Địa ốc 7AM: Dãy nhà 'nguy khốn' bên bờ sông ở Hà Giang, nửa đời khốn khổ đi xin cấp sổ đỏ

Dãy nhà 'nguy khốn' bên bờ sông ở Hà Giang, nửa đời khốn khổ đi xin cấp sổ đỏ... là những tin chính trong Địa ốc 7AM hôm nay.

Dãy nhà 'nguy khốn' bên bờ sông ở Hà Giang, thủy điện dùng dằng xử lý

Hơn 6.000m2 nhà nứt toác, chực chờ sập vì Thủy điện Sông Lô 2 tích nước, gia đình ông Cường mỏi mòn chờ nhà máy xử lý sự cố.

Ông Trần Công Cường ở xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) cho biết, hơn 1 năm qua, gia đình ông mệt mỏi vì chờ đợi sự vào cuộc của nhà máy Thủy điện Sông Lô 2.

Năm 2018, nhà máy vận hành cũng là lúc dãy nhà kho hơn 6.000m2 của ông hư hỏng nghiêm trọng. Tường phía sau dãy nhà biến dạng, ngày một lồi ra do nền móng xuống cấp. Phía trong nhà, trên tường xuất hiện nhiều vết nứt dài, hở mạch. Một số vị trí kết cấu nền nhà bị tách rời, hở hàm ếch.

Dãy nhà kho của ông Cường bị nước 'bủa vây'.

Dãy nhà kho của ông Cường bị nước 'bủa vây'.

Tháng 8/2018, chủ đầu tư nhà máy thủy điện là công ty TNHH Thanh Bình (công ty Thanh Bình) đã phối hợp Trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng Hà Giang làm việc liên quan đến sự cố ở dãy nhà kho của ông Cường.

Công ty Thanh Bình đề nghị Trung tâm lập phương án, giải pháp xử lý sự cố lún nứt, đảm bảo an toàn cho nhà kho trên cơ sở được cơ quan chuyên môn thẩm định.

Bạc Liêu: “Bán” công viên, bức tử doanh nghiệp!

Năm 1998, tỉnh Bạc Liêu quy hoạch diện tích gần 13ha giữa trung tâm thành phố Bạc Liêu để xây dựng Công viên Trần Huỳnh, phục vụ nhu cầu văn hóa cho người dân. Thế nhưng, công viên này chưa bao giờ phục vụ người dân đúng với chức năng của nó. Vì sao?

UBND TP Bạc Liêu buộc Công ty Hồng Lạc phải di dời những công trình đầu tư gần chục tỷ ra khỏi công viên mà không xem xét hỗ trợ, bồi thường.

Bởi vì thiếu vốn nên công viên này bị hoang phế, trở thành tụ điểm tệ nạn xã hội. Đến năm 2012, UBND tỉnh Bạc Liêu cho nhiều doanh nghiệp thuê lại đất công viên để khai thác.

Thực tế, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Quốc Lâm (Cty Quốc Lâm) được thuê hơn 4,1ha đất công viên thuộc vị trí đắc địa, với mục đích xây dựng khu vui chơi, giải trí và thể dục thể thao cho thanh thiếu niên và các dịch vụ thương mại khác. Hình thức thuê trả tiền hàng năm với thời hạn thuê 50 năm, giá cho thuê 938,5 triệu đồng/năm. Tiến độ thực hiện các dự án trong vòng 24 tháng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, Cty Quốc Lâm triển khai cầm chừng và cho doanh nghiệp khác thuê lại để xây dựng nhà hàng - trung tâm tiệc cưới - quán nước giải khát, game bắn cá…

Phần diện tích còn lại bỏ trống và cho nhiều đơn vị khác thuê xây dựng trụ sở. Ví dụ, trụ sở Điện lực thành phố Bạc Liêu…

Năm 2013, Công ty TNHH MTV Vui chơi, giải trí Hồng Lạc (Cty Hồng Lạc)- doanh nghiệp duy nhất tại tỉnh Bạc Liêu chuyên kinh doanh trò chơi công viên, trò chơi thiếu nhi và trò chơi cảm giác mạnh được dời về đây. Đến thời điểm này, Công viên Trần Huỳnh mới thực sự hoạt động đúng chức năng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

Nửa đời khốn khổ đi xin cấp sổ đỏ

Như PLVN đã phản ánh trong bài viết trước, sau khi không cấp sổ đỏ cho ông Vũ Từ Thẩm (SN 1956) với hai thửa đất 41, 42 bản đồ số 34, một số cán bộ địa phương xã Phú Ngọc (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) nhiều lần kéo lực lượng xuống hủy hoại tài sản của dân trên đất. Sự việc được Công an (CA) huyện Định Quán ra văn bản thông báo xác nhận.

Cảnh tượng một buổi lực lượng xã Phú Ngọc chặt nhổ cây cối, hoa màu trên khu đất (Hình ảnh do bạn đọc cung cấp).

Trong đơn tố cáo của ông Thẩm mà CA huyện Định Quán nhận do Viện KSND tỉnh Đồng Nai gửi đến, hai nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là ông Phạm Hữu Quyết (Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc) và ông Lê Bá Diệt (Phó Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc).

Trong Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm số 769/TB-CSĐT do Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Thượng tá Nguyễn Văn Quang ký ngày 26/4/2019, nêu rõ ông Thẩm tố cáo có 3 lần chính quyền xã tổ chức lực lượng xuống hủy hoại tài sản nhà ông: Lần thứ nhất, ngày 7/2/2012 ông Quyết trực tiếp chỉ đạo lực lượng CA, xã đội xuống đất nhà ông chặt phá 30 cây sao, 50 cây gỗ dầu, 1300 cây tràm; Lần thứ hai, gần hai năm sau, ngày 2/2/2014 ông Diệt và ông Quyết (khi đó là Trưởng CA xã) trực tiếp chỉ đạo lực lượng CA, xã đội xuống nhà ông chặt 100 cây chuối, 800 cây tràm; Lần thứ ba, hơn ba năm sau đó, ông Quyết điện thoại chỉ đạo ông Diệt cùng lực lượng CA, xã đội xuống nhổ 900 cây tràm.

Tổng giá trị thiệt hại ba lần ông Thẩm bị chặt phá là 5,8 triệu đồng, chưa tính tiền thuê nhân công trồng và chăm sóc. Ông Thẩm đề nghị CA huyện Định Quán khởi tố xử lý Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã Phú Ngọc về tội “hủy hoại tài sản”.

Văn bản của CA huyện nêu rõ: “Kết quả làm việc với những người liên quan đều khẳng định việc ông Thẩm có thuê người trồng cây cối, hoa màu trên diện tích trên và UBND xã Phú Ngọc đã 3 lần đến thửa đất 41, 42 chặt nhổ cây cối”.

Bị cản trở xây dựng, một gia đình tại huyện Đông Anh kêu cứu?

Hình ảnh được camera ghi lại khá rõ nét, 02 phụ nữ ngang nhiên dùng gậy xô đẩy bờ tường, nhưng không thấy bóng dáng chính quyền xuất hiện?

Phapluatplus.vn nhận được phản ánh kèm theo đoạn Video (quay lại cảnh gia đình bà Lê Thị Thịnh) xảy ra tại xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội, là hình ảnh 02 (hai) phụ nữ cầm gậy chọc đổ tường của gia đình bà, cản trở không cho xây dựng.

Theo nội dung đơn: Mặc dù gia đình bà Thịnh nói rất nhẹ nhàng, thuyết phục đối với 02 người phụ nữ là: "gia đình tôi xây dựng trên đất của gia đinh, không xây trên đất của ai, cũng không lấn chiếm của ai...

Bỏ ngoài tai những lời nói của gia đình bà Thịnh, 02 người phụ nữ lấy gậy chọc đổ từng viên gạch của gia đình bà Thịnh.

Nhận thấy hành vi trên, anh Đảng con trai của bà Thịnh đã quay lại cảnh 02 phụ nữ phá phách để làm căn cứ trình báo công an.

Hình ảnh video 2 người phụ nữ dùng gậy xô đẩy tường rào của nhà bà Thịnh (Video do anh Đảng cung cấp).

Nếu không tìm hiểu kỹ, nhìn đoạn video do gia đình cung cấp ai cũng nghĩ đây là trò đùa hoặc đang diễn hài...Điều đáng nói là gia đình bà Thịnh đã gọi điện báo chính quyền về hành vi trên, nhưng không thấy bóng dáng chính quyền sở tại.

Anh Đảng con trai bà Thịnh cho biết: "Ngày 12/7/2019, gia đình tôi tiến hành xây nhà tại xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội. Trong đó có tôi, anh trai tôi là Dân, anh Quang, anh Cương, anh Đoàn, cùng tiến hành xây dựng nhà trên thửa đất của gia đình tôi.

Khi đang xây dựng thì hai người phụ nữ cản trở không cho gia đình tôi xây dựng. Khi tôi hỏỉ, tại sao lại cản trở gia đình tôi xây dựng, tôi có xây trên đất của gia đình các bà đâu? Một trong hai bà đáp: "Nếu không có giấy tờ của xã thì không được xây...".?

Nhiệt điện Sông Hậu 2: Còn 3 điểm nghẽn lớn, bộ hợp đồng BOT có được ký đúng dự kiến?

Theo dự kiến, bộ hợp đồng BOT dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 sẽ được ký chính thức vào quý IV/2019, đóng tài chính dự kiến quý I/2021.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 có công suất 2.000 MW, gồm hai tổ máy, tổng diện tích khoảng 126,2ha, tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD (72.000 tỷ đồng), nằm tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Nhà đầu tư dự án là Tập đoàn Toyo Ink Group Berhad (Malaysia).

Dự án đã được phê duyệt F/S tại Quyết định số 1318/QĐ-BCT ngày 18/2/2014 của Bộ Công Thương. Việc đàm phán các tài liệu dự án bắt đầu từ tháng 5/ 2015.

Đến tháng 12/2015, nhà đầu tư đã ký tắt hợp đồng thuê đất với UBND tỉnh Hậu Giang. Còn đối với hợp đồng mua bán điện, từ tháng 8/ 2015, Công ty Mua bán điện và nhà đầu tư đã tiến hành nhiều phiên đàm phán về nội dung hợp đồng.

Hai bên đã kết thúc đàm phán và Công ty Mua bán điện đã báo cáo EVN. Theo yêu cầu của EVN, hiện nay Công ty Mua bán điện đang phối hợp với nhà đầu tư để chỉnh sửa lại một số nội dung liên quan đến than. Sau khi kết thúc, Công ty Mua bán điện sẽ báo cáo lại EVN để phê duyệt.

Về hợp đồng BOT và bảo lãnh chính phủ, từ tháng 5/2015, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều phiên đàm phán với nhà đầu tư.

Tú Anh (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/dia-oc-7am-day-nha-nguy-khon-ben-bo-song-o-ha-giang-nua-doi-khon-kho-di-xin-cap-so-do-d102826.html