Dịch COVID-19 làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh bán lẻ

Dù hàng hóa dồi dào nhưng có những thời điểm trên quầy, kệ tại các hệ thống phân phối như siêu thị, chợ hết hàng do người dân thay đổi thói quen mua sắm để đối phó với dịch bệnh.

Hội Lương thực thực phẩm (LTTP) TP.HCM cho biết hai tháng qua dịch COVID-19 đã đảo lộn gần như toàn bộ kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN), nhà bán lẻ.

Khan hàng cục bộ

Dù hàng hóa dồi dào nhưng có những thời điểm trên quầy, kệ tại các hệ thống phân phối như siêu thị, chợ hết hàng do người dân thay đổi thói quen mua sắm để đối phó với dịch bệnh. Một số mặt hàng chế biến đã được người dân mua trữ nhiều hơn, không ít người đi siêu thị mua một lần cho cả tuần để hạn chế việc phải ra đường.

Điều này đã khiến một số loại thực phẩm chế biến như cá nục, pate, gà ác, cháo gói,... rau củ quả dù được cung ứng về các hệ thống bán lẻ hiện đại nhiều nhưng vẫn xảy ra tình trạng khan hàng cục bộ. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống một số mặt hàng có hiện tượng tăng giá như rau củ, gia vị...

Diễn biến này một phần tạo ra tâm lý người dân vì sợ hàng hóa không đủ đáp ứng khi tình hình dịch bệnh ngày một diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào sẽ kết thúc.

Tuy nhiên, đa số DN uy tín trong ngành khẳng định lượng hàng hóa đảm bảo đủ cung ứng cho người dân thành phố tiêu thụ trong vài tháng tới và không có hiện tượng tăng giá.

Đơn cử tại Công ty Vissan nguồn hàng thực phẩm chế biến chiếm 1/2 tỉ trọng sản xuất của công ty, hiện nguyên liệu dự trữ cho sản xuất đủ dùng đến tháng 3-2021, do đó giá thành sản phẩm sẽ luôn được đảm bảo.

Mặt hàng gia cầm sản lượng cung ứng ra thị trường tăng gấp 2-3 lần so với nhu cầu tiêu thụ mọi năm. Bên cạnh đó, các DN cho biết sản lượng gạo dự trữ đảm bảo cung ứng đủ trong sáu tháng tới và giá không có biến động lớn.

Hội LTTP TP.HCM cho rằng dù gặp khá nhiều khó khăn nhưng các DN ngành LTTP thực hiện chính sách bình ổn giá theo chỉ đạo của thành phố tạo sự an tâm trong người tiêu dùng.

Thực phẩm được cung ứng nhiều tại các hệ thống bán lẻ hiện đại.

Thực phẩm được cung ứng nhiều tại các hệ thống bán lẻ hiện đại.

Cơ hội bán hàng của DN trong nước

Theo Hội LTTP, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của DN ngành chế biến thực phẩm trong năm 2020 vẫn còn gặp nhiều khó khăn và nắm giữ thị phần ở thị trường nội địa.

Cụ thể: Nhà nước đã có các gói kích cầu hỗ trợ DN vay vốn với lãi suất ưu đãi nhưng DN thường không dễ tiếp cận vì là DN nhỏ, cơ sở sản xuất nhỏ nên mặt bằng nhà xưởng, phương án sản xuất, kinh doanh, minh bạch tài chính kế toán không đạt yêu cầu quy định của các gói kích cầu.

Năng lực cạnh tranh của các DN còn yếu, hầu hết các DN trong ngành chủ yếu là DN vừa và nhỏ nên rất hạn chế về quy mô vốn và công nghệ. Các DN gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận kênh phân phối thị trường bán lẻ.

Đáng chú ý là thị phần tiêu thụ của DN trong nước ngày càng bị thu hẹp. Vì thị trường bán lẻ hiện đại bị thâu tóm bởi các DN ngoại như DN Thái mua lại chuỗi hệ thống bán lẻ Metro Cash và Carry, Big C... Tập đoàn bán lẻ Alibaba đã mua lại Lazada để thâm nhập nhanh vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Việc nắm giữ đa dạng hình thức bán lẻ này cho phép các DN ngoại chủ động trong việc thu mua, tận dụng lợi thế chuỗi để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Do vậy, cơ hội bán hàng của DN trong nước vào chuỗi bán lẻ này sẽ rất khó.

Tuy nhiên, các DN ngành đều cam kết tiếp tục tập trung sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chỉ tiêu quý I-2020 và cung ứng đủ, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hội sẽ đồng lòng cùng thành phố trong chính sách bình ổn thị trường,... góp phần hỗ trợ người dân trong mùa dịch bệnh. Cũng như sẽ hỗ trợ hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn mới, chuẩn bị tinh thần đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khác.

Hội LTTP đề xuất thành phố sớ́m có chính sách quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên biệt cho ngành chế biến LTTP với những chính sách ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ thúc đẩy ngành phát triển. Đồng thời thành phố cần sớm có cơ chế, chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước, thông qua việc hỗ trợ cho các DN bán lẻ uy tín trong nước như Saigon Co.op, Satra mart… phát triển thành thương hiệu bán lẻ mạnh là nơi phân phối chủ lực các sản phẩm trong nước.

Dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, hội đề xuất ngoài công tác chống dịch, trước mắt thành phố cần phải hỗ trợ DN trong việc tiếp cận mở rộng thị trường xuất khẩu mới thay thế một phần khi thị trường Trung Quốc đang quá nhiều khó khăn.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/dich-covid19-lam-dao-lon-ke-hoach-kinh-doanh-ban-le-893543.html