Đi vào những việc cụ thể khi xây dựng chính quyền điện tử

Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) về kết quả thực hiện nhiệm vụ 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 4 tháng cuối năm.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, trong 8 tháng đầu năm, các lĩnh vực công tác của Sở đều đạt kết quả khá toàn diện. Trong lĩnh vực quản lý báo chí xuất bản, Sở TT&TT tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu, triển khai hiệu quả chương trình phối hợp, hướng dẫn các cơ quan báo chí tuyên truyền nhiệm vụ trọng tâm của TP.

Cùng đó, Sở TT&TT đã chú trọng công tác theo dõi, giám sát thông tin trên mạng xã hội nhằm loại bỏ những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến cộng đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2018, Sở đã thẩm định và chuyển Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử đề nghị xử lý 17 tài khoản facebook, gỡ bỏ 292 video clip trên Youtube có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Nhiệm vụ xây dựng Đề án TP thông minh đang được triển khai rốt ráo. Ảnh: Hưng Nguyễn

Sở đã tiến hành rà soát, trình UBND TP ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đến nay, toàn TP có 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (trong đó có 386 dịch vụ công mức 3 và 170 dịch vụ công mức 4). Đặc biệt, Sở TT&TT đang tổ chức triển khai thử nghiệm (từ 10-8-2018) hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp của TP, kết nối các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại một số Sở, quận, huyện.

Sở TT&TT đang tích cực xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử TP Hà Nội và Đề án xây dựng TP thông minh để trình UBND TP ban hành trong năm 2018.

Trong lĩnh vực CNTT, Hà Nội hiện có 4 Khu CNTT tập trung, trong đó có Khu CNTT tập trung Cầu Giấy hiện đã được công nhận và đi vào hoạt động. Ngành công nghiệp CNTT của TP có tốc độ phát triển nhanh, giá trị xuất khẩu lớn. Theo số liệu mức độ sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông năm 2018 (ICT index 2018), chỉ số công nghiệp CNTT của TP Hà Nội năm 2018 đứng thứ nhất với doanh thu CNTT năm 2017 đạt gần 181 nghìn tỷ đồng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, GĐ Sở TT&TT cũng thẳng thắn chỉ ra một số điểm còn tồn tại, hạn chế như công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn còn một số trường hợp cung cấp thông tin chưa kịp thời; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Sở TT&TT kiến nghị TP chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp, triển khai có hiệu quả Chương trình ứng dụng, phát triển CNTT gắn với Chương trình tổng thể CCHC và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh, phát triển kinh tế tri thức; có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của TP.

Về ứng dụng CNTT, đây là thách thức, cũng là cơ hội của TP, Sở cần tập trung nâng cao số lượng, chất lượng triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Lãnh đạo Sở phải xuống kiểm tra tận cơ sở, tận các hộ dân để đánh giá mức độ sử dụng các dịch vụ công đã đầu tư như thế nào, từ đó có giải pháp phát huy hiệu quả hạ tầng CNTT đã đầu tư.

Phải nâng chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, không chỉ cán bộ, công chức mà từ chính người dân cũng phải sẵn sàng ứng dụng CNTT, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/di-vao-nhung-viec-cu-the-khi-xay-dung-chinh-quyen-dien-tu-122656.html