Đi về phía mặt trời... (Kỳ cuối: Chuyện những người 'dẫn lối'...)

Có thể nói, trong cuộc chiến chống lại bọn FULRO phản động núp bóng 'đạo Hà Mòn' ở Tây Nguyên, ngoài sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Công an, chính quyền và lãnh đạo công an các địa phương, một lực lượng hết sức quan trọng khác luôn âm thầm góp chiến công, đó là các trinh sát an ninh, trong đó có lực lượng an ninh CAH Mang Yang.

Có thể nói, trong cuộc chiến chống lại bọn FULRO phản động núp bóng "đạo Hà Mòn" ở Tây Nguyên, ngoài sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Công an, chính quyền và lãnh đạo công an các địa phương, một lực lượng hết sức quan trọng khác luôn âm thầm góp chiến công, đó là các trinh sát an ninh, trong đó có lực lượng an ninh CAH Mang Yang.

Các chiến sĩ an ninh tại các tổ công tác địa bàn giao lưu bóng chuyền với bà con dân bản.

Các chiến sĩ an ninh tại các tổ công tác địa bàn giao lưu bóng chuyền với bà con dân bản.

Trở lại làng Kret Krót, chúng tôi được gặp những trinh sát an ninh đang ngày đêm "3 bám, 4 cùng" với đồng bào Ba Na nơi đây. Với họ, ngôi làng là nhà, đồng bào là anh em ruột thịt. Và qua những gì tai nghe mắt thấy, chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng, các trinh sát an ninh CAH Mang Yang chính là những người "dẫn lối", đưa đồng bào một thời sống trong bóng tối của "tà đạo" trở lại con đường sáng, "đi về phía mặt trời". Đem sức trẻ cống hiến, hy sinh hạnh phúc riêng tư trong cuộc đấu tranh không kém phần cam go này, những người lính an ninh đã được bà con ở buôn làng Tây Nguyên đùm bọc, che chở, coi như những đứa con yêu thương của mình.

Trung tá Trần Quang Thống cho biết: sau khi tà đạo Hà Mòn trên địa bàn huyện cơ bản được xóa bỏ, CAH đã tổ chức thành lập các tổ công tác, phân công CBCS bám sát các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là địa bàn từng là điểm nóng như Kret Krót, Kdung 1 (xã H'Ra) - nơi đa phần trình độ nhận thức của người dân còn thấp, kinh tế còn khó khăn. Với phương châm "3 bám, 4 cùng", các CBCS an ninh cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng học tiếng với bà con; bám địa bàn, bám đối tượng và bám vào người dân trong giải quyết các công việc liên quan. Đặc biệt là tuyên truyền cho bà con nhận thức được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, trong đó có tổ chức phản động FULRO để họ thấy được vấn đề và không mắc mưu kẻ xấu". So với những chuyến truy quét trong rừng, nhiệm vụ này của các CBCS cũng không kém phần khó khăn, bởi để thay đổi được "niềm tin" của những người từng đi theo "tà đạo Hà Mòn" không phải là chuyện một sớm một chiều, mà đòi hỏi cả một quá trình vừa kết hợp tuyên truyền vận động chung, vừa tuyên truyền, vận động cá biệt với sự kiên trì, tận tâm, khéo léo. Điều này được minh chứng rất rõ qua câu chuyện của Trung úy Lê Huy Cương - cán bộ Đội An ninh, Tổ trưởng tổ công tác đóng tại làng Kdung 1. Cương về với bà con dân bản, cùng sống, cùng lao động, cùng học ngôn ngữ đồng bào, như người con của bản. Kỷ niệm nhớ nhất với Cương là giữa năm 2014, anh được đơn vị giao nhiệm vụ vận động gia đình anh Kuy (làng Kdung 1). Tất cả thành viên trong gia đình này đều theo "tà đạo Hà Mòn", trong đó, đứa con trai lớn là Xui đang lẩn trốn trong rừng. Khi Cương đến nhà vận động, ban đầu, vợ chồng Kuy lảng tránh. Không nản lòng, ngày ngày Cương vẫn đến nhà Kuy trò chuyện, hỏi han. "Muốn cảm hóa được họ thì ngoài sự kiên trì, nhẫn nại, mình còn phải thật lòng, phải coi mình như một người trong gia đình họ", Trung úy Cương đúc rút kinh nghiệm. Những ngày gia đình đi làm nương, gặt lúa, Cương đều xin đi làm cùng. Khi con cái Kuy ốm đau, Cương mua thuốc về cho các cháu uống... Như mưa dầm thấm lâu, sau 3 tháng kiên trì, cái tình của Cương cuối cùng cũng cảm hóa được vợ chồng anh Kuy, giúp họ nhận ra sự lầm đường lạc lối của mình khi đi theo "tà đạo Hà Mòn". Ngoài việc quyết tâm từ bỏ "tà đạo Hà Mòn", anh Kuy còn hăng hái vào rừng vận động con mình trở về trình diện.

Trung úy Thành cùng ông Ger uống rượu trong buổi lễ nhận làm con nuôi.

Nói về công tác vận động, cảm hóa người dân từ bỏ "tà đạo Hà Mòn" của CBCS an ninh CAH, không thể không nhắc đến Trung úy Bùi Quang Thành (nay đã chuyển công tác về CA tỉnh Gia Lai). Theo lời kể của anh em trong Tổ công tác, cuối năm 2012, Trung úy Thành được giao nhiệm vụ cảm hóa, giáo dục ông Ger ở làng Bchăk (xã H'Ra). Đây là người từng làm giáo phu Công giáo và rất có uy tín với dân làng nhưng sau đó đi theo "tà đạo Hà Mòn", lẩn trốn vào rừng hoạt động rồi bị lực lượng CA bắt trong một đợt truy quét. Sau đúng 1 tháng ăn, ở, làm việc với gia đình ông Ger, sự chân thành cùng với những phân tích thuyết phục của Trung úy Thành khiến ông Ger hiểu ra vấn đề, quyết tâm từ bỏ tà đạo. Sau đó, ông Ger còn nhận Trung úy Thành làm con nuôi...

Đoàn công tác của Tổng cục An ninh thăm, tặng quà và giao lưu cùng các em học sinh tại xã H'Ra.

Người dân làng Kret Krót đã trở lại nhịp sống bình yên vốn có. Thật khó hình dung nơi đây từng là một "điểm nóng" về an ninh chính trị. Thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của các trinh sát an ninh đang ngày đêm bám bản. Ban ngày, họ lên rẫy giúp đồng bào lao động hoặc đến thăm nhà đối tượng lầm lỡ đã được trở về với cộng đồng. Buổi tối, cùng những người có uy tín trong làng, họ đến thăm hỏi, vận động thân nhân đối tượng còn lẩn trốn trong rừng ra trình diện. Ban đầu, thấy bóng dáng của công an, người dân ở đây vẫn lạnh nhạt quay lưng. Thế nhưng, với sự kiên trì, nhẫn nại của họ, người dân từ ngại ngùng, chiếu lệ nay đã cởi mở, thân thiết hơn với cán bộ công an. Năm 2013, Tổ công tác CAH do Thượng úy Nguyễn Văn Mão, Tổ trưởng về đóng tại làng Kret Krót. Nơi ở của 9 CBCS trong Tổ công tác được mượn của người dân là ngôi nhà trước đây là nơi tập trung sinh hoạt, tụ điểm truyền đạo của "tà đạo Hà Mòn". "Ngày xưa, khi nhìn thấy anh em xuống làng, nhiều người dân còn tìm cách lảng tránh. Nhưng bây giờ, nhiều người trong số họ khi gặp anh em đã bày tỏ sự cảm ơn vì giúp họ nhận ra sai lầm. Họ còn nhiệt tình mời anh em vào nhà chơi hay tặng lon gạo nếp, mớ rau, quả bí...", Thượng úy Mão cho biết.

Theo Trung tá Trần Quang Thống, dù hầu hết người dân theo "tà đạo Hà Mòn" trên địa bàn H. Mang Yang đã tuyên bố từ bỏ nhưng hiện nay, vẫn còn 13 đối tượng đang lén lút hoạt động trong rừng. Vì vậy, vẫn rất cần những người con nặng nghĩa với làng đến gắn bó, sẻ chia và giúp đỡ bà con, đưa những người lạc lối trở về, để hàn gắn những vết thương sau ngày cơn bão "tà đạo Hà Mòn" đi qua.

NHÓM P.V XÃ HỘI

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_190473_di-ve-phi-a-ma-t-tro-i-ky-cuo-i-chuye-n-nhu-ng-nguo-i-da-n-lo-i-.aspx