Dịch bệnh tại châu Âu: Tây Ban Nha hơn 4.000 ca tử vong, Ý ca nhiễm giảm

Nhân viên y tế làm việc tại khu điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 20/3/2020. Nguồn:THX/TTXVN

* Thêm các ca nhiễm mới tại Lào

Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 26/3 thông báo nước này đã ghi nhận 655 ca tử vong do viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng do virus SARS-CoV-2 lên con số 4.089.

Mặc dù vậy, đà tăng này vẫn được xem là lạc quan so với với mức tăng cao kỷ lục 738 trường hợp trong một ngày trước đó.

Trong khi đó, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng tăng lên mức 56.188 trường hợp, so với con số 47.610 trường hợp ghi nhận trong ngày 25/3.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tại phiên họp báo sáng 26/3 (theo giờ địa phương), Bộ Y tế Bỉ thông báo nước này ghi nhận thêm 1.298 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại quốc gia châu Âu này lên 6.235 ca, trong đó tổng số người tử vong là 220 trường hợp.

Bộ Y tế Bỉ cho biết số người phải nhập viện trong ngày 26/3 là 536 người, trong khi tổng số người phải chăm sóc tích cực hiện là 605 và tổng số người khỏi bệnh là 675 trường hợp.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Bỉ, một thủy thủ của tàu hộ tống chống ngầm Leopold 1 thuộc hải quân Bỉ đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-Cov-2. Thủy thủ này đã được đưa lên bờ tại cảng Den Helder của Hà Lan.

Tàu hộ tống chống ngầm Leopold 1 đang có nhiệm vụ phối hợp với tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp. Tuy nhiên, do phải thực hiện các biện pháp phòng dịch, tàu này buộc phải trở về cảng Zeebruges của Bỉ.

Tất cả các biện pháp cần thiết để phòng dịch COVID-19 sẽ được thực hiện khi Leopold 1 cập bến - dự kiến vào sáng 27/3, đối với cả thủy thủ đoàn lẫn tàu chiến.

Ý, quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất trong khu vực, đã chứng kiến một tỉ lệ tăng ca nhiễm mới tương đối thấp hơn, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để nói rằng nước này đã đạt đỉnh của đại dịch.

Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu ngày 26/3 cho biết cơ quan này đã nhận thấy "những tín hiệu đáng khích lệ" trong bối cảnh tỉ lệ các ca nhiễm mới của bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Ý đã giảm xuống.

Mặc dù vậy, cơ quan này khẳng định vẫn còn quá sớm để nhận định rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua đi.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Kluge, nêu rõ: "Mặc dù tình hình vẫn rất nghiêm trọng, nhưng chúng ta đang bắt đầu nhận thấy một số tín hiệu khích lệ. Ý, quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất trong khu vực, đã chứng kiến một tỉ lệ tăng ca nhiễm mới tương đối thấp hơn, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để nói rằng nước này đã đạt đỉnh của đại dịch".

Theo Văn phòng WHO khu vực châu Âu, khu vực này hiện đã ghi nhận hơn 220.000 trường hợp mắc COVID-19 và 11.987 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Điều đó có nghĩa rằng khoảng 60% số các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 70% số các trường hợp tử vong là ở châu Âu.

Trong khi đó, số các trường hợp mắc COVID-19 trên toàn thế giới hiện đã vượt mức 400.000 người.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang bủa vây khắp châu Âu, nhiều quốc gia trong khu vực đã ban bố nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, trong đó bao gồm cả lệnh đóng cửa các đường biên giới, phong tỏa các thành phố, tạm đình chỉ các hoạt động sản xuất và kinh doanh hay thực hiện dãn cách xã hội...

Theo ông Kluge, Văn phòng WHO khu vực châu Âu sẽ sớm tiến hành đánh giá các mức tác động cũng như hiệu quả của từng biện pháp phòng chống dịch bệnh này.

Tuy nhiên, ông Kluge cũng cảnh báo chính quyền và người dân các nước về "một hiện thực mới" rằng dịch COVID-19 sẽ để lại những ảnh hưởng rất nghiêm trọng, cần một thời gian dài để có thể hồi phục.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Trung Quốc sẽ hỗ trợ Ý thiết lập một bệnh viện dã chiến tại vùng Marche để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Dự kiến, bệnh viện dã chiến sẽ được thiết lập và đi vào hoạt động trong vòng 3 ngày với sự hỗ trợ của đội ngũ gồm 50 bác sĩ, 80 y tá và 30 kỹ thuật viên của Trung Quốc. Đây là đội ngũ nhân viên y tế và chuyên gia đã trực tiếp tham gia cuộc chiến với COVID-19 tại Vũ Hán.

Theo Chủ tịch vùng Marche Luca Ceriscioli, bệnh viện dã chiến sẽ được đặt tại khu vực bệnh viện Torrette ở Ancona với khoảng 60 giường bệnh điều trị tích cực.

Chủ tịch Liên đoàn Bác sĩ quốc gia Ý (Fnomceo), ông Filippo Anelli, đã yêu cầu cung cấp bổ sung các thiết bị bảo hộ cá nhân cho các nhân viên y tế trên cả nước, bao gồm cả những người có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 và những người đã tiếp xúc với các trường hợp nhiễm bệnh.

Cũng trong ngày 26/3, giới chức y tế Thụy Sĩ thông báo số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng lên 10.714 ca, trong khi số ca tử vong là 161 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Liên bang Nga ngày 26/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 182 trường hợp bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 18 tỉnh thành.

Tất cả các bệnh nhân mới này trong hai tuần qua đều đã đến các quốc gia đang bùng phát dịch COVID-19.

Như vậy tính đến tối 26/3 (theo giờ Việt Nam), tổng số bệnh nhân COVID-19 ở Nga là 840 người (546 trong số này ở thủ đô Moscow), 38 người đã hồi phục và hai người tử vong. Khoảng 139.000 người đang được giám sát y tế.

Trước đó, Chính phủ Nga đã chỉ thị cho Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Rosaviasia dừng toàn bộ mọi chuyến bay tới các quốc gia khác, ngoại trừ các chuyến bay đưa người Nga về nước.

Tuần từ ngày 28/3 đến 5/4 được thông báo là tuần nghỉ làm đối với người dân Nga. Tất cả các tỉnh thành của Nga cũng đang áp dụng chế độ cảnh báo cao do COVID-19.

Chiều 26/3, Bộ Y tế Lào thông báo đã có thêm 3 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca tại nước này lên 6 ca chỉ 2 hai ngày sau khi có 2 ca nhiễm đầu tiên.

Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 25/3, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã yêu cầu người dân tuân thủ mọi biện pháp phòng ngừa của Bộ Y tế, hạn chế tiếp xúc xã hội đồng thời cân nhắc trước khi có ý định di chuyển tới các địa phương khác.

Thủ tướng Lào cũng yêu cầu các cơ quan hạn chế tối đa việc họp hành hoặc tổ chức các hoạt động đông người, áp dụng hình thức làm việc tại nhà và giao tiếp trực tuyến nếu điều kiện cho phép.

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lao động Lào tại các nước láng giềng, chủ yếu ở Thái Lan, trở về nước rất đông, đặt ra thách thức lớn cho các nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat đã công bố gói ngân sách bổ sung thứ hai, gọi là gói Ngân sách phục hồi, nhằm đối phó với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 gây ra.

Gói ngân sách này lên tới 48,4 tỉ SGD (33 tỉ USD) và tập trung vào 3 mục tiêu chính gồm duy trì việc làm, hỗ trợ người lao động và đảm bảo mức sống người dân; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trước mắt; và củng cố, tăng cường năng lực tự phục hồi xã hội và kinh tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, chính phủ sẽ phân bổ 15,1 tỉ SGD cho gói hỗ trợ việc làm, tăng hơn 10 lần so với gói hỗ trợ tương tự được công bố trong Ngân sách 2020. Gói hỗ trợ này sẽ giúp các doanh nghiệp và công ty duy trì được 1,9 triệu lao động.

Ngoài ra, gói hỗ trợ SEP (những cá nhân tự kinh doanh) trị giá 1,2 tỉ SGD sẽ cung cấp cho mỗi cá nhân tự kinh doanh đủ điều kiện khoản tiền 1.000 SGD/tháng trong vòng 9 tháng, kéo dài đến tháng 12/2020.

Chính phủ Singapore cũng triển khai Sáng kiến SGUnited Jobs với mục tiêu tạo ra thêm 10.000 việc làm trong năm tới, trong đó, lĩnh vực dịch vụ công sẽ tăng cường các kế hoạch tuyển dụng đối với cả các vị trí việc làm tạm thời trong ngắn hạn và cả các vị trí lâu dài.

Chính phủ cũng sẽ có những linh động hơn đối với chương trình ComCare để giúp đỡ, hỗ trợ những công dân Singapore bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cũng như sẽ tạm dừng thu tất cả các loại thuế và phí đối với toàn bộ các dịch vụ của chính phủ trong vòng 1 năm bắt đầu từ ngày 1/4/2020 và kéo dài đến ngày 31/3/2021.

Để có nguồn vốn thực hiện các biện pháp này, Chính phủ Singapore đã kiến nghị và được sự chấp thuận về mặt nguyên tắc của Tổng thống Halimah Yaacob về việc trích khoảng 17 tỉ SGD từ ngân sách dự trữ quốc gia để cấp vốn cho gói Ngân sách phục hồi.

Với gói ngân sách này, Singapore đã dành tới gần 55 tỉ SGD (chiếm tới gần 11% GDP) để triển khai các biện pháp đối phó với hậu quả nặng nề mà đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra.

Theo ông Heng Sweet Keat, đại dịch COVID-19 đã đẩy Singapore vào một cuộc “khủng hoảng phức tạp, chưa từng có” và được xem là “sự suy giảm kinh tế tồi tệ nhất” kể từ khi nước này giành độc lập.

Cũng trong sáng 26/3, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng chính thức của Singapore xuống còn từ -4% đến -1%.

Việc trích nguồn vốn từ nguồn ngân sách dự trữ quốc gia của Singapore là vô cùng hãn hữu và chỉ mới được thực hiện duy nhất một lần trước đây trong thời gian diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Khi đó, Tổng thống S. R. Nathan đã chấp thuận việc trích 4,9 tỉ SGD để cấp vốn cho các biện pháp hỗ trợ.

Chiều cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Malaysia phát thông cáo cho biết Nội các nước này quyết định đóng góp 2 tháng lương của Thủ tướng, Bộ trưởng và Thứ trưởng để ủng hộ Quỹ COVID-19.

Tổng đóng góp của Nội các Malaysia cho quỹ COVID-19 lên tới hơn 1,77 triệu RM.

Quỹ COVID-19 được thành lập vào ngày 11/3 và đặt dưới sự quản lý của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia, đã được Chính phủ Malaysia rót vốn ban đầu là 1 triệu RM và kêu gọi sự quyên góp của người dân nhằm giúp đỡ những người do cách ly bởi đại dịch COVID-19 bị mất đi nguồn thu nhập. Tới tối 25/3, Quỹ này đã huy động được gần 8,5 triệu RM (hơn 2 triệu USD).

Còn tại Philippines, Hiệp hội y khoa Philippines ngày 26/3 thông báo cho đến nay ở nước này ghi nhận 9 bác sĩ tử vong do dịch COVID-19 trong bối cảnh các bệnh viện bị quá tải và đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu thiếu đồ dùng bảo hộ.

Trước đó, ngày 25/3, ba bệnh viện lớn ở thủ đô Manila thông báo đã hoạt động hết công suất và không thể tiếp nhận thêm các ca mắc bệnh.

Hiện hàng trăm nhân viên y tế phải nghỉ việc bởi họ đang tự cách ly 14 ngày do nghi mắc bệnh.

Tính tới ngày 24/3, Philippines mới xét nghiệm được cho gần 2.000 người trong số những người có những triệu chứng mắc bệnh nặng và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người lớn tuổi, người có tiền sử bệnh tật và phụ nữ mang thai.

Theo thống kê đến giờ ngày 26/3, Việt Nam đã ghi nhận 153 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 17 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Tính đến 14 giờ ngày 25/3, có 136 bệnh nhân (101 người Việt Nam và 35 người nước ngoài) đang được điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/236756/dich-benh-tai-chau-au--tay-ban-nha-hon-4-000-ca-tu-vong-y-ca-nhiem-giam%C2%A0%C2%A0.html