'Địa chỉ đỏ' về giáo dục truyền thống của BĐBP

Bảo tàng Biên phòng vừa được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đầu tư xây dựng cơ sở mới với diện tích trưng bày hơn 2.000m2 tại số 2 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bộ Tư lệnh BĐBP giao cho Bảo tàng Biên phòng thực hiện nhiều công trình quan trọng trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP và 30 năm 'Ngày Biên phòng toàn dân'. Với hơn 12.000 tư liệu, hiện vật được trưng bày theo tiến trình lịch sử, mang tính nghệ thuật, hiện đại, Bảo tàng Biên phòng đã thực sự trở thành 'địa chỉ đỏ' về giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa của BĐBP.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP kiểm tra công tác trưng bày trong dịp triển lãm chào mừng kỷ niệm 58 năm Ngày Truyền thống Cục Chính trị và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2017. Ảnh: CTV

Theo Kế hoạch số 1525/KH-CCT ngày 20-9-2017 do Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP phê duyệt, Bảo tàng Biên phòng được giao 4 nhiệm vụ quan trọng: Nghiên cứu, sưu tầm hiện vật, nâng cấp trưng bày Bảo tàng Biên phòng; tổ chức triển lãm: “60 năm công tác bảo vệ biên giới và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân”; nâng cấp, cải tạo, trưng bày Khu di tích truyền thống An ninh vũ trang miền Nam tại Tây Ninh và phối hợp với Nhà Văn hóa - Bộ Tư lệnh BĐBP xây dựng tượng đài “Chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang bảo vệ giới tuyến”.

Ngoài ra, đơn vị còn triển khai các cuộc triển lãm chuyên đề phục vụ cho công tác giao lưu chính trị Biên phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc, đại hội Công đoàn BĐBP, tại các địa phương và Bộ Tư lệnh BĐBP, hướng dẫn về nghiệp vụ giúp các đơn vị xây dựng phòng truyền thống... Đây chính là niềm vinh dự, tự hào nhưng nặng nề đối với cán bộ, nhân viên Bảo tàng Biên phòng.

Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Cục Chính trị BĐBP, Ban Giám đốc Bảo tàng Biên phòng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng đề cương sơ bộ, đề cương chi tiết trưng bày Bảo tàng Biên phòng Việt Nam với quan điểm tái trưng bày nhưng đổi mới, hiện đại phù hợp với xu thế hoạt động xã hội hóa bảo tàng và nhiệm vụ của BĐBP trong tình hình mới.

Bắt đầu từ tháng 9-2017, Bảo tàng Biên phòng đã triển khai xây dựng đề cương và phối hợp với Công ty Mỹ thuật Lam Kinh tư vấn thiết kế, báo cáo trình chiếu nội dung, thiết kế, bố cục trưng bày sau nhiều lần đóng góp ý kiến của các lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Tham mưu và các cục, cán bộ lão thành...

Đề cương trưng bày chi tiết Bảo tàng Biên phòng đã được Chính ủy BĐBP phê duyệt, gồm 2 khu trưng bày ngoài trời là hệ thống nhóm tượng và các loại mốc quốc giới; khu trưng bày trong nhà gồm 1 khánh tiết và 11 chủ đề (trưng bày cũ gồm 1 khánh tiết và 15 chủ đề) theo tiến trình lịch sử và cập nhật nhiệm vụ của BĐBP trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Nội dung trưng bày mới có những đề mục được thu gọn, có chủ đề được mở rộng và bổ sung thêm tư liệu, hiện vật phong phú hơn; giới thiệu quá trình xây dựng, bảo vệ biên giới của ông cha ta và chiến công mới trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh chống các loại tội phạm; các mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới, biển đảo của BĐBP hiện nay; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...

Thời gian này, Bảo tàng Biên phòng đang tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong khi quân số có hạn, chỉ có 6 cán bộ, nhân viên, 83% là nữ... nhưng với quyết tâm cao, cán bộ, nhân viên đơn vị đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai nhiệm vụ không bị chồng chéo, phối hợp với các bộ phận, các cơ quan liên quan để giải quyết tốt công việc được giao.

Đến nay, việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị đã đạt được kế hoạch đề ra, hoàn thành việc phối hợp với Nhà Văn hóa - Bộ Tư lệnh BĐBP xây dựng tượng đài “Chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang bảo vệ giới tuyến”; công trình nâng cấp cải tạo và trưng bày Khu di tích An ninh vũ trang miền Nam; trưng bày mới hệ thống bảo tàng.

Với 12.000 tư liệu, hiện vật gốc phản ánh rõ nét tính khoa học Biên phòng và lịch sử truyền thống đánh giặc bảo vệ biên giới của cha ông và thành tích của BĐBP ngày nay trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia... Bảo tàng Biên phòng đã xây dựng kế hoạch hoạt động cho những năm tới.

Cụ thể là tham mưu cho Cục Chính trị BĐBP và trực tiếp phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Quân đội tổ chức trưng bày, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chuyên đề về công tác biên phòng tại các cơ quan và địa phương; phối hợp với các đơn vị, nhà trường trong và ngoài Quân đội, xây dựng kế hoạch tham quan, tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng Biên phòng. Đồng thời, có các hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Biên phòng để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ về công tác biên phòng, qua đó nâng cao nhận thức gắn với trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện tốt “Ngày Biên phòng toàn dân”, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia...

Để thực hiện nhiệm vụ trên và xây dựng Bảo tàng Biên phòng là một “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa của BĐBP cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tàng chuyên nghiệp, nhiệt huyết với nghề. Bên cạnh đó, cần sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn và sự đầu tư của cấp trên về tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, đào tạo cán bộ chuyên ngành về bảo tàng cho các lớp thế hệ sau, đảm bảo kinh phí cho việc bảo quản các tư liệu, hiện vật và hoạt động thường xuyên của Bảo tàng Biên phòng.n

Thượng tá Nguyễn Trọng Phương, Giám đốc Bảo tàng Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dia-chi-do-ve-giao-duc-truyen-thong-cua-bdbp/