi.

Chúng ta thì gặp nhau trên đỉnh đồi, ở những lối quanh dinh thự, vào những trưa em tan học. Ta nghiện cái sự một mình hơn cả yêu em. Vì thế những đêm cuối tuần ta lững thững cuốc bộ thả lối dốc xuống hướng Đông Nam để tìm đến quán cà phê nhỏ tí tên Văn chuyên mở nhạc Trịnh, hay cà phê Tùng chuyên mở nhạc Tây ở lối dốc xuống hướng Tây để tĩnh tâm thưởng thức tàn ngày. Và ta cũng khó mà quên những lúc tiền nhiều thư thái một mình sổ con dốc hướng Tây để xuống tiếp dốc Sông Lô gần trăm bậc mà xem phim cao bồi Mỹ chiếu lậu từ băng từ video ở cái rạp tư nhân bé con nằm bên mép dốc.

Dinh Tỉnh trưởng ở Đà Lạt, và một đường mòn ở đó. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Phố trung tâm của Đà Lạt là thế, không thể tách rời khỏi ngọn đồi kia. Ngọn đồi ấy là phần dương của đô thị so với phần âm là hồ Xuân Hương, như một sự kết hợp thú vị tinh ý của đất trời. Nó chung một cơ thể đất đai, cho dù tên gọi là gì, “Hòa Bình” hay là thứ vỏ ngôn ngữ nào khác.

Ở đó, buổi ấy vẫn còn là những con phố mà người Pháp kiến tạo dành cho người dân bán buôn, với trật tự xây dựng hài hòa, đồng điệu, bằng thứ kiến trúc tinh tế, và chỉ cao tối đa hai tầng. Nhà ở xây không quá ngọn thông, nép theo địa hình, và điểm nhấn cho đô thị là những ngọn núi, ngọn đồi chứ không phải những đại công trình thật cao.

Phong cách kiến trúc ấy tạo ra sự sang trọng khiêm nhường, lịch lãm giữa chan hòa, nhường nhịn thiên nhiên, bao dung thay cho khoe khoang, làm nên khác biệt, đặc trưng, “cái tôi” của một thành phố trên non cao. Ta, kẻ nhập cư, mà còn khám phá ra phần nào hồn vía phố trung tâm Đà Lạt huống chi em, nó là bổn thị, quê nhà.

Cái ngọn đồi Bảo Tàng của ta, và là đồi Dinh Tỉnh trưởng của em, là “ngọn đồi Trái Tim” của phố núi, dù dinh thự trên đó được xây tận thời Pháp thuộc, vào thập niên đầu của thế kỷ trước. Chính ngọn đồi này tự thân nó đã là điểm nhấn của đô thị, là thứ “kiến trúc tự nhiên”, chứ không phải kiến trúc công trình, bởi mảng xanh thiên nhiên được lấy làm chủ đạo. Còn cái dinh kia chỉ là phần điểm xuyết và nó được thanh bọc bởi quần thể cây thông và long não suốt gần trăm năm qua.

Đâu phải thành phố nào cũng may mắn có một ngọn đồi thiên nhiên nằm giữa lòng mình. Từ chỗ nó, nhìn thấy hồ Xuân Hương, thấy dãy Langbiang, thấy nhà thờ Domaine de Marie, ngọn Pinhatt, núi Hòn Bồ xa xa, nghĩa là mọi hướng, và nhất là nhìn ngay xuống khu Hòa Bình, trung tâm sinh hoạt đô thị của Đà Lạt. Mọi con đường ở khu vực trung tâm phố núi đều nằm dưới chân ngọn đồi của chúng ta (và của người Đà Lạt).

Thành phố này có thể cho cất thêm nhiều nhà cửa, nhưng ký ức Pháp và chiều sâu văn hóa đô thị như ngôi dinh thự này của phố núi thì không thể sinh thêm. Em cũng biết, thành phố này nổi tiếng, được người xa gần quý thích, và xưa nay ngành du lịch kiếm sống được nhờ giá trị lịch sử đi cùng khí hậu. Người Pháp buổi đó đã nhìn xa khi xem ngọn đồi này là báu vật cảnh quan, cùng với đồi Cù thấp nhấp nhô, hồ Grand Lac (hồ Xuân Hương, người Việt đặt lại tên), nên họ cực kỳ nhẹ tay, không làm tổn thương, xem là khu vực đã định hình hình thái đô thị.

Mười lăm năm qua, từ độ khu trung tâm Đà Lạt bị xô lệch, ta chẳng còn muốn ra đó nữa. Ngồi nhìn nó xót, sao chịu nổi! Ta biết lòng mình còn mong manh hơn cả phố núi bé bỏng này. Ngay cả việc cầm bút, cũng chẳng muốn viết gì về Đà Lạt nữa. Ta đau như mất một thiên đường, ngang với thuở mất em.

Những ngày qua, chắc em nghe thông tin người ta đang tính chuyện với ngọn đồi kỷ niệm của chúng mình. Người ta gọi nó là “quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình” và lô đất trên đỉnh đồi là điểm nhắm đến. Một công trình khách sạn to gấp năm lần dinh thự cổ kia sẽ thế chỗ. Chiếc áo mang tên “chỉnh trang” đã được mặc vào cho hợp lòng người, nhưng nếu hiểu đúng về mặt tính chất của từ ngữ thì chỉnh trang là làm tươm tất, khang trang ra, chứ không phải hủy hoại di sản văn hóa, và không nhắm đến khai thác đất đai để xây cất mới, phá vỡ cấu trúc, tạo ra xáo trộn trên một thực thể.

Nguyễn Hàng Tình

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286959/di-vang-mon-theo-dinh-thu-co.html