Địa lan Đà Lạt rộn ràng xuống phố

Cứ khoảng trước tết 20 ngày, nhà vườn trồng hoa địa lan tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) lại hối hả đưa những chậu địa lan đẹp nhất, ưng ý nhất xuống phố để phục vụ nhu cầu chơi hoa Tết của mọi người. Năm nay do thời tiết thất thường nên địa lan Đà Lạt nở sớm hơn mọi năm.

Cứ khoảng trước tết 20 ngày, nhà vườn trồng hoa địa lan tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) lại hối hả đưa những chậu địa lan đẹp nhất, ưng ý nhất xuống phố để phục vụ nhu cầu chơi hoa Tết của mọi người. Năm nay do thời tiết thất thường nên địa lan Đà Lạt nở sớm hơn mọi năm.

Khách đến lựa mua hoa địa lan tại điểm tập kết của vườn hoa Phước Huệ.

Khách đến lựa mua hoa địa lan tại điểm tập kết của vườn hoa Phước Huệ.

Dọc con đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, phường 10, TP Đà Lạt những ngày này rộn ràng sắc hoa địa lan. Ngay từ những ngày đầu tháng chạp, chủ các vườn hoa đã hối hả đưa địa lan ra trưng bày dọc bên đường. Đây là những chậu địa lan đẹp nhất, còn nguyên sơ. Đến đây người chơi hoa thỏa thích lựa chọn số lượng, chủng loại cũng như màu sắc. Khi khách xem ưng ý, tùy vào nhu cầu số cành của khách yêu cầu trong 1 chậu mà chủ vườn sẽ cắt tỉa, ghép và đưa vào chậu. Những chậu địa lan vận chuyển đi xa như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh sẽ được đóng gói cẩn thận hơn, từng bông hoa được bọc túi lưới, cuốn giấy. Ông Lê Quang Sơn – Chủ vườn hoa địa lan Phước Huệ, phường 11, TP Đà Lạt chia sẻ “Năm nay khác với mọi năm, nhu cầu đóng hàng đi xa sớm nên nhà vườn chúng tôi chủ động đưa hoa ra sớm để chào đón khách. Những khách quen thì tới vườn, khách lạ thì có thể mua ngay địa điểm tập kết hoa”. Ông Sơn cũng chia sẻ, giá hoa địa lan năm nay không tăng.

Năm nay người chơi địa lan chuộng những chậu có từ 9 cành trở lên và loại hoa được ưa thích là vàng hoàng hậu, bông hoa to, cánh dày màu vàng ươm. Loại này năm nay có giá từ 700.000 đến 800.000 đồng/ 1 cành. Những chậu có từ 9 cành trở lên chỉ có thể ghép từ 2 hoặc 3 chậu làm 1. Thị trường hoa địa lan cũng ghi nhận, một số loại địa lan có giá cao là SJC, vàng chanh và xanh 207 có giá từ 400.000-600.000 đồng/cành. Địa lan Đà Lạt đa dạng về chủng loại, màu sắc và cũng đa dạng về giá, chỉ khoảng từ 200.000 đồng đến 800.000 đồng/1 cành tùy loại. Anh Nguyễn Thế Hưng – Chủ vườn lan Kim Phát, phường 10, TP Đà Lạt thì cho rằng: “Hàng lớn thì tiền lớn, đẹp thì đẹp tiền. Như màu vàng hậu, khi mới xuất hiện thì giá rất cao nhưng giờ tầm cỡ 8 - 7 trăm ngàn đồng. Loại cam lửa, nhiều năm trước có giá đến 1,8 triệu đồng/1 cành nhưng giờ thì chỉ khoảng 3 – 5 trăm ngàn đồng/cành”.

Năm nay nhu cầu hoa biếu cũng khá cao, nhưng nhiều nhất vẫn là đóng gói đi các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chi Minh và nhiều tỉnh thành khác. Bà Nguyễn Thị Hồng Nga – Chủ vườn hoa địa lan số 78-Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt trần tình “Ngày trước chỉ người có điều kiện mới chơi địa lan, giờ thì ai cũng có thể chơi lan”.

Vui vì vụ hoa, lứa hoa đậm màu và người trồng hoa địa lan ở Đà Lạt cũng rất hào hiệp, gặp được người yêu hoa, chơi hoa là vui rồi. Vậy nhưng từ mấy năm nay họ còn canh cánh nỗi lo hoa địa lan Trung Quốc mạo danh địa lan Đà Lạt. Nếu tinh ý người chơi hoa sẽ nhận ra ngay đâu là địa lan Đà Lạt. Bởi địa lan Đà Lạt tươi màu, bền lâu, cành hoa được nương bằng cây đót, một loại cây đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên. Bà Nguyễn Thị Hồng Nga mách nước “Địa lan Đà Lạt rất khác với hoa địa lan của Trung Quốc. Khác ở chỗ, hoa chúng tôi tự sản xuất nên bộ rễ còn nguyên vẹn, vì thế sẽ không bị mất sức sống. Địa lan Trung Quốc rất đồng đều, còn địa lan Đà Lạt thì có cành cao, cành thấp. Địa lan Trung Quốc được đóng vào chậu nhỏ đường kính chỉ 20cm, còn địa lan Đà Lạt thường phải dùng những chậu lớn, đường kính tầm 50cm”.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần. Với 35ha địa lan các loại, tăng 10% so với năm trước, sản lượng dự kiến khoảng 400.000 cành, địa lan Đà Lạt sẽ đáp ứng nhu cầu của người chơi hoa. Những chậu hoa địa lan ưng ý nhất, đẹp nhất đã được lựa chọn, được đóng gói cẩn thận để mọi miền, mọi nhà thêm nét Xuân trong những ngày Xuân.

ĐỨC HUY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_201585_dia-lan-da-lat-ron-rang-xuong-pho.aspx