Địa chấn Montenegro: Putin nhẹ nhàng phá 'Kế hoạch NATO Đông tiến'

Nga sử dụng các công cụ quyền lực mềm để thu phục trái tim và khối óc của người dân Balkan - Putin đang chơi trò chơi dài hơi và đang chiến thắng...

Đảng cầm quyền tại Montenegro mất quyền thành lập chính phủ sau gần ba thập kỷ

Ngày 1/9, các nhà lãnh đạo ba khối đối lập chính - lực lượng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Montenegro - đã có tuyên bố chưng đầu tiên về quan điểm của chính phủ "kỹ trị" mà họ sẽ thành lập trong thời gian tới, theo Balkan Insight.

Lãnh đạo liên minh Vì tương lai Montenegro, Zdravko Krivokapic,lãnh đạo liên minh Sắc tộc Dritan Abazovic và lãnh đạo liên minh Hòa bình là đất nước chúng ta Aleksa Becic cho hay chính phủ mới sẽ thực hiện mọi cam kết quốc tế của Montenegro.

Và “một chính phủ dân chủ được thành lập với thành phần nhân sự sẽ là chuyên gia trong các lĩnh vực cụ thể, bất kể quan điểm chính trị, tôn giáo, thành phần hay bất kỳ đặc điểm nào khác”, tuyên bố chung đầu tiên của ba nhà lãnh đạo nhấn mạnh.

Theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia Montenegro, các đảng đối lập đã giành được 41/81 ghế tại Quốc hội - một đa số mong manh. Trong khi đó Đảng Xã hội Dân chủ của Tổng thống Montenegro Milo Djukanovic 30/81 ghế.

Những người ủng hộ phe đối lập Montenegro mừng chiến thắng

Những người ủng hộ phe đối lập Montenegro mừng chiến thắng

Nếu có được sự ủng hộ của các đồng minh nhỏ truyền thống, đảng trị đương quyền Montenegro có thể giành được 40/81 ghế - vẫn không đủ đa số để giúp họ có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực sau gần ba thập kỷ chi phối chính trường nước này.

Các nhà lãnh đạo đối lập, các cơ quan giám sát dân chủ và nhân quyền từ lâu đã cáo buộc Tổng thống Djukanovic và đảng của ông điều hành Montenegro trong ba thập kỷ như một thái ấp tham nhũng và có liên quan đến tội phạm có tổ chức

Điều đó được chứng minh qua việc Tổ chức nhân quyền Mỹ, Freedom House, đã hạ cấp Montenegro từ một nền dân chủ xuống một "chế độ hỗn hợp và quá độ" vào hồi đầu năm nay. Và đó được xem là động lực cho cử tri đi bầu để hy vọng sự thay đổi.

Ngược lại, lực lượng chính trị đương quyền và Tổng thống Djukanovic cáo buộc phe đối lập cấu kết với Nga và Serbia, đang tìm cách phá hoại nền độc lập của đất nước Montenegro nhỏ bé và xinh đẹp.

Ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử ngày 30/8, Tổng thống Djukanovic đã cho biết có một âm mưu ngăn cản Đảng Dân chủ Xã hội đương quyền giành được một nhiệm kỳ nữa để tiếp tục chi phối chính trường Montenegro.

“Một cuộc chiến tranh chính trị và truyền thông đang được tiến hành nhằm chống lại tổng thống và Đảng Dân chủ Xã hội bởi những người muốn đặt Montenegro dưới sự che chở của Belgrade và Moscow”, AP tường thuật.

Vốn là đồng minh của cố Tổng thống Serbia Slobodan Milošević, nhưng sau đó ông Djukanovic đã thay đổi lý tưởng, dẫn dắt Montenegro giành độc lập vào năm 2006. Ông thúc đẩy Montenegro gia nhập NATO và đang đàm phán gia nhập EU.

Tuy nhiên, đất nước Montenegro trong suốt ba thập kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ Xã hội đã có sự phân cực mạnh mẽ và ngày càng chia rẽ sâu sắc, dù dân số của tiểu quốc này chỉ hơn 620.000 người.

Năm 2006, chỉ có 55,5% người dân bỏ phiếu ủng hộ độc lập với Serbia, còn việc gia nhập EU thì ngày càng có sự thay đổi mạnh. Năm 2018, có 67% người dân ủng hộ Montenegro gia nhập liên minh kinh tế hùng mạnh này, nay con số chỉ là 54%.

Và đây được cho là nguyên nhân chính khiến lực lượng chính trị đương quyền và các "quan thầy" của họ không tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Montenegro gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Giảng viên Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins của Mỹ, Sinisa Vukovic, cho hay kết quả cuộc bầu cử là thông điệp gửi tới Mỹ-phương Tây về sự thay đổi ở Montenegro sau gần 30 năm nhưng không theo ý muốn của họ.

Tổng thống Milo Djukanovic và đảng cầm quyền đã nhận thất bại đầu tiên sau gần 3 thập kỷ

Cơn địa chấn tại Montenegro: Putin nhẹ nhàng phá 'Kế hoạch Đông tiến' của NATO

Reuters bình luận rằng: "Một chính phủ của phe đối lập có thể đưa Montenegro đến gần Serbia và Nga hơn, dù nó không được cho là sẽ dẫn nước này rời khỏi NATO hoặc từ bỏ chiến lược gia nhập EU".

Việc Montenegro được điều hành bởi lực lượng chính trị đóng vai trò đối lập gần ba mươi năm qua không đưa nước này rời khỏi NATO hay dừng việc gia nhập EU thì chưa thể khẳng định, nhưng "yếu tố Nga" sẽ ảnh hưởng lớn hơn là có thể khẳng định.

Vì bất kỳ chính phủ nào điều hành đất nước Montenegro trong tương lai đều phải giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế bắt đầu vào năm 2019 và ngày càng trầm trọng hơn bởi đại dịch Covid-19, làm giảm doanh thu du lịch-động lực chính của nền kinh tế.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế Montenegro có mức tăng trưởng âm gần - 9% trong năm nay và chỉ có thể phục hồi vào năm 2021, nếu chính phủ có thể tìm được những cứu cánh cứu cho nền kinh tế.

Theo nhận định của Euronews thì cứu cánh giúp cho nền kinh tế Montenegro chính là Nga, chứ không phải các đồng minh lớn của Montenegro hai bên bờ Đại Tây Dương và cứu cánh đó thể hiện ra Nga sẽ cứu vãn ngành du lịch của Montenegro.

Các bãi biển dọc theo bờ biển Adriatic của Montenegro, thường chật kín khách du lịch vào tháng 8 hàng năm, nhưng hiện nay hầu như vắng tanh. Điều đó cho thấy nền kinh tế đất nước nhỏ bé này đang tồi tệ như thế nào.

Doanh thu từ mùa du lịch hè dự kiến sẽ giảm khoảng 90% so với năm 2019, vì hiện tại doanh thu toàn ngành này mới đạt khoảng 12% so với cùng ngày năm ngoái. Mà ngành du lịch đóng góp tới hơn 20% cho nền kinh tế của Montenegro.

“Để cứu vãn mùa một du lịch, Montenegro tuần trước đã mở cửa biên giới cho người Nga, lượng du khách thường chiếm hơn 1/3 trong số 2,6 triệu du khách đến thăm Montenegro hàng năm - khoảng gần 1 triệu người", theo Reuters.

Như vậy, riêng nguồn thu từ khách du lịch Nga đã đóng góp trên dưới 7% cho nền kinh tế Montenegro, dù từ năm 2016, Podgorica đã làm cho quan hệ với Moscow xấu đi khi thúc đẩy Montenegro gia nhập NATO.

Người đứng đầu Cơ quan Quản lý Du lịch Montenegro Zeljka Radak Kukavicic đã cho biết "Sự xuất hiện của người Nga đã mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng tôi. Tôi tin rằng người Nga trở lại sẽ giúp chúng tôi khắc phục thiệt của các tháng trước".

Ngoài du lịch, Nga còn đóng góp vào kinh tế Montenegro trong các lĩnh vực xương sống khác, khi người Nga vẫn sở hữu khoảng 1/3 tổng số công ty nước ngoài và bất động sản ở tiểu quốc này.

Kế hoạch đông tiến của NATO có thể bị chặn đứng bởi Putin

Reuters bình luận : “Đối với Nga, Montenegro là nền tảng mềm của châu Âu. Vì vậy, muốn làm suy yếu hay làm mọi thứ phức tạp hơn đối với châu Âu, Nga chỉ cần đánh vào phần mềm. Để tránh sự rung chuyển ở Balkan, cần phải cạnh tranh với Nga...

Trong thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã tìm cách thu phục trái tim và khối óc của những người đứng sau Bức màn sắt, nay Nga sử dụng quyền lực mềm ở Balkan, nhẹ nhàng kéo các quốc gia như Montenegro ra khỏi châu Âu để đưa vào quỹ đạo của mình".

Theo hãng tin nổi tiếng của Anh, Washington-Brussels đã sai lầm khi quá nóng vội muốn gạt Moscow khỏi Balkan, mà việc vội vã đón nhận Montenegro vào ngôi nhà chung NATO không thông qua trưng cầu dân ý là một sai lầm khủng khiếp.

Bởi với hậu quả từ việc Washington-Brussels-Podgorica "đốt cháy giai đoạn", Tổng thống Putin có thể dễ dàng cho Washington-Brussels nhận đòn hồi mã thương, còn Podgorica phải "ăn quả đắng".

“Nga đang sử dụng phương tiện truyền thông, lịch sử và những câu chuyện tự - tất cả đều là công cụ quyền lực mềm - để thu phục trái tim và khối óc của người Balkan. Putin đang chơi một trò chơi dài hơi và ông đang chiến thắng", Reuters kết luận.

Thất bại đảng cầm quyền Montenegro sau 4 năm nước này gia nhập NATO ở trong bối cảnh lực lượng đương quyền Bắc Macedonia cũng phải ăn quả đắng vì không đủ ghế để tự thành lập chính phủ sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên "thời NATO".

Rõ ràng, địa chấn tại Montenegro hay dư chấn tại Bắc Macedonia là cảnh báo với NATO về "Kế hoạch Đông tiến", khi hiệu ứng từ các nước cờ của Vladimir Putin đã khiến cho gió Tây xoay chiều, gây nhiễm độc cho chính "những người nổi gió".

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/dia-chan-montenegro-putin-nhe-nhang-pha-ke-hoach-nato-dong-tien-3418304/