Dịch COVID-19: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Quan điểm này cần được vận dụng và không nên thu phí người lao động phổ thông, công nhân bị cách ly khi trở về quê.

Hải Phòng, Quảng Nam và Đà Nẵng thông tin sẽ thu phí những người con xa quê về lại quê nhà trong những ngày này.

Trong khi đó, phát biểu trên báo chí, hôm nay, 5-4, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, phát biểu trên báo chí cho biết: "Hiện chính quyền tỉnh chưa đưa ra văn bản, hay chỉ đạo nào thu phí thêm đối với các trường hợp như tỉnh bạn đang thực hiện. Đầu tuần đến, khi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh sẽ xem xét và nghe ý kiến từ các cấp ngành trực thuộc mới đưa ra quyết định cụ thể".

Nhưng ông Dũng cho biết về quan điểm cá nhân là: "Không thu thêm bất kỳ khoản phí nào với các trường hợp trở về quê, được đưa đi cách ly tập trung theo quy định kể từ ngày 1-4. Bởi lẽ đa số các trường hợp trở về là người lao động nghèo của địa phương, trong khi ngân sách đã dành một khoản kinh phí hỗ trợ quá trình đi cách ly tập trung rồi".

Đó là một quan điểm rất sâu sắc và nhân văn của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Bên trong một khu cách ly tập trung tại Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Bên trong một khu cách ly tập trung tại Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Bởi vì ai sẽ về trong những ngày này? Như bí thư Quảng Nam cho biết đặc điểm của bà con Quảng Nam đi xa chủ yếu là làm thuê. Hiện nay, một số công ty, công xưởng đóng cửa, bà con gặp khó trong vấn đề chỗ ở, sinh hoạt.

Hầu hết họ là dân lao động phổ thông và công nhân các khu công nghiệp. Có những người muốn về với mẹ, về quê - nhà mình. Tất nhiên, sẽ không có nhiều người về được quê nhà dịp này khi các phương tiện giao thông công cộng, vận tải hành khách đều tạm dừng hoạt động và hoạt động rất ít chuyến mỗi ngày theo lệnh của Bộ GTVT (chỉ khai thác ba đường bay và chạy hai đoàn tàu hỏa mỗi ngày để ngăn ngừa dịch COVID-19).

Ở đây chúng ta không bàn cãi về việc các địa phương trên bắt buộc cách ly tập trung thay vì khai báo y tế, tự theo dõi ở nhà và cách ly tại nhà như một số địa phương khác. Họ bị cách ly tập trung nhưng liệu có căn ke từng đồng quá không khi buộc những người lao động nghèo, lao động phổ thông, công nhân về quê phải trả tiền cách ly?

Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng (Hải Phòng gần Hà Nội phương tiện cá nhân di chuyển về dễ dàng hơn nên có thể sẽ nhiều người về hơn) đều tuyên bố thu phí. Hải Phòng và Đà Nẵng đều tuyên bố rõ ràng ngày tháng sẽ thu phí tất cả người dân về từ Hà Nội và TP.HCM.

Nghèo khó, họ về quê nhà lại được cho biết là sẽ thu phí cách ly. Họ sẽ rất buồn khi nghe những thông tin như vậy từ chính quê hương mình. Tất nhiên, trừ những người muốn được cách ly có thu phí.

Đó là chưa kể số tiền thu không lớn, 80.000 đồng tiền ăn/ngày, 40.000 đồng sinh hoạt/ngày (theo Nghị quyết 37 ngày 29-3). Mỗi địa phương tính bình quân cao nhất 150.000 đồng ngày/người, như vậy số tiền chi ra cho những người lao động nghèo được cách ly tập trung trong 14 ngày so với ngân sách các địa phương là không lớn.

Đó là chưa kể, những người lao động phổ thông ấy đã được đối đãi không công bằng với những trường hợp cách ly không thu phí trước khi có Nghị quyết 37 (là những người có điều kiện hơn: Du học sinh, người từ nước ngoài về và cả du khách).

Vì vậy, các địa phương trên có nhất thiết phải thu phí con em của địa phương mình, bị cách ly khi trở về quê nhà không? Chưa kể, Thủ tướng đã từng chỉ đạo rất nhân văn trong chống dịch COVID-19: "Không để ai bị bỏ lại phía sau".

LÊ PHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/dich-covid-19/dich-covid19-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-903094.html