'Địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cho học sinh

Bảo tàng Quân khu 2 từ lâu đã trở thành 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống lịch sử cho quân và dân trên địa bàn Quân khu, nhất là học sinh các trường học của tỉnh Phú Thọ.

Hướng dẫn viên Bảo tàng giới thiệu về chiếc xe thồ của dân công Ma Văn Thắng sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Chiến thắng Điện Biên Phủ được trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng như: Lưỡi lê của du kích Sông Thao (Phú Thọ) sử dụng trong chiến đấu, tổ hợp điện thoại của bộ đội sử dụng đảm bảo thông tin liên lạc, súng trung liên trên vai anh Bế Văn Đàn, vỏ đạn DKZ-75, Huân chương Quân công hạng Ba của Chủ tịch nước tặng anh Bế Văn Đàn, Huân chương Quân công hạng Ba của Chủ tịch nước tặng bà Nguyễn Thị Nhạ ở xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao), Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ của đồng chí Hà Hưng Long, chiếc nồi đồng của ông Cao Văn Quỳ ở Cao Xá (huyện Lâm Thao) dùng để nấu ăn cho dân công; đặc biệt là chiếc xe thồ của dân công Ma Văn Thắng (huyện Thanh Ba) và sa bàn điện tử giới thiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ, tái hiện hào hùng chiến công của quân và dân ta làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.Song song với nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng vũ trang Quân khu 2 trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, Bảo tàng Quân khu 2 còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trên địa bàn chín tỉnh thuộc Quân khu 2.

Theo thống kê của Bảo tàng Quân khu 2, trung bình mỗi năm, Bảo tàng Quân khu đón khoảng 10.000 lượt người đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Bảo tàng Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với các nhà trường, các cơ sở giáo dục - đào tạo trong và ngoài Quân đội, các công ty du lịch lữ hành trên địa bàn duy trì hiệu quả chương trình phối hợp “Hành trình đến với Bảo tàng”, trở thành địa chỉ tin cậy để học sinh, sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu, học tập theo các chuyên đề khoa học lịch sử, văn hóa quân sự, nghệ thuật quân sự... Năm 2023 có gần 10 nghìn lượt người đến tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu và học tập, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên các trường: THPT Chuyên Hùng Vương, Cao đẳng Nghề Phú Thọ, Tiểu học Tiên Kiên (Lâm Thao), Chu Hóa, Sông Lô, Mầm non SOS, Hoa Hồng (Việt Trì)...

Trung tá, quân nhân chuyên nghiệp Phạm Thị Kim Thúy - người đã có 27 năm làm việc tại Bảo tàng Quân khu 2 chia sẻ: Bảo tàng hiện bảo quản hơn 12 nghìn tư liệu, hình ảnh, hiện vật và trưng bày hơn 2.000 tư liệu, hình ảnh, hiện vật trong không gian của Bảo tàng, trong đó có hơn 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thông qua đó giúp mọi người, nhất là các em học sinh, sinh viên thêm hiểu, thêm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Bảo tàng Quân khu 2 xây dựng kế hoạch trưng bày, triển lãm lưu động tại các đơn vị chủ lực trên địa bàn Quân khu và tại Bảo tàng với chủ đề “70 năm âm vang Điện Biên” dự kiến từ giữa tháng 4 đến hết ngày 7/5. Thông qua những hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng giúp các em học sinh, sinh viên hiểu thêm về giá trị của độc lập, tự do hôm nay, lấy đó làm động lực để học tập, rèn luyện. Đây cũng là một “kênh” hữu ích bổ trợ kiến thức về môn lịch sử cho các em nhằm giáo dục truyền thống, bồi đắp lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ.

Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoa/dia-chi-do-giao-duc-truyen-thong-cho-hoc-sinh/208359.htm