Đi xe đạp trên cao tốc – Đánh đu tính mạng với tử thần

Tình trạng người đi xe đạp thành từng đoàn, 'hồn nhiên' lưu thông vào đường cao tốc để tập thể dục đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều tài xế. Không chỉ gây nguy hiểm cho các phương tiện ô tô di chuyển với tốc độ cao, mà những vi phạm như thế này còn thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của bản thân. Điều đáng nói là những vi phạm như thế này xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến cao tốc...

Tuyến đường Võ Nguyên Giáp, hướng đi sân bay Nội Bài, mặc dù tuyến đường này đã phân chia rõ ràng các làn đường dành riêng cho xe ô tô và xe thô sơ.

Làn dành riêng cho xe ô tô di chuyển với tốc độ cao là 80 – 90km/h, ngay bên cạnh là làn dành cho xe thô sơ, xe mô tô, xe gắn máy di chuyển với tốc độ thấp hơn.

Đa phần người dân chấp hành quy định này nghiêm túc vì bản thân họ cũng ý thức được mức độ nguy hiểm khi di chuyển cùng các phương tiện cỡ lớn, tốc độ cao. Thế nhưng cũng có một số bộ phận không nhỏ người dân bất chấp quy định, bất chấp tính mạng của bản thân di chuyển vào làn dành riêng cho ô tô.

Chỉ trong 1 giờ đồng hồ, tổ công tác của Đội CSGT số 15, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã xử lý hàng chục trường hợp đi xe đạp vào đường cấm. Đó là những đoàn xe đạp đi tập thể dục vào sáng sớm. Cả đoàn xe cùng bất chấp “sánh vai” với những phương tiện cỡ lớn, lao vun vút với tốc độ gần 100km/h. Những người này còn trải luôn thảm tập Yoga ở làn đường khẩn cấp.

Hình ảnh đoàn xe đạp đi vào đường Võ Nguyên Giáp

Khi được hỏi lý do, một người vi phạm cho biết vì mát trời, thấy đường vắng đến “vô tư” đi vào. “Hôm nay đi sớm, mát trời, đường vắng nên là đi vào. Chúng tôi không có ý định đạp dài, chỉ đạp ngắn thôi. Tranh thủ đi mượn mấy con dốc để tập. Đây là đường dành riêng cho xe ô tô, đường cao tốc, chúng tôi hiểu cái đó. Nếu chúng tôi đi ra làn ô tô thì nguy hiểm thật nhưng đây chúng tôi bám sát lề bên phải tôi đi, mà lại tốc độ chậm nữa, thì tôi nghĩ là chả bao giờ ô tô họ chạy sát vào làn bên này cả”, người vi phạm này cho hay.

Bên cạnh đó, một số người vi phạm khi có tín hiệu của lực lượng chức năng “tuýt còi” thì giảm tốc dừng xe, nhưng một số khác thì chống đối.

Chia sẻ với phóng viên về những khó khăn gặp phải khi xử lý đối với những người đi xe đạp vào đường cấm, Đại úy Nguyễn Văn Hải - Đội CSGT số 15, cho biết: “Dù tuyến đường Võ Nguyên Giáp có biển báo cấm đầy đủ nhưng một số người dân vẫn cố tình đi vào, từ 5h30 đến 7h, đoàn xe tập trung thành 3,4 xe mục đích là người ta đi vào để tập thể dục, khi phát hiện thấy lực lượng chức năng họ dừng xe và không chấp hành quay đầu xe, gây ảnh hưởng đến những phương tiện tham gia giao thông khác trên đường. Hành vi này rất phản cảm. Đội CSGT số 15 đã bố trí lực lượng thường xuyên đứng hướng dẫn và xử lý các phương tiện từ xa, đảm bảo an toàn cho tất cả các phương tiện”.

Còn về phía các chuyên gia giao thông thì ví đây như một hành vi tự sát. Thế nhưng, hành vi "tự sát" này theo nghị định 100, chỉ bị phạt tiền từ 200-300 nghìn đồng, vì đây được coi hành vi điều khiển xe đạp đi vào đường cấm. Và với mức xử phạt này có lẽ chưa đủ sức răn đe, khiến cho tình trạng này ngày càng phổ biến.

Đoàn xe đạp đi vào đường cao tốc

“Thực sự tôi rất là kinh ngạc trước hành vi nguy hiểm, nếu như không muốn nói là tự sát của những người đi xe đạp như vậy. Họ đang tìm cách duy trì sức khỏe bằng cách đâm đầu tự sát. Tôi kịch liệt phản đối hành vi này. Tôi khuyên người dân khi đi xe đạp chỉ nên đi đường thông thường, tuyệt đối không đi lên cao tốc. Trên một số tuyến cao tốc không có kiểm soát đầu ra. Đặc biệt là lực lượng quản lý đường cao tốc thì không có quyền xử phạt, nên rất cần sự tuần tra kiểm soát liên tục dọc tuyến của lực lượng CSGT. Ngay khi phát hiện trường hợp vi phạm thì cần tịch thu phương tiện và phạt nặng để tạo tính răn đe”, TS Phan Lê Bình – Chuyên gia giao thông chia sẻ quan điểm.

Rõ ràng khi các phương tiện cỡ nhỏ, tốc độ thấp lưu thông trộn dòng cùng các phương tiện cỡ lớn, tốc độ cao là rất nguy hiểm, nhưng nhiều người vẫn đang đánh đu tính mạng mình với tử thần vì sở thích cá nhân…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/di-xe-dap-tren-cao-toc-danh-du-tinh-mang-voi-tu-than-post550380.antd