Dịch COVID-19: Biến thể BA.5 có nguy cơ lấn át biến thể cũ ở Việt Nam

Tại Việt Nam, hiện biến thể phụ BA.2 chiếm chủ yếu với biểu hiện lâm sàng nhẹ. Tuy nhiên, biến thể phụ mới xâm nhập BA.5 của chủng Omicron có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ.

(Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+)

Biến thể phụ của Omicron là BA.5 và BA.4 tiếp tục có xu hướng tăng lên trên toàn cầu, đã được phát hiện ở lần lượt 62 và 58 quốc gia.

Theo Bộ Y tế, với xu hướng giao thương đi lại tấp nập như hiện nay, việc các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Việt Nam là điều không thể tránh khỏi.

Các biến thể mới có thể lây lan hơn

Giáo sư Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đến nay một số nước ở châu Âu và Mỹ đã xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 và bắt đầu có sự gia tăng về số mắc. Tại Việt Nam, hiện biến thể phụ BA.2 chiếm chủ yếu với biểu hiện lâm sàng nhẹ. Tuy nhiên, biến thể phụ mới xâm nhập BA.5 của chủng Omicron có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ.

Theo ông Lân, về tính lây lan của 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5, hiện nay thế giới vẫn đang tiếp tục các đánh giá. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2. Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi.

Tuy nhiên, để có được bức tranh đầy đủ hơn về biến chủng này, các nhà khoa học vẫn đang có những nghiên cứu bài bản hơn.

Tiến sỹ Sorroco Escalante-Quyền Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết khi virus tiếp tục lưu hành sẽ thấy xuất hiện nhiều biến thể mới. Các biến thể mới có thể dễ lây lan hơn và có thể gây ra bệnh nặng hơn. Các biến thể mới có thể dễ dàng lan truyền, đặc biệt là khi du lịch toàn cầu tăng lên.

Tiến sỹ Sorroco Escalante-Quyền Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo bà Sorroco Escalante, các biến thể phụ của Omicron là BA.5 và BA.4 tiếp tục có xu hướng tăng lên trên toàn cầu và đã được phát hiện lần lượt ở 62 và 58 quốc gia. Ở một số quốc gia, sự gia tăng các trường hợp mắc cũng dẫn đến sự gia tăng nhập viện và cần chăm sóc tích cực.

“Có một điều cần khẳng định là COVID-19 không phải là một bệnh nhẹ. Ngay cả khi bạn khỏe mạnh thì không có gì đảm bảo rằng khi mắc bệnh bạn sẽ bị nhẹ. Tiêm vaccine bao gồm cả liều nhắc lại giúp ngăn ngừa việc mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể dẫn đến nhập viện và tử vong," Tiến sỹ Sorroco Escalante phân tích.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều

Theo WHO, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, virus SARS-CoV-2 tiếp tục lưu hành và các ca bệnh đang gia tăng ở một số nơi trên thế giới.

Trên toàn cầu, mặc dù các trường hợp mắc mới được báo cáo và tử vong do COVID-19 tiếp tục giảm, nhưng vẫn còn hơn 3 triệu ca mắc mới và hơn 7.000 ca tử vong xảy ra vào tuần trước.

Bộ Y tế cũng lưu ý hiện nay hội chứng hậu COVID-19 là một trong những hội chứng có biểu hiện triệu chứng đa dạng, phức tạp nhất và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu trên thế giới. Hậu COVID-19 có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan như: Hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da... trong thời gian dài có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội bình thường của người bệnh.

Theo thông báo trong tháng 6/2022 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 60% trường hợp mắc bệnh bị hậu COVID-19 và 30% phải nhập viện điều trị hậu COVID-19.

Phân tích về vai trò của vaccine, Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho hay hiệu quả bảo vệ của vaccine với biến thể Omicron có thể giảm nhưng vẫn có hiệu lực, vẫn tốt. So sánh 2 đợt bùng phát dịch vừa qua tại miền Nam và miền Bắc, khi chưa tiêm chủng vacccine và khi đã tiêm, kết quả có thể thấy năm ngoái số mắc rất cao, tử vong lớn, ca nặng nhập viện nhiều nhưng thời gian gần thì không. Điểm quan trọng của vaccine là tỷ lệ mắc bệnh không nặng, không tử vong.

Theo Bộ Y tế, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vacccine phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Bộ Y tế đã có hướng dẫn 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về việc tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ từ 12-17 tuổi (tiêm nhắc mũi 3).

Hiện nay đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai lịch tiêm nhắc vacccine phòng COVID-19 cho người lớn và trẻ vị thành niên.

Để bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tích cực ủng hộ và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vacccine phòng COVID-19 đủ liều và đúng lịch./.

T.G (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dich-covid19-bien-the-ba5-co-nguy-co-lan-at-bien-the-cu-o-viet-nam/801044.vnp