Dịch bệnh đang bùng phát: Đáng lo nhưng không nên hoang mang

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời gian gần đây việc báo chí, truyền thông truyền tải thông tin chưa đúng cách đã phần nào khiến cho người dân hoang mang, lo lắng về các dịch bệnh như tay chân miệng, sởi.

Dù thực tế tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, Báo chí cần nói về biện pháp phòng bệnh cho người dân và khuyến khích các phụ huynh có con nhỏ phải đưa con đi tiêm phòng vaccine phòng các bệnh dịch. Đặc biệt, các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, nhà trường cùng vào cuộc với ngành Y tế phòng chống dịch bệnh.

Những thông tin bất ngờ với dư luận

Tại Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sởi khu vực phía Nam do Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào chiều 10-10-2018, PGS.TS Phạm Văn Quang, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, thống kê 9 tháng tính từ đầu năm 2018 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có 2.180 ca nhập viện do bệnh tay chân miệng, trong đó có 46 ca nặng (độ 3, 4) và 1 ca tử vong. Tính riêng trong tháng 9-2018 đã có 814 ca nhập viện, tăng 182,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện có 83 ca sốt phát ban nghi sởi nhập viện. Riêng trong ngày 10-10, Khoa Nhiễm đang điều trị cho 19 ca sởi. Số ca sốt xuất huyết thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 và có 2 ca tử vong.

Số ca bệnh tay chân miệng và sởi vẫn đang tăng cao ở phía Nam.

Tại Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh, sáng 10-10, đã có khoảng 40 trẻ nhập viện vì bị bệnh tay chân miệng. Thạc sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm cho biết, nếu trong tháng 9, mỗi ngày nhập viện 50 ca, thì đến nay đã tăng lên đến 130 ca/ngày, trong đó có nhiều ca nặng cấp độ 4 phải thở máy, lọc máu…

Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong 9 tháng năm 2018, trên địa bàn thành phố có 4.066 ca bệnh tay chân miệng điều trị nội trú và 21.322 ca điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó, thành phố cũng ghi nhận 132 ca mắc bệnh sởi.

Một số địa phương kế cận cũng có số ca bệnh tay chân miệng và sởi tăng cao trong thời gian gần đây. Các đối tượng mắc bệnh là dân nhập cư nên rất khó quản lý. Riêng Bình Dương, từ tháng 9 đến nay có 112 ca sởi và trên 3.000 ca tay chân miệng. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, có đến 90% đối tượng nhập cư chưa được tiêm chủng hoặc không rõ lịch tiêm chủng.

Ở Đồng Nai, tháng 9 có trên 200 ca tay chân miệng nội trú, khoảng 500 ca ngoại trú mỗi tuần. Bệnh tay chân miệng gặp nhiều ở Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch.

Đến ngày 8-10, ở Đồng Nai có 190 ca sởi, trong đó chỉ tính riêng từ tháng 9 đến nay đã có 161 ca. Có tới 10/11 huyện ghi nhận có ca bệnh, tập trung tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, nhà trọ như Nhơn Trạch (87 ca), TP Biên Hòa (41 ca), Long Thành (31 ca). Số ca mắc phần nhiều tập trung ở nhóm trẻ sống trong các khu nhà trọ của công nhân, trẻ chưa tiêm chủng sởi và trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng…

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết số ca mắc bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam với hơn 4.000 trường hợp từ đầu năm đến nay (chiếm 77% cả nước), chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%). Tình hình dịch đang diễn biến khá phức tạp và bất thường có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới. Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Với bệnh sởi, dù đã có vaccine phòng ngừa nhưng hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine này vẫn đang khá thấp. Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, nếu như trước đây, với tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine từ 85-95% đã có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch thì hiện nay trong bối cảnh di biến động dân cư, giao lưu đi lại liên tục thì đòi hỏi tỷ lệ tiêm chủng phải cao hơn mới có thể kiểm soát được. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, đối với bệnh sởi, cần đẩy mạnh việc tiêm vét, nhất là các tỉnh có nguy cơ cao cần tiến hành tiêm vét trong tháng 12 và tháng 1-2019.

Điều dễ nhận thấy nhất và cũng đáng báo động nhất đó là việc có không ít các bậc cha mẹ trước đó đã không đưa con mình đi tiêm phòng vaccine bệnh sởi. Đây là thông tin có phần bất ngờ với dư luận.

Thực tế, điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tại tỉnh Đồng Nai cho thấy, tại các điểm nóng, nhiều ca mắc chỉ có 73% trẻ được tiêm mũi 1, 60% được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi ở thời điểm 9 và 18 tháng. Còn tại TP Hồ Chí Minh, mới chỉ có 62% trẻ được tiêm mũi 1 và 30% trẻ được tiêm mũi 2.

PGS.TS Phan Trọng Lân nhận định, với những vùng miễn dịch trong cộng đồng không cao, trong khi tỷ lệ tiêm chủng thấp như vậy sẽ dễ dàng bùng phát thành dịch. Trong cộng đồng chưa được tiêm chủng thì tỷ lệ lây lên đến 90%. Nhóm trẻ trên 5 tuổi mắc bệnh sởi, nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao, vì thế rất cần tăng cường tiêm phòng cho các đối tượng ngoài độ tuổi tiêm chủng; chủ động tiêm phòng cho cán bộ y tế, nhất là những nơi tiếp nhận bệnh nhân sởi để tạo hàng rào phòng dịch…

Chính quyền, người dân cùng chung tay phòng chống dịch với ngành Y tế

PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết trong giai đoạn 4 năm, sau khi Việt Nam triển khai thành công chiến dịch cho 20 triệu trẻ em tuổi từ 1 đến 14 tiêm vaccine phòng chống sởi, thì từ đó chúng ta đã cơ bản khống chế được dịch bệnh sởi. Hiện nay dịch sởi ở châu Âu đang diễn biến rất phức tạp như Ucraina đang có hàng mấy chục ngàn ca mắc bệnh; kể cả các nước như Ba Lan, Đức và Nga cũng có rất nhiều trường hợp mắc bệnh sởi…

Hiện thế giới đang xem xét lại việc tuyên bố về dịch sởi của các nước này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ năm 2015 thế giới đã thanh toán được bệnh sởi, một số nước tuyên bố đã hết bệnh sởi, nhưng nay bệnh đã quay lại.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

Trên thế giới, tỷ lệ tiêm chủng sởi đạt trung bình 85%, Việt Nam đạt tới 95%. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn một bộ phận người dân do không hiểu biết đầy đủ, vì hoàn cảnh mưu sinh, vì công việc vất vả nên chưa quan tâm chu đáo cho con mình, chưa cho con đi tiêm chủng. Còn một bộ phận rất nhỏ cách đây mấy tháng có trào lưu "anti vaccine" ở một số nước cũng góp phần khiến dịch sởi bùng phát trở lại như hiện nay.

"Tôi cho rằng tình hình hiện nay cũng chưa phải là đến mức độ quá phức tạp, nhưng có không ít bài báo đã khiến cho người dân hoang mang, lo lắng thái quá. Dùng từ "dịch chồng dịch" là không chuẩn xác, nó là tồn tại song song", PGS.TS Trần Đắc Phu nhắn nhủ.

Theo ông, số ca bệnh sốt xuất huyết thấp hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái; tay chân miệng dù tăng cao ở một số địa phương nhưng vẫn thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng về sởi là bệnh có vaccine phòng, nếu so với giai đoạn 2000-2004 và giai đoạn 2006-2010 thì nó vẫn thấp hơn rất nhiều. Đây là những điều cần phải xác định rõ ràng.

Ngoài ra, mỗi bệnh sẽ có cách phòng chống riêng; như tay chân miệng thì phải thực hiện tốt việc vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, cách ly tốt cho bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa việc lây cho người khác. Còn sởi thì phải tiêm vaccin sẽ phòng bệnh rất hiệu quả… Nhưng phương cách chung cho các bệnh lại có một số việc giống nhau, chẳng hạn như tuyên truyền làm sao để các cấp chính quyền các địa phương quan tâm sát sao, để người dân cùng tham gia vào phòng chống dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết những ngày qua ông đi nhiều tỉnh thành thì thấy rằng nhiều nơi chỉ có ngành Y tế vào cuộc, chứ chính quyền hầu như chưa có động thái gì đáng kể góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bệnh viện Nhi đồng 1, hỏi thăm bệnh nhân và động viên các y bác sĩ.

Do đó, điều quan trọng và cần phải quan tâm là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, đặc biệt vệ sinh cá nhân để phòng chống bệnh tay chân miệng và Cục Y tế dự phòng cùng các Sở Y tế cũng sẽ có những thực hành ở các cơ sở giáo dục, nhà trẻ… Bên cạnh đó, cần nâng cao việc tổ chức tiêm phòng, đặc biệt là trong thời gian tới sẽ tiêm vaccin phòng sởi bổ sung và tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm và tiêm chưa đủ liều.

"Tôi muốn nói rằng trách nhiệm phòng chống dịch bệnh không chỉ là của ngành Y tế mà là của cả chính quyền và của người dân. Nếu mọi người có ý thức tự giác thì không chỉ phòng bệnh cho bản thân mà còn phòng bệnh cho cả cộng đồng nữa", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc tiêm vaccine đảm bảo an toàn, tiêm đúng liều lượng, đảm bảo kỹ thuật, trách nhiệm thuộc về ngành Y tế. Nhưng việc vận động người dân đưa con đi tiêm phòng, quản lý về số lượng các trẻ… sẽ là việc của chính quyền các cấp; hay sự tuyên truyền vận động lại là việc của các cơ quan ban ngành đoàn thể, trong đó có báo chí truyền thông…

Tuy nhiên, vai trò trách nhiệm của người dân, của cá nhân là vô cùng quan trọng, vì thế cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, từ đó làm sao chuyển từ "yêu cầu" sang "nhu cầu" được tiêm vaccine sẽ đạt hiệu quả lớn. Bởi riêng việc tiêm chủng, nếu cách nay 5-7 năm, việc vận động đi tiêm chủng khá khó khăn, nhưng hiện nay với nhiều bố mẹ, tiêm chủng cho con là một nhu cầu, thậm chí nhiều người còn cho con đi tiêm chủng dịch vụ có mức giá cao hơn.

Ngày 11-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến làm việc với Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, Phó Thủ tướng đã dành thời gian đi thăm và động viên các y bác sĩ đang ngày đêm vất vả chống dịch sởi, tay chân miệng tăng cao trong thời gian gần đây.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực phòng chữa bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1 và chia sẻ vất vả với đội ngũ y tế thành phố trong thời gian qua. Phó Thủ tướng nhìn nhận tâm lý người dân, nhất là người có con nhỏ luôn muốn tìm chỗ tốt nhất chữa bệnh trong khi nâng cao hệ thống y tế cơ sở là cả quá trình dài. Do đó, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục chuẩn bị tinh thần trong thời gian sắp tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phải tăng cường công tác phòng chống dịch, phòng dịch lúc chưa có dịch, tránh đợi dịch bùng phát mới bắt đầu chống dịch và khẳng định phòng chống dịch cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ban ngành và toàn xã hội.

Phú Lữ

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/dich-tay-chan-mieng-soi-dang-bung-phat-dang-lo-nhung-khong-nen-hoang-mang-515103/