Dịch Covid-19: Cần ngăn chặn hành vi 'thừa nước đục thả câu' để không thành 'đại dịch'

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, trong khi cả hệ thống chính trị đã vào cuộc chống dịch Covid-19 với tinh thần 'chống dịch như chống giặc' và 'sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế vì sức khỏe của người dân'. Thì đâu đó trong mùa dịch, một số cá nhân, tiểu thương, doanh nghiệp vì lợi ích kinh doanh đã làm bùng phát một loại dịch mới, dịch 'trục lợi'. Trước vấn đề này nhiều người cho rằng, hành vi 'thừa nước đục thả câu' là không thể chấp nhận.

Sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) bùng phát tại Trung Quốc và có dấu hiệu lan rộng thì ngay lập tức tại Việt Nam, Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó chủ công là Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân căng mình lo chống dịch, lo giải phóng hàng hóa xuất khẩu (chủ yếu là hàng nông, thủy sản tươi sống) đang ùn ứ tại cửa khẩu; lo tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu để đảm bảo sản xuất, cung ứng không chỉ với thiết bị y tế, nhất là khẩu trang, nước sát khuẩn mà là hàng hóa của Việt Nam nói chung… thì cũng có không ít kẻ đã “thừa nước đục thả câu”, đang tâm gian dối, lừa đảo đồng bào mình để thu lợi.

Còn nhớ những ngày đầu dịch, trong khi nhà nhà, người người tìm mua, chia nhau từng chiếc khẩu trang y tế, từng chai nước rửa tay sát khuẩn thì chỉ một dòng tin kêu gọi trên mạng xã hội, cả khu chợ thuốc lớn nhất Thủ đô đã chưng biển “hết hàng” nhằm tăng giá và đối phó với sự kiểm soát giá từ lực lượng chức năng.

Tệ hại hơn, vì lợi nhuận, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã chủ tâm sản xuất, buôn bán khẩu trang y tế kém chất lượng, thậm chí, người ta dùng cả giấy vệ sinh để sản xuất khẩu trang, và đỉnh điểm là thu gom luôn khẩu trang y tế đã qua sử dụng với mục đích quay vòng bán lại kiếm lời. Rồi đầu đó, thị trường xuất hiện thẻ chống virus Covid-19 không chỉ được bán công khai tại khu chợ thuốc ở Hà Nội, mà còn thông qua mạng xã hội, chiếc thẻ nhựa bé bằng chiếc thẻ ATM được giới thiệu như “thần dược” chống mọi virus với giá bán không hề rẻ, để rồi sau đó các chuyên gia y tế khẳng định điều ngược lại về công dụng.

Trước hành vi “thừa nước đục thả câu”, kiếm chác lợi nhuận trên nỗi sợ hãi, nỗi đau của người khác…cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp vi phạm đạo đức kinh doanh. Có lẽ không cần phải nói nhiều, chỉ cần nhìn vào con số 5.261 vụ vi phạm từ ngày 31/1 đến 27/2 bị lực lượng Quản lý thị trường xử phạt, cùng số tiền xử phạt hành vi vi phạm gần 1,7 tỉ đồng từ các gian thương đã nói lên tất cả.

Không chỉ có các mặt hàng “hot” như khẩu trang, nước rửa tay khô, một số mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long, khoai lang, tôm hùm… sau khi gặp khó trong quá trình thông quan vì dịch Covid-19, ngay lập tức đã được các tiểu thương nhỏ nhảy vào cuộc xâu xé “giải cứu”. Và thực tế, giá “giải cứu” các loại nông sản này so với ngày thường cũng không rẻ hơn bao nhiêu, thậm chí có sản phẩm loại 2, loại 3, nhưng chỉ cần vài chữ nguệch ngoạc “giải cứu” thì sản phẩm đã dễ dàng được đẩy lên mức giá loại 1…

Từ những hành vi trên có thể thấy rằng, những hành vi lừa dối người tiêu dùng, vi phạm đạo đức kinh doanh nói trên, dù không ít, song cũng không phải là hiện tượng đại diện cho cả xã hội, nhưng lại làm ảnh hưởng đến những thương nhân, doanh nhân và những người dân Việt nhân hậu. Bởi cũng trong thời điểm những hiện tượng xấu diễn ra, ở biên giới, cùng với các lực lượng chức năng căng mình chống dịch và giải phóng hàng nông, thủy sản tươi sống xuất khẩu, thì rất nhiều gia đình gần đó đã mời lái xe nhỡ chuyến về nhà ở miễn phí, những hộp cơm, những chai nước được tặng với tình cảm chân thành nhất.

Nhiều nơi trong cả nước, không chỉ có cảnh sát giao thông, các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân mà đến cả nhà sư cũng tự nguyện ra “đứng đường” để phát miễn phí từng chiếc khẩu trang y tế, từng chai nước xịt khuẩn… cho những người mà họ hoàn toàn không quen biết. Rồi người người, nhà nhà tình nguyện móc hầu bao mua nông sản giúp bà con nông dân; siêu thị, trung tâm thương mại ồ ạt bỏ vốn nhập nông sản để cung ứng ra thị trường với giá rẻ mà trong số đó, nhiều đơn vị chấp nhận thua thiệt về kinh tế… đó chính là sự tử tế trong kinh doanh, tình người trong lúc hoạn nạn.

Thiết nghĩ, một con sâu không thể làm rầu nồi canh, tuy nhiên, để những hành vi trục lợi bất chính, “đục nước béo cò” của một bộ phận tiểu thương không trở thành đại dịch. Thiết nghĩ, sự vào cuộc mạnh tay của các cơ quan chức năng là cần thiết, song điều quan trọng nhất vẫn là ý thức, là giá trị đạo đức của người kinh doanh và những thứ đó không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai. Đạo đức, đó chính là điều đang còn thiếu của những người làm ăn “chộp giật”, “thừa nước đục thả câu” trên chính nỗi đau của cộng đồng, sự sợ hãi của xã hội…

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dich-covid-19-can-ngan-chan-hanh-vi-thua-nuoc-duc-tha-cau-de-khong-thanh-dai-dich-104035.html