Dịch Covid-19 khiến hàng không Việt Nam có thể tăng trưởng âm

Trung bình mỗi tuần, ngành hàng không của Việt Nam 'mất' khoảng 100 chuyến bay từ Trung Quốc, nhiều chuyến bay đến các thị trường khác cũng bị sụt giảm nghiêm trọng…

Nhiều chuyên gia hàng không nhận định, những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến vận tải hàng không thế giới sẽ “chạm đáy” trong vòng 17 năm. Điều này một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với ngành hàng không thế giới.

Thiệt hại từ 4-5 tỷ đô la Mỹ trong quý I

Theo Flightglobal.com, dịch Covid-19 đã khiến hơn 70 hãng hàng không bao gồm American Airlines, tập đoàn Lufthansa hủy tất cả các chuyến bay đến/ đi từ Trung Quốc, trong khi 50 hãng khác trong đó có Singapore Airlines và Cathay Pacific đã giảm số lượng chuyến bay đến quốc gia này.

Điều này dẫn đến việc giảm 80% công suất của các hãng hàng không nước ngoài đối với các đường bay đến/ đi Trung Quốc và giảm 40% công suất của các hãng hàng không Trung Quốc, trái ngược hoàn toàn so với kế hoạch tăng trưởng 9% trong quý I.2020 như kế hoạch đã đề ra.

Để phòng dịch Covid-19, khách quốc tế khi đến Việt Nam được kiểm tra thân nhiệt.

Để phòng dịch Covid-19, khách quốc tế khi đến Việt Nam được kiểm tra thân nhiệt.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) dự báo, tác động của dịch Covid-19 đối với ngành hàng không cao hơn rất nhiều so với dịch SARS năm 2003. Dự kiến doanh thu của các hãng hàng không trên thế giới thiệt hại từ 4-5 tỷ đô la Mỹ trong quý I do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhật Bản sẽ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức thiệt hại 1,15 tỷ USD, đứng thứ hai là Thái Lan với mức thiệt hại ước tính 1,15 tỷ USD.

Tất nhiên ngành hàng không của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, ba hãng hàng không lớn nhất của tâm điểm dịch bệnh đã phải cắt giảm từ 80-90% công suất quốc tế. Chỉ trong 5 tuần, Trung Quốc rơi từ vị trí thứ 3 xuống thứ 25 trong bảng xếp hạng các hãng hàng không trên thế giới.

Ngành du lịch - hàng không trong nước “lao đao”

Theo ghi nhận của phóng viên Người Đô Thị, các công ty du lịch trong nước đang rơi vào giai đoạn khó khăn khi lượng khách du lịch giảm kỷ lục. Một quản lý cổng thương mại điện tử chuyên về đặt phòng khách sạn 5 sao cho biết, tỷ lệ khách quốc tế đặt phòng khách sạn trong tháng 2 giảm 50% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tỷ lệ hủy và lùi ngày đặt phòng khách sạn cũng rất cao, nhất là sau khi báo quốc tế đưa những thông tin về xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện cách ly nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Số liệu từ các cơ sở lưu trú cho thấy, tính đến ngày 17.2 đã có 42.773 lượt khách hủy phóng, số ngày phòng bị hủy là 30.665 ngày

Nhà ga T1 sân bay Nội Bài đìu hiu khách, khác hẳn thời điểm khi chưa có dịch Covid-19.

Thống kê Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, phần lớn khách du lịch quốc tế đã hủy tour du lịch đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong giai đoạn từ tháng 1-4. Tính đến ngày 17.2, đã có khoảng trên 19.800 khách hủy tour, trong đó có tới 17 nghìn khách Trung Quốc và số còn lại là khách của các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, Indonesia, châu Âu, Mỹ… Ngoài ra hơn 15 nghìn lượt khách Việt Nam cũng hủy tour đi du lịch nước ngoài.

Tình trạng hủy tour cũng kéo theo lượng hành khách đi đường hàng không sụt giảm trên cả những tuyến bay trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Huy Dương, Phó Giám đốc Cảng hàng không Nội Bài, cho biết thời điểm trước Tết (ngày 28 tháng chạp) và mồng 5 Tết, cảng Nội Bài chỉ có khoảng 600 lượt chuyến, giảm 15% so với kế hoạch đặt ra, các hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA), Vietjet air giảm từ 20-25 chuyến/ngày. "Nghịch lý ở chỗ, các hãng yêu cầu cảng bố trí thêm vị trí đỗ tàu bay cho những máy bay không hoạt động thời gian này", ông Dương nhấn mạnh.

Thông tin từ Cục hàng không Việt Nam, năm 2019, sản lượng hành khách của Trung Quốc đạt 7,8 triệu lượt khách, đứng thứ 2 sau thị trường Hàn Quốc với 9 triệu khách. 14 hãng bay trong đó có 11 hãng bay của Trung Quốc và 3 hãng bay của Việt Nam (gồm VNA, Vietjet air, Jesta Pacific) tham gia vận chuyển hành khách đi lại giữa 2 nước với 72 đường bay từ 5 điểm của Việt Nam đến 48 điểm tại Trung Quốc.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm đáng kể.

Ngày 1.2.2020, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ các đường bay đi/đến từ vùng dịch tạm dừng khai thác nhằm phòng tránh dịch bệnh Covid-19, ngoại trừ một số chuyến bay vận chuyển hàng cứu trợ và đưa công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về. Sự cố này đã khiến thị trường hàng không trong nước giảm trung bình 100 chuyến/tuần đối với các chuyến bay từ Trung Quốc, cùng nhiều chuyến bay đến/ đi từ các thị trường Hồng Kong, Macao, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Các hãng hàng không trong nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất, việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc và sự sụt giảm đáng kể của các đường bay quốc tế và nội địa có thể khiến VNA mất doanh thu khoảng 450 tỷ đồng/ tuần. Ngoài ra, hãng còn bị thiệt hại nhiều chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách, công tác vệ sinh môi trường… Trả lời báo chí, đại diện VNA cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của hãng lớn hơn rất nhiều so với dịch SARS vào năm 2003.

Vào năm 2003, dịch Sars đã khiến lượng khách du lịch bằng đường hàng không thế giới chỉ tăng trưởng 0,7%, trong đó riêng Việt Nam giảm đến 1,7%.

Tác động của dịch Covid-19 đã làm hiệu quả sản xuất, kinh doanh Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) suy giảm 20% so với bình thường. Dễ nhận thấy là tình trạng vắng vẻ tại các sân bay quốc tế. Hiện nay đa phần các chuyến bay quốc tế là khách bay về nước, không có nhiều người mới đến, số lượng khách quốc tế hủy chuyến tới Việt Nam tăng, trong khi lượng khách bay nội địa cũng sụt giảm đáng kể.

Các chuyến bay đi Đài Loan giảm 50%, trong khi hầu như không có hành khách bay tới Hồng Kong, Macao (Trung Quốc). Đại diện cục Hàng không Việt Nam dự báo, ngành hàng không có thể tăng trưởng âm trong năm nay.

Tháo gỡ khó khăn

Nhằm giảm thiểu những thiệt hại, các hãng hàng không trong nước đang tìm cách ứng phó. Trước tình hình dư thừa tàu bay, VNA đã thông báo cho thuê lại một số máy bay thân hẹp (A321) hoặc máy bay thân rộng (A350-900 hoặc B787-9/10). Thời gian cho thuê là 6 tháng hoặc theo nhu cầu, dự kiến bắt đầu từ tháng 4-2020.

Trong khi đó, Vietjet đẩy mạnh khai thác thị trường mới khi mở loạt 5 đường bay thẳng từ Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM tới các điểm đến Ấn Độ. Các hãng cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn…

Các hãng hàng không trong nước đang tìm cách ứng phó trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cục hàng không Việt Nam đã xây dựng ba kịch bản về tình hình diễn biến dịch bệnh và những thiệt hại kinh tế mà ngành hàng không phải đối mặt. Kịch bản dự kiến tình hình dịch bệnh kéo dài đến tháng 4 có thể khiến ngành hàng không thiệt hại khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Cục HKVN đã kiến nghị Bộ GTVT có những cơ chế hỗ trợ các hãng hàng không thông qua việc giảm giá dịch vụ hàng không do nhà nước quản lý (giá dịch vụ điều hành bay đi/đến, hạ cất cánh). Khuyến khích các hãng hàng không và nhà cung cấp dịch vụ hàng không chủ động thảo luận, hiệp thương để điều chỉnh mức giá dịch vụ, giãn tiến độ thanh toán giá dịch vụ phù hợp...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, có thể là đa dạng hóa các chuyến bay chở khách đến những vùng chưa có dịch và mở thêm nhiều tuyến khác để phục vụ cho hành khách, có thể là các chuyến bay nội địa đến các sân bay nhỏ, tăng công suất trên những đường bay hiện có…

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết hiện đoàn công tác của ngành hàng không cũng đang thực hiện đàm phán để mở thêm một số đường bay đến Úc trong thời gian tới. Ngoài ra, Cục cũng yêu cầu các hãng cắt giảm chi phí, có thể cho thuê, bán lại những máy bay tuổi đời cao và thương lượng với các nhà sản xuất máy bay lùi thời hạn bàn giao máy bay mới.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các hãng hàng không phối hợp với các công ty du lịch thiết kế những tour du lịch mới đến những tỉnh, địa phương không bị ảnh hưởng bới dịch như Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắc… để kích cầu du lịch. Ngành hàng không phối hợp với các đơn vị truyền thông những thông tin khả quan về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, công tác phòng chống dịch bệnh tại các tàu bay, cảng hàng không để tạo sự yên tâm cho hành khách khi sử dụng dịch vụ.

Dịch bệnh là một sự cố bất khả kháng và khó có thể dự đoán. Bởi vậy, trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cũng cần có những phương án dự phòng và nhanh nhạy với thị trường để đưa ra những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Minh Hân

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dich-covid-19-khien-hang-khong-viet-nam-co-the-tang-truong-am-22561.html