Dịch bệnh dại tiếp tục diễn biến phức tạp

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đồng Nai đã ghi nhận 3 ổ bệnh dịch chó dại tại 3 huyện: Định Quán, Nhơn Trạch và Trảng Bom, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bé H. (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) được mẹ đưa đi tiêm huyết thanh và vaccine phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Dung

Đáng lưu ý, có nhiều người bị chó, mèo hoang, dại cắn rất nguy hiểm. Nếu không khẩn trương tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng bệnh dại kịp thời sẽ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng.

* Bỗng dưng bị chó, mèo cắn

Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết trung tâm vừa phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch, Trạm Y tế xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch) điều tra 2 trường hợp bị con chó dại cắn, cào.

Cụ thể, trưa 19-2, một con chó cỏ màu đen, không xác định rõ chó nhà nào, biểu hiện hung dữ, chảy nước dãi, mắt đỏ, đi lang thang, sau đó vồ đến cắn cháu N.H.P. (3 tuổi, ngụ ấp 3, xã Phú Thạnh) khiến cháu P. bị nhiều vết thương, riêng vết thương vùng gót chân trái bị chảy nhiều máu. Con chó này sau đó bị đánh đuổi đi.

Cùng trưa hôm đó, bà V.T.K.L. (50 tuổi, cùng ngụ ấp 3, xã Phú Thạnh) phát hiện con chó nói trên trốn trong nhà nên đuổi đi thì bị cắn vào cẳng chân trái, vết cắn nông, chảy ít máu. Con vật sau đó chạy lang thang và cắn nhau với vài con chó xung quanh khu vực. Đến chiều cùng ngày, nó được người dân nhốt lại và thông báo cho Trạm Thú y huyện Nhơn Trạch. Ngày hôm sau, Trạm Thú y huyện lấy mẫu đầu chó gửi Chi cục Thú y vùng VI làm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus bệnh dại.

Khi bị chó cắn, người dân nên rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Vết thương sau khi rửa bằng nước cần được rửa kỹ với cồn 70 độ hoặc cồn i-ốt. Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt, không nên đi lấy nọc, đắp thuốc nam, hoặc đắp lá cây, bã cà phê, ớt bột, nước ép, nhựa cây lên vết thương; không rạch hoặc làm giập nát thêm vết thương; không nên khâu kín vết thương.

Bà L. và bé P. sau đó đã được đưa đến cơ sở y tế thăm khám, được chỉ định và đã tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại. Cả 2 trường hợp này phải tiêm đủ 5 liều vaccine phòng bệnh dại mới đảm bảo yêu cầu.

Trước đó, bà N.T.B.T. (41 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa) bị một con chó hoang cắn vào chân, phải đi tiêm huyết thanh và vaccine phòng bệnh dại.

Bà T. cho hay, con chó hoang núp dưới xe ô tô của bà đang đậu trong bãi xe, thấy bà T. chuẩn bị lên xe thì nó lao ra cắn vào chân bà. Ngoài bà T., còn có 2 người khác trong cơ quan của bà cũng bị con chó này cắn. Con chó sau đó bị người dân vây bắt và nhốt, báo với lực lượng chức năng.

Còn trường hợp bé T.G.H. (12 tuổi, ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) phát hiện con mèo hoang ở chung cư nơi em sinh sống nên lại gần chơi với mèo và bị mèo cắn, cào ở nhiều nơi trên cơ thể.

Cha bé H. cho biết, sau khi bị mèo cắn, bé không nói với cha mẹ ngay, mà mãi mấy hôm sau thấy con mèo chết ở trên cây, bé mới nói cho vợ chồng anh biết bị mèo cắn, cào. Lo ngại dịch bệnh dại, cha mẹ bé H. đã lập tức đưa con đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm huyết thanh kháng bệnh dại và vaccine phòng bệnh dại.

* Cần đề cao cảnh giác

Bác sĩ Phan Văn Phúc cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp nhận rất nhiều người dân đến tiêm vaccine phòng bệnh dại. Thời gian trước đây, trung tâm hết huyết thanh kháng bệnh dại nên người dân phải đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ở Thành phố Hồ Chí Minh tiêm huyết thanh. Đến nay, trung tâm đã có huyết thanh trở lại để phục vụ người dân.

Một con chó mắc bệnh dại cắn người có thời gian phát bệnh cho đến khi chết từ 1-7 ngày. Khi bị chó, mèo cắn, người dân không nên đánh chết con chó, mèo ngay mà cần phải nhốt lại, báo cơ quan chức năng theo dõi tình trạng sức khỏe của con vật và tiêm liều lượng vaccine phù hợp.

Theo bác sĩ Phúc, thời tiết nắng nóng như hiện nay là điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch bệnh dại. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác phòng bệnh bằng cách không trêu đùa, nghịch chó, mèo. Những gia đình nuôi chó, mèo cần tiêm ngừa vaccine phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, không được thả rông chó, mèo ra đường. Khi cho chó, mèo ra đường cần phải rọ mõm và có biện pháp bảo vệ, tránh trường hợp chó, mèo cắn, cào người khác.

“Qua điều tra dịch tễ tại những địa phương có ổ dịch bệnh chó dại, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ mầm bệnh dại tồn tại trong đàn chó ở những khu vực này rất cao. Tỷ lệ đàn chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại chưa cao nên nguy cơ xuất hiện các ổ dịch bệnh dại mới rất lớn” - bác sĩ Phúc nhấn mạnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiến nghị Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, UBND các địa phương có ổ dịch bệnh chó dại tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh dại theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đề xuất Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai tiến hành quản lý chó, mèo, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo tại các xã có ổ dịch bệnh chó dại và các xã lân cận.

Người dân tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh dại. Khi bị chó, mèo cào, cắn nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tiêm phòng bệnh dại. Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện nghi bệnh dại hãy báo ngay với chính quyền địa phương để được giải quyết. Các hộ gia đình có nuôi chó, mèo trong khu vực có ổ dịch bệnh dại cần xích, nhốt, theo dõi các con vật có tiếp xúc với con vật lên cơn dại trong vòng 14 ngày và thông báo ngay với chính quyền khi có những biểu hiện bất thường.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202403/dich-benh-dai-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-5c8518c/