Địa phương phản ứng vì không được thu phí bảo vệ môi trường

Theo đại diện UBND huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên và môi trường sống của người dân, nhưng lại đóng phí môi trường cho các địa phương khác, tức là nơi doanh nghiệp kê khai nộp thuế.

Hoạt động khai thác khoáng sản đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ảnh internet.

Trên đây ý kiến của đại diện UBND huyện Đồng Hỷ tại Hội thảo “Đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản” do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội ngày 15/9.

Phát biểu tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Đến nay, diện tích điều tra, lập bản đồ địa chất- khoáng sản đạt gần 70% diện tích đất liền. Trong đó, có nhiều loại khoáng sản quan trọng, có tính chiến lược được điều tra và đánh giá như: Bauxit, sắt laterit, titan... Bên cạnh đó, công tác tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được triển khai đồng bộ trên cả nước góp phần đưa các quy định mới của Luật Khoáng sản đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện Luật Khoáng sản còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, quan điểm trong quản lý khoáng sản khi thực thi chưa đem lại hiệu quả, cần bổ sung một số quy định cụ thể để Luật Khoáng sản phù hợp với thực tiễn và xu hướng.

Theo đại diện UBND huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Đồng Hỷ chủ yếu do Chi Cục thuế tỉnh Thái Nguyên quản lý. Trong khi đó, các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Đồng Hỷ gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên và môi trường sống của người dân, nhưng lại đóng phí môi trường có các địa phương khác, tức là nơi doanh nghiệp kê khai nộp thuế. Do vậy, UBND huyện Đồng Hỷ không thu được tiền phí bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, nhưng lại phải bỏ tiền ra để giải quyết các vấn đề môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Đây là bất cập đối với địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản.

Tại Hội thảo, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đề nghị Ban Kinh tế Trung ương và Bộ TN&MT tiếp tục đánh giá đóng góp của việc khai thác khoáng sản đối với kinh tế của đất nước và những tồn tại của việc khai khai thác khoáng sản. “Theo đó, những khoáng sản nào có lợi thì tiếp tục cấp phép cho doanh nghiệp khai thác và những loại khoáng sản nào không đem lại hiệu quả kinh tế cao thì hạn chế khai thác. Đồng thời, Bộ TN&MT cần phải có biện pháp để quản lý chặt chẽ những mỏ khoáng sản nhỏ lẻ để tránh bị thất thoát”, TS Doanh nhấn mạnh.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dia-phuong-phan-ung-vi-khong-duoc-thu-phi-bao-ve-moi-truong.aspx