Địa ốc 7AM: Tìm ra 'virus của căn bệnh đô thị', sông là của công hay 'của ông'?

Tìm ra 'virus của căn bệnh đô thị', nhà '3 chung' - nhiều hệ lụy, sông là của công hay 'của ông'?... là những tin chính trong Địa ốc 7AM hôm nay.

Tìm ra “virus của căn bệnh đô thị”

1.390 dự án có quy hoạch được điều chỉnh, thậm chí có dự án điều chỉnh quy hoạch đến 6 lần, và điều chỉnh theo ý nhà đầu tư - con số trong báo cáo Giám sát của Quốc hội. Phải chăng là nhà đầu tư mới là “kẻ giật dây”, là thứ “virus” đích thực khiến quy hoạch đô thị trở nên chồng chất, méo mó, quá tải ở khắp nơi?!

Đường Lê Văn Lương (Hà Nội) sau quy hoạch điều chỉnh san sát nhà cao tầng trong khoảng 2km chiều dài khiến kết cấu hạ tầng giao thông bị phá vỡ. Ảnh: HẢI NGUYỄN.

Đoạn đường Lê Văn Lương (Hà Nội) có chiều dài đúng 2km nhưng đang tải tới 40 tòa cao ốc với những dự án có mật độ xây dựng lên tới hơn 60%. Hàng chục nghìn dân từ 6.000 căn chung cư cộng với toàn bộ lưu lượng từ hàng chục cao ốc khác từ Lê Văn Thiêm, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Tuân... tuyến đô thị hướng tâm giờ đây đã trở nên ùn tắc một cách nghiêm trọng, trở thành một “điểm đen” giao thông.

Phải nói 40 tòa cao ốc trên 2km đường giờ đã trở thành một ví dụ kinh điển cho sự yếu kém của quy hoạch thủ đô.

Nhưng quy hoạch khu vực Lê Văn Lương không phải là sự vô lý duy nhất, Hà Nội còn có Dự án 8B Lê Trực một điển hình của việc xây dựng sai giấy phép, tăng diện tích sàn xây dựng; tự ý tăng chiều cao các tầng. Còn có Tổ hợp HH1, HH2, HH3 và HH4 (Linh Đàm) với mật độ xây dựng được “điều chỉnh” từ 24,6% lên gần 40%, tầng cao trung bình từ 20-33 tầng lên tối đa 40 tầng... khiến dân cư phải tháo chạy khi “khu đô thị kiểu mẫu” này quá tải cả về hạ tầng, điện nước và trường lớp.

Vì sao nhiều dự án chống ngập ở TP.HCM còn chậm?

Các dự án chậm, gặp vướng mắc lớn là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng.

Báo cáo với Đoàn giám sát HĐND TP.HCM về tiến độ và hiệu quả các công trình chống ngập trên địa bàn TP.HCM chiều 28-5, ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Sở hiện có bốn nhóm dự án được UBND TP giao thẩm định và phê duyệt.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: NC.

Bốn nhóm dự án bao gồm: Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Công ty Trung Nam BT 1547 làm chủ đầu tư.

Dự án Bờ tả sông Sài Gòn từ rạch cầu Ngang đến khu đô thị mới Thủ Thiêm do ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư. Các dự án do Công ty TNHH MTV quản lý Khai thác Dịch vụ thủy lợi làm chủ đầu tư. Cuối cùng là các dự án do Ban quản lý dự án chuyên ngành nông nghiệp làm chủ đầu tư. Cả bốn dự án này đều gặp vướng mắc lớn là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng còn chậm.

Khuất tất trong vụ mua đất 50 tỷ chưa trả hết tiền, mang thế chấp ngân hàng một cách “thần tốc”

Ông Trịnh Văn Hậu (phường 11, Tp. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) kêu cứu tới Báo PLVN về những khuất tất trong vụ việc khu đất của ông bị người mua chưa trả hết tiền đã lén sang tên và mang đi thế chấp tại ngân hàng.

Chưa giao đủ tiền đã sang tên sổ đỏ, mang đất đi thế chấp

Ông Hậu cho biết, ông có thửa đất số 44, tờ bản đồ số 16, diện tích 16.154m2 tại địa chỉ 888/1 đường 30/4, phường 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đất đã được UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AE 037146 ngày 04/7/2006 do ông Hậu đứng tên.

Ông Hậu trình bày sự việc với PV

Ngày 11/7/2014, vợ chồng ông đã ký hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất trên cho vợ chồng ông Nguyễn Vũ Trung (SN 1978), bà Trịnh Thị Lan (SN 1976, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Nghiệp Phát, có địa chỉ tại; Số 378 đường Điện Biên Phủ, phường 17 quận Bình Thạnh, TP HCM) bằng giấy viết tay theo giá thực tế thỏa thuận mua bán là 50 tỷ đồng.

Vợ chồng ông Trung, bà Lan đã thanh toán trước cho ông Hậu số tiền 22 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 28 tỷ đồng hai bên thỏa thuận sẽ thanh toán hết một lần vào ngày 11/01/2015.

Nhà “3 chung” - nhiều hệ lụy

Không chỉ “dự án ma” bùng phát, các quận huyện còn nảy sinh không ngừng loại nhà “3 chung” (chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà). Những hộp diêm hình thành, pháp lý “chung chạ”, đẩy những người thu nhập thấp dễ rơi vào “bẫy an cư” mới…

Mua qua vi bằng giao nhận tiền

Quân, một nhân viên môi giới nhà đất, làm ở một văn phòng thừa phát lại, đưa tôi đi xem một căn nhà “3 chung” tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM) đang rao bán. Từ đường lớn Vĩnh Lộc quẹo vào hẻm chừng 300m, một khu đất hoang vắng mọc lên dãy 9 căn nhà đã xây dựng xong.

Căn nhà một trệt một lầu, diện tích 4m x 16m, năm ngoái mua 1,4 tỷ đồng nay tăng lên 1,6 tỷ đồng. Thấy tôi băn khoăn về hồ sơ pháp lý, Quân lấy hồ sơ của một căn nhà đã giao dịch trước đó giải thích: “Bộ pháp lý” đóng thành quyển sổ, ngoài ghi là văn phòng thừa phát lại, trang thứ 2 là chụp hình 2 người (ghi rõ họ tên, trú quán) chuyển tiền cho nhau và lập vi bằng; những trang tiếp theo là hợp đồng mua bán đất bằng giấy tay, cuối cùng là bảng photo sổ đỏ khu đất - là đất nông nghiệp. Nhìn tới nhìn lui, 3 loại giấy tờ đó chẳng liên quan gì, nhưng lại ngầm hiểu rằng, đó là bộ hồ sơ hoàn chỉnh về giao dịch của nhà “3 chung”(!?).

Một khu nhà “3 chung” tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đang được rao bán bằng hình thức lập vi bằng giao nhận tiền bạc.

Cách đó không xa, tại ấp 6, một khu nhà “3 chung” gồm có 3 dãy với 52 căn, diện tích mỗi căn 4m x 16m, xây dựng một trệt một lầu, hẻm rộng 3,5m. Số nhà ở đây khá kỳ quặc, một căn ghi là F1/15/2F3, căn kế bên lại ghi F1/15/2F8 nhưng căn kế bên là F1/15KT…

Sông là của công hay "của ông"?

Đã đến lúc dành lại những khúc sông bị "đánh cắp" cho toàn thể người dân đô thị. Đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân mà không có bất kỳ sự cản trở nào từ những tòa nhà cao ốc…

Thảo Điền Sapphire do Công ty Cổ phần TDS xây dựng vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn. (Ảnh: Dân trí).

Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV các đại biểu Quốc hội dành trọn ngày 27/5 làm việc tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Đây là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp này, và nội dung được giám sát là vấn đề nhân dân và cử tri cả nước quan tâm.

Nhân sự kiện này, tôi xin đưa ra góc nhìn về một phần thực trạng xử dụng đất, quy hoạch đô thị bên những con sông cả nước trong những năm qua.

Tú Anh (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/dia-oc-7am-tim-ra-virus-cua-can-benh-do-thi-song-la-cua-cong-hay-cua-ong-d98647.html