Địa danh Bến Tầm Long có phải bến 'tìm vua'?

Nếu tính từ trung tâm thành phố Tây Ninh theo đường tỉnh 781 qua hướng Cầu Quan đi thẳng khoảng 10km là đến trung tâm thị trấn Châu Thành. Tại vị trí này tiếp tục đi thẳng thêm chừng 3km nữa là đến Bến Tầm Long thuộc xã Trí Bình. Đây là một bến sông rất nổi tiếng đã từng đi vào thi ca nhạc họa của xứ Tây Ninh xưa và nay.

Lơ thơ cây rủ ven bờ
Lều tranh lúa biếc lờ mờ hơi sương
Chân mây rừng thẳm chập chùng
Trông xa rồi lại trông gần bâng khuâng

(Trăng nước Tầm Long – thơ Phan Phụng Văn)

Tuy Bến Tầm Long nổi tiếng vậy nhưng hỏi ra ý nghĩa của “Tầm Long” là gì thì nay ít ai biết. Chúng tôi có gặp một giáo viên từng làm việc ở Trí Bình – Châu Thành cho biết “theo người dân ở đây, hai chữ Tầm Long có nghĩa là “tìm vua” vì “tầm” là tìm, còn “long” là rồng, cũng có nghĩa là vua”.

Cách giải thích thật là khá thú vị. Nếu căn cứ vào mặt hai chữ Hán ghi tên bến Tầm Long [寻 竜] trong sách vở thì cách giải thích trên hoàn toàn chính xác. Nhưng kỳ thực thì không phải như vậy.

Một góc Bến Tầm Long.

Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, quyển 2, phần Sơn Xuyên Chí, Trấn Phiên An có chép về bến Tầm Long như sau: “Tầm Long Tân (Bến Tầm Luông) chỗ này thuộc địa giới huyện Thuận An, cách Tây Nam trấn 207 dặm, tiếp giáp với phủ Tầm Đôn của Cao Miên, đây là đường của người Cao Miên đem voi sang cống, có nhiều thuộc Cao Miên (người Cao Miên ở nước ta mà đóng thuế xong thì gọi là thuộc) cùng người Việt ở lẫn lộn với nhau, rừng rú rậm rạp, những chỗ đã được khai khẩn đều thành ra những cánh đồng trồng dâu mía” (trang 44, bản dịch của Lý Việt Dũng).

Bến Tầm Long.

Đọc đoạn văn trên, có người sẽ thắc mắc tại sao Tầm Long Tân lại thuộc địa giới Thuận An? Vấn đề này xin trở lại một chút về lịch sử. Như chúng ta đã biết vào năm 1757, việc xác lập địa giới vùng đất Nam bộ của chúa Nguyễn cơ bản coi như đã đâu vào đấy.

Giai đoạn này người Việt từ các miền bắt đầu lên vùng Tây Ninh khai hoang lập ấp ngày càng nhiều. Sau khi đánh tan nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh khôi phục được hầu hết đất Gia Định.

Tháng 10 năm 1799, Nguyễn Ánh cho thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn Tây Ninh thuộc dinh Phiên Trấn, và đạo sở đặt tại vùng Cẩm Giang ngày nay.

Sau đó, một số thôn làng trong đạo cũng bắt đầu thành lập. Nhưng cần chú ý hơn về khái niệm về “Đạo”. Đạo là một đơn vị hành chính khá đặc biệt và không bắt buộc trong hệ thống hành chính thời nhà Nguyễn. Đạo lập ra chủ yếu với mục đích quốc phòng. Người đứng đầu đạo được gọi là Quản đạo, chức quan này có trách nhiệm chủ yếu là việc coi giữ an ninh quốc phòng.

Vì thế, sau khi lên ngôi vua, các thôn của đạo Quang Phong đều được đặt thuộc tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình. Vì vậy cho nên Trịnh Hoài Đức viết Tầm Long Tân thuộc địa giới huyện Thuận An cũng không có gì là lạ cả… Nhưng lịch sử khai phá vùng đất Tây Ninh xưa phải kể đến những người lính biên cảnh đầu tiên đến đây. Đó là 5 đội thuyền 15 chiếc với 720 lính biên cảnh do chúa Nguyễn bố trí dọc theo sông Vàm Cỏ vào giữa thế kỷ XVIII.

Cùng theo lực lượng này là những người dân viễn xứ. Họ bắt đầu thành lập những cụm dân cư dần mọc lên dọc theo sông Vàm Cỏ, ven sông Khê Lăng và ngay cả bến Tầm Long… Từ những điểm tụ cư ven sông rạch, người Việt đã mở rộng khai khẩn những vùng đất thấp, tạo nên vùng đất trù phú, ruộng vườn phì nhiêu.

Tiếp theo đó, những lưu dân từ Ngũ Quảng đến Tây Ninh ngày một đông hơn, hình thành các làng xã… mãi đến những năm đầu thế kỷ XIX có hàng loạt cuộc khai thác quy mô lớn hơn trên nhiều địa bàn thuộc vùng đất Tây Ninh này.

Đoạn thượng nguồn sông Vàm Cỏ.

Trở lại hai chữ Tầm Long [寻 竜] có phải là “tìm vua” hay không? Xin lý giải như sau. Tầm Long là cách phiên âm từ tiếng Khmer ra chữ Hán mà thôi (Gia Định thành thông chí, bản gốc được viết bằng chữ Hán). Nhưng đó là từ Khmer nào? Xin thưa đó là “Chhloong” có nghĩa là “qua” (Theo Từ điển Việt-Khmer của Ngô Chân Lý, mục từ “Qua” trang 511). Ví dụ như qua sông là “Chhloong tun le”, qua suối là “ Chhloong prek”…

Vấn đề này học giả Lý Việt Dũng cũng có chú thích tương tự như sau: “Tầm Long 寻 竜 người Khơ me miền dưới ở các vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Châu Đốc Việt Nam gọi sang sông là Chhlâng, cũng đọc là Chhlon, tiếng Khơ me Krọms (Khơ me miền dưới) đọc trại thành Tầm Lon, người Việt đọc nhại theo thành Tầm Long, chuyển âm Nam bộ thành Tầm Luông” (sđd trang 44, mục chú thích 3).

Một cứ liệu quan trọng khác là sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn biên soạn năm 1865 do Hoàng Văn Lâu dịch có đoạn nói về Bến Tầm Long như sau: “Bến Tầm Long ở phía Tây huyện Cửu An… tục gọi tiếng “qua sông” là Tầm Long, nay cũng nhân theo. Đầu sông là đường cống voi của Cao Man đi qua, nhiều dân Man và dân Kinh ở lẫn với nhau, khai khẩn rừng rú, đều thành đất trồng dâu gai cả” (phần Tỉnh Gia Định, mục Núi Sông, trang 1680).

Vó cá khu vực Bến Tầm Long.

Từ những cứ liệu trên, ta có thể khẳng định rằng địa danh Tầm Long chỉ là cách ghi âm tiếng Khmer bằng chữ Hán và đọc theo âm Hán Việt mà thôi.

“Tầm Long” hoàn toàn không có nghĩa là “tìm vua” mà là qua sông, qua biên giới lãnh thổ của nước Việt mà thôi.

Có thể nói Bến Tầm Long xưa kia là một bến sông đông vui tấp nập, trù phú, vì nó nằm nay trên con đường cống sứ của Cao Miên cho Đại Việt. Trong thời hiện đại thì Tầm Long cũng từng là trung tâm của huyện lỵ Phước Ninh. Theo Bách khoa từ điển cho biết, thì năm 1957, tỉnh Tây Ninh chia thành ba quận gồm có Châu Thành, Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng. Năm 1959, quận Châu Thành chia thành hai quận Phước Ninh và Phú Khương.

Quận Phước Ninh có 15 xã; quận lỵ đặt tại Bến Sỏi, sau dời đến ngã ba Tầm Long, nay tương ứng với huyện Châu Thành và một phần huyện Tân Biên. Đó khoảng thời huy hoàng của bến sông xưa, còn ngày nay thì đã khác. Với sự thuận tiện của hệ thống giao thông đường bộ hiện đại, bến sông xưa trở nên đìu hiu vắng vẻ, thậm chí nó bị lãng quên một cách vô tình.

Nói đến Tầm Long thì chủ yếu là địa danh ấp Tầm Long của Trí Bình, chứ bến xưa thì “con đò quên cả chuyến sang ngang” không biết tự thuở nào.

Đào Thái Sơn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dia-danh-ben-tam-long-co-phai-ben-tim-vua-24145.html