Dịch bệnh 'kép' ở Nam Phi

Ngoài gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, Nam Phi còn phải đối mặt với một dịch bệnh khác cũng nguy hiểm không kém, đang len lỏi vào hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, đó là tham nhũng. Đáng buồn hơn, những nỗ lực ứng phó với Covid-19 của quốc gia này đã bị ăn mòn bởi những hành vi tham nhũng liên quan gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD.

Sau khi Covid-19 bùng phát ở Nam Phi, chính phủ đã công bố gói cứu trợ trị giá 500 tỷ Rand (tương đương 30 tỷ USD) để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế và giảm thiểu thiệt hại mà đại dịch gây ra cho nền kinh tế cũng như đời sống người dân tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này. Thế nhưng, theo Tổng Kiểm toán Nam Phi Kimi Makwetu, ngân sách chống dịch Covid-19 đã bị thất thoát nghiêm trọng thông qua các hành vi tham nhũng, gian lận và nâng giá.

Trong chiến dịch nhằm làm trong sạch chính phủ, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã yêu cầu Tổng Kiểm toán Makwetu xem xét kỹ lưỡng các khoản chi chống dịch vào tháng 6 vừa qua. Theo đó, Nam Phi đã dành 147,7 tỷ rand (8,8 tỷ USD) để các cơ quan nhà nước tiến hành trợ cấp thực phẩm, mua thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), trợ cấp xã hội cho người thất nghiệp và thực hiện nhiều biện pháp khác.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Johannesburg, Nam Phi ngày 22-5-2020. Ảnh:TTXVN

Ông Makwetu và nhóm kiểm toán đã phát hiện hàng loạt khoản chi đáng ngờ. Kết quả kiểm toán đến thời điểm này cho thấy đã có dấu hiệu tăng giá, lừa đảo và né tránh quản lý chuỗi nguồn cung. Một số mặt hàng kém chất lượng do cơ quan y tế đặt mua có giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần giá thực.

Ngoài ra, ông Makwetu cũng phát hiện một số lỗ hổng trong việc chi ngân sách, cũng như sự vi phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng khoản quỹ trợ cấp thất nghiệp của các cơ quan nhà nước. Theo nguồn tin Eyewitness News, báo cáo sơ bộ từ cuộc kiểm toán cho thấy những người đã chết, tù nhân, quan chức, thậm chí trẻ em dưới độ tuổi lao động cũng nhận được trợ cấp thất nghiệp, trong khi những người khác lại không đủ tiêu chuẩn. Khoảng 30.000 trường hợp hưởng trợ cấp đã được liệt vào danh sách nghi vấn. Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động Nam Phi Thulas Nxesi cho biết, đã mở cuộc điều tra đối với 38 vụ án hình sự liên quan.

Nam Phi từng không ít lần rúng động vì những bê bối tham nhũng và lạm quyền. Nghiêm trọng hơn, những hành vi tham nhũng tinh vi lại được phát hiện ngay ở những quan chức cấp cao trong chính phủ.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 2-2018, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã tuyên bố sẽ đấu tranh để loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng vốn đã phát triển mạnh dưới thời người tiền nhiệm Jacob Zuma. Nhằm đưa đất nước thoát khỏi thứ “dịch bệnh” nguy hiểm này, ngày 27-8 vừa qua, ông tuyên bố phát động cuộc chiến chống tham nhũng bằng việc điều tra hành vi tham ô liên quan công tác mua sắm trang thiết bị phòng, chống Covid-19. Ông nêu rõ ít nhất 11 cơ quan chính phủ đang tiến hành điều tra các cáo buộc tham nhũng liên quan đến dịch bệnh.

Thực tế, không chỉ Nam Phi, các quốc gia khác trên thế giới cũng đang phải đối mặt với vấn đề tham nhũng liên quan nguồn cung các trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh. Có thể nói, sự bùng phát Covid-19 đã làm gia tăng rủi ro tham nhũng, đặc biệt là ngành y tế. Điều này xuất phát từ thực tế tốc độ lây lan nhanh của đại dịch đã buộc một số quốc gia phải bỏ qua nhiều quy định nghiêm ngặt, trong đó có đấu thầu cạnh tranh và các biện pháp kiểm soát khác, để thu mua trang thiết bị y tế, lương thực phục vụ cuộc chiến chống đại dịch, nhằm bảo đảm an toàn cho hàng triệu người dân. Thế nhưng, những kẻ tham nhũng lại coi đó là cơ hội vàng để trục lợi. Những lỗ hổng kiểm soát khiến các thỏa thuận “cửa sau” có cơ hội sinh sôi. Bởi vậy mới có chuyện chiếc khẩu trang có giá “khủng” tới hơn 40USD hay những hợp đồng mua sắm trang thiết bị lại được trao cho công ty có người đứng đầu từng bị cáo buộc gian lận và chiếm dụng công quỹ.

Tham nhũng mùa dịch có lẽ là câu chuyện không của riêng quốc gia nào. Nhằm ngăn chặn thứ dịch bệnh quái ác này, ngoài những nỗ lực của chính phủ, nhiều quốc gia cũng kêu gọi sự chung tay góp sức của người dân và các cơ quan truyền thông, những người đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi sai phạm, lợi dụng bối cảnh dịch bệnh để trục lợi bất chính.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dich-benh-kep-o-nam-phi-634065