Địa chỉ tại nhà tin cậy: Mùng 1 Tết cũng có nạn nhân bạo lực gia đình tìm tới

Năm 2015, bảng hiệu 'Địa chỉ tin cậy hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình' được lựa chọn đặt tại hộ gia đình chị Đào Thị Kim Phượng ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, An Giang. Qua hơn 3 năm hoạt động đã có rất nhiều nỗ lực và cả những câu chuyện đầy nước mắt diễn ra ở nơi đây.

“Ngày tôi nhận đặt địa chỉ tin cậy ở nhà mình để hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, tôi cũng phải suy nghĩ nhiều lắm - chị Đào Thị Kim Phượng cho biết - Vì tôi thấy là sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn”.

Trước hết, về phía bản thân gia đình chị Phượng đang nhiều thành viên chung sống gồm vợ, chồng, các con, bác gái nhà chồng… Để có thể đặt địa chỉ tại nhà mình, chị Phượng đã phải làm “công tác tư tưởng” rất kỹ với mọi người trong nhà, nói về tính chất, mục đích và cả những rắc rối, phiền hà mà mọi người có thể gặp phải… để thuyết phục mọi người cùng thông cảm, tạo điều kiện và đồng ý.

Khi đã có được sự đồng thuận cao của các thành viên trong gia đình, chị Phượng cũng đã thu xếp một không gian riêng trong nhà để có thể đảm bảo được sự riêng tư, an toàn nếu có người trợ giúp cần tìm tới…

Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng được treo trước cửa nhà chị Kim Phượng hướng thẳng ra đường lớn của ấp, rất dễ để người dân qua lại có thể nhận biết

Ngoài ra, để mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng thực sự là nơi để người dân, nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, người có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình có nơi tạm lánh khẩn cấp, cách ly với người gây bạo lực hoặc người có nguy cơ gây bạo lực và con của họ; giúp họ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tối thiểu ban đầu về y tế, phục hồi sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản, hỗ trợ chuyển tuyến (khi cần thiết) và phòng tránh bạo lực tiếp tục tái diễn…, bản thân chị Phượng cũng phải học hỏi nhiều.

Chị Phượng cho biết: "Trước đó, dù đã có nhiều năm hoạt động tích cực trong phong trào Hội phụ nữ nhưng những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, kinh nghiệm tư vấn, làm việc với nạn nhân còn rất hạn chế. Vì vậy, tôi đã phải tích cực tham gia các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, bình đẳng giới… do Hội phụ nữ xã, huyện và các ngành liên quan tổ chức".

Chị cũng tích cực phối hợp tổ chức tuyên truyền rộng rãi tới mọi người dân trên địa bàn biết mô hình, địa chỉ và số điện thoại khẩn cấp; đăng tải các nội dung hoạt động mô hình trong các cuộc sinh hoạt cộng đồng ấp…; chú trọng rà soát, lập hồ sơ trong tổng số 186 hội viên để "lọc" các đối tượng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đời sống gia đình bất hòa, những phụ nữ đã từng là nạn nhân hoặc có nguy cơ cao bị bạo hành trong ấp để chú trọng quan tâm, thăm hỏi và tuyên truyền về địa chỉ tin cậy…

Chị Kim Phượng (đứng) đang triển khai các hoạt động truyền thông lồng ghép của Hội phụ nữ

tại nhà sinh hoạt động cộng của ấp.

“Các chế tài cần được thực thi tốt hơn”

Chỉ sau một thời gian ngắn thành lập, nạn nhân đã bắt đầu tìm đến. Đa số chị em bị chồng đánh, đấm, tát và gây bầm tím trên cơ thể với các nguyên nhân như mâu thuẫn về tình cảm, ghen tuông; do kinh tế khó khăn dẫn đến vợ chồng lục đục; do trình độ nhận thức hạn chế, chồng hay sa đà vào tệ nạn như đá gà, số đề, say xỉn thường xuyên…

Đầu tiên là trường hợp chị Nguyễn Thị Th. bị chồng là Huỳnh Xuân T. đã có hành vi đánh vợ và lấy lý do là ghen tuông.

Tiếp đến là trường hợp chị Trần Thị N. bị chồng là Sơn Ngọc Ngh. đánh và lấy lý do là có nhiều khúc mắc, mâu thuẫn liên quan đến mẹ chồng nàng dâu. Thậm chí, có trường hợp đặc biệt như vào ngày 1 Tết năm 2017, khi gia đình chị Phượng đang chuẩn bị mâm cơm cúng ngày đầu năm thì đột nhiên có nạn nhân trong ấp chạy đến. Đó là chị Neáng R. - người gốc Khmer, lấy chồng là anh Võ Thanh Ph. (người Kinh).

Trước đó, vợ chồng có mâu thuẫn liên quan đến việc sang bán đất đai dẫn đến cãi nhau rồi chị R. bị chồng bạo hành nặng, phải chạy ra khỏi nhà, tìm đến xin tạm lánh ở địa chị tin cậy tại cộng đồng với bàn chân trần, chân tay bầm tím và khóc đến 30 phút chưa ngừng…

“Chị em khi chạy đến đây có tâm trạng hoảng loạn, khóc, cơ thể bị thương tích" – Chị Phượng cho biết. Sau khi hỗ trợ sơ cứu tạm thời nếu cần thiết, chị Phượng thường an ủi, lắng nghe, phân tích tình hình, tư vấn… Với trường hợp có dấu hiệu “nguy hiểm”, chị phối hợp giúp nạn nhân tạm thời ly thân khỏi người chồng vũ phu; báo cáo với tổ hòa giải, ban quản lý của ấp, công an, tổ chức cuộc họp gặp người gây bạo hành cùng gia đình và tìm hướng giải quyết…

Với trường hợp có thể tư vấn, khuyên nhủ sẽ thực hiện ngay tại gia đình, cộng đồng để vợ chồng hiểu nhau, hóa giải mâu thuẫn. Với trường hợp khó, không thể hòa giải được thì cần có trợ giúp về thủ tục báo cáo sự việc lên cấp trên…

Tuy nhiên, theo chị Phượng: “Hiện hoạt động của địa chỉ tin cậy cũng gặp nhiều khó khăn vì hạn chế về kinh phí. Việc xử lý, phạt tiền người gây ra bạo lực cũng chưa được triệt để. Trong thời gian tới, tôi mong các cấp liên quan, bên cạnh việc hỗ trợ nâng cao đời sống kinh tế, dân trí cho người dân thì công tác truyền thông về Luật phòng, chống bạo lực gia đình cần tập trung hơn, các chế tài xử lý vi phạm cũng cần thực hiện tốt hơn để nam giới hiểu rằng họ không được phép đánh vợ dù là bất kỳ lý do nào và nếu đánh thì sẽ phải bị xử lý nghiêm như thế nào…”.

Ông Châu Thanh Phong - Trưởng ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi - cho biết: “Đây là địa bàn người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, không có nghề phụ, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn; đồng bào Khmer chiếm tỷ lệ cao tới 52%; cả ấp có 669 hộ thì hộ nghèo chiếm tới 100 hộ; trình độ dân trí của người dân trong ấp không đồng đều… cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới…

Tuy nhiên, việc thành lập mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, bước đầu cũng đã có những hiệu quả nhất định, góp phần hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân và trong đó cũng đã có những trường hợp, sau khi được trợ giúp đã có cuộc sống gia đình ổn định, vợ chồng bảo ban nhau làm ăn”.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/hon-nhan-gia-dinh/dia-chi-tai-nha-tin-cay-mung-1-tet-cung-co-nan-nhan-bao-luc-gia-dinh-tim-toi-post48930.html