Địa ốc 7AM: Sập nhà và những con số nguy hiểm

Dự án khu Đảo Sen xây dựng công trình không phép, sập nhà và những con số nguy hiểm... là những tin chính trong Địa ốc 7AM hôm nay.

Sập nhà và những con số nguy hiểm

Trong 2 năm trở lại đây đã xảy ra nhiều vụ sập nhà nguy hiểm gây thiệt hại không nhỏ về tính mạng cũng như tài sản của người dân.

Những vụ sập nhà, công trình rất nguy hiểm có thể gây ra những thiệt hại lớn về tính mạng cũng như tài sản của chủ nhà, công nhân xây dựng, nhà xung quanh… Nguyên nhân ban đầu được xác định chủ yếu do công trình đã được xây dựng lâu năm nhưng không được cải tạo sửa chữa, hoặc cũng có thể do sự cẩu thả khi thi công xây dựng công trình.

Sáng nay 2/7/2019, một vụ việc sập nhà đáng tiếc đã xảy ra tại số nhà 56 Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), vụ việc may mắn không có thương vong xảy ra. Tuy nhiên, việc quản lý những ngôi nhà cổ, cũ cũng đang đặt ra bài toán hóc búa đối với cơ quan quản lý.

Pháp luật Plus xin điểm lại những vụ việc sập nhà từ năm 2018 đến nay.

Theo đó thông tin khoảng 19h tối 13/6/2018, một ngôi nhà đang xây dựng ở thôn Đồng Lư, xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội bị sập khiến 4 người thương vong.

Hiện trường ngôi nhà bị sập.

Ngôi nhà của anh Nguyễn Kim Khánh (SN 1977) vừa mới đổ mái lúc chiều, buổi tối vợ chồng chủ nhà đi kiểm tra thì bị sập.

Giải tỏa nhiều khách sạn 'vàng' che tầm nhìn ra biển

Tỉnh Bình Định giải tỏa hàng loạt khách sạn ven biển để trả lại không gian cho cộng đồng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, xác nhận tỉnh vừa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản do thu hồi đất của khách sạn (KS) Bình Dương thuộc Bộ tư lệnh Binh đoàn 15, nằm trên bãi biển Quy Nhơn. Việc giải tỏa KS này nhằm giao trả mặt bằng để tỉnh làm công viên cây xanh, phục vụ cộng đồng.

Theo ông Châu, tỉnh bồi thường 32 tỉ đồng cho Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 để giải tỏa KS Bình Dương cao sáu tầng với 57 phòng tại khu đất 492 An Dương Vương. Đồng thời, tỉnh bố trí 3.000 m2 đất tại số 20 đường Nguyễn Văn Trỗi để xây lại KS tại địa điểm mới này. Đây là chủ trương của tỉnh và Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 cũng đã thống nhất.

Khu đất mà KS Bình Dương đang tọa lạc hiện nay được xem là đất vàng bởi nằm ngay bên bờ biển, trên con đường đẹp nhất TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, KS này hiện đang che chắn tầm nhìn ra biển. Trước đây, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 có văn bản đề nghị tỉnh Bình Định cho phép đầu tư xây dựng trung tâm hội nghị, điều dưỡng tại khu đất nhà khách Binh đoàn 15 (cạnh KS Bình Dương).

Tỉnh Hà Nam không quyết liệt xử lý, để ông chủ sân Golf Kim Bảng mặc sức xây dựng

Khi hết thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản, nếu chủ đầu tư không xuất trình giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ.

Vào năm 2015, sau khi thực địa vùng đất Ba Sao huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Công ty Cổ phần Golf Trường An nhận thấy nơi đây ẩn chứa những tiềm năng lớn để phát triển. Công ty này đã quyết định đầu tư xây dựng sân Golf quy mô 36 lỗ và khu dịch vụ nghỉ dưỡng. Đánh dấu bước chuyển mình sang đầu tư lĩnh vực sân Golf và khu nghỉ dưỡng.

Tới tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung dự án sân Golf Kim Bảng vào Quy hoạch phát triển sân Golf Việt Nam với quy mô 36 lỗ và khu dịch vụ nghỉ dưỡng, trên diện tích gần 200 ha.

Dự án được đầu tư làm 02 giai đoạn. Đây là sân golf có đầy đủ điều kiện phục vụ cho các du khách trong nước và quốc tế. Với tổng mức đầu tư của dự án là trên 1.000 tỷ đồng, trong đó Công ty đã huy động gần 700 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình giai đoạn I với quy mô 18 lỗ.

Dự án sân golf Kim Bảng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô 36 lỗ, trên diện tích gần 200 ha. Ảnh Golfasian.vn.

Đến đầu tháng 8/2018, Dự án sân golf tại huyện Kim Bảng chính thức đi vào hoạt động với một buổi lễ khai trương được cho là hoành tráng và rầm rộ.

Thế nhưng đến ngày 16/4/2019, Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 120/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Golf Trường An với số tiền 50 triệu đồng. Người đại điện theo pháp luật là ông Trần Văn Dĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Doanh nghiệp thâu tóm đất phố cổ với giá bèo, Công ty Đông Á là ai?

Các cơ sở nhà, đất mặt phố ở Thủ đô được chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á với mức giá thấp hơn nhiều lần so với thị trường.

Thời gian gần đây dư luận đang nóng lên bởi hàng loạt trường hợp vi phạm các quy định về quản lý đất đai bị phanh phui. Có thể kể đến vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Đà Nẵng và TP HCM liên quan đến "Vũ nhôm" đã dóng lên hồi chuông cảnh báo việc quản lý đất công còn lỏng lẻo, thiếu minh bạch dẫn đến khi thanh lý đất đai sẽ gây thất thoát cho Nhà nước.

Điều đáng nói, đa số các nhà đất công trong vụ án kể trên đều được chuyển nhượng không qua đấu giá, dẫn đến việc xác định giá và hệ số sinh lợi không chính xác ở các khu đất này có biểu hiện làm lợi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sau khi mua nhà đất công đã không sử dụng theo mục đích xin mua bán đầu mà đem bán để hưởng giá trị chênh lệch.

Cơ sở nhà đất tại 46 Hàng Trống (diện tích nhà, đất là 20,28m2) được chuyển nhượng lại cho Công ty Đông Á với tổng giá trị là 1,731 tỷ đồng.

Vào năm 2015, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á đã làm văn bản đề nghị TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cùng lúc 3 cơ sở nhà, đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước tại 3 các vị trí sau:

Cơ sở nhà đất mặt phố số 56 Hàng Gai phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm); cơ sở nhà, đất mặt phố (tầng 1) số 46 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) và tầng 1 mặt phố số 7 Đội Cấn (quận Ba Đình).

Tú Anh (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/dia-oc-7am-du-an-khu-dao-sen-xay-dung-cong-trinh-khong-phep-sap-nha-va-nhung-con-so-nguy-hiem-d101083.html