Dịch COVID-19 ở nhiều nước 'hạ nhiệt,' Trung Quốc thành điểm nóng mới

Mỹ tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 24.306.043 triệu ca nhiễm khiến hơn 405.261 người tử vong; tại châu Á, Trung Quốc đang trở thành điểm nóng mới với 88.227 ca nhiễm COVID-19.

Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 17/1 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận gần 95 triệu ca nhiễm, trong đó có 2.029.657 ca tử vong vì bệnh COVID-19. Tổng số ca đã bình phục là 67.759.039 ca.

Mỹ tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 24.306.043 triệu ca nhiễm khiến hơn 405.261 người tử vong.

Tiếp đến là Ấn Độ với 10.558.710 triệu ca nhiễm và 152.311 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm tại Brazil là 8.456.705 triệu người, trong đó 209.350 người tử vong.

Châu Âu vẫn là khu vực có tốc độ lây nhiễm cao nhất, với 27.338.980 ca, trong đó 623.738 ca tử vong.

Mặc dù Nga là quốc gia có số người mắc cao nhất với 3.544.623 ca, trong đó 65.085 ca tử vong, nhưng Anh là nước có tốc độ lây nhiễm cao nhất khu vực, với 41.346 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 3.357.361 ca, trong đó 88.590 ca tử vong.

Tiếp đến là Pháp, với 21.406 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 2.894.347, trong đó có 70.142 ca tử vong.

Tại Bồ Đào Nha, Văn phòng Bộ trưởng Tài chính cho biết Bộ trưởng Joao Leao đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, một ngày sau khi ông tham gia cuộc họp trực tiếp tại Lisbon với các quan chức hàng đầu của EU, trong đó có Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans và Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh châu Âu Margrethe Vestager.

Bộ trưởng Tài chính Leao, 46 tuổi, cho đến nay không có triệu chứng gì đặc biệt và sẽ tiếp tục làm việc tại nhà trong thời gian tự cách ly, dự kiến kéo dài từ 10-14 ngày.

Tại khu vực châu Á, Trung Quốc đang trở thành điểm nóng mới. Theo Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia của Trung Quốc ngày 16/1, nước này ghi nhận thêm 109 ca nhiễm mới, trong đó có 13 ca nhập cảnh, trong đó có 96 ca lây nhiễm trong cộng đồng; không có ca tử vong.

Như vậy, tính đến hết ngày 16/1, Trung Quốc ghi nhận 88.227 ca nhiễm, trong đó có 4.502 ca nhập cảnh từ nước ngoài; 4.635 ca tử vong; 82.387 ca được xuất viện.

Trong khi đó, tốc độ lây nhiễm tại một số nước đã thuyên giảm. Ngày 16/1, Trung tâm phòng chống dịch COVID-19 của Nga thông báo nước này sẽ nối lại các chuyến bay đến Việt Nam, Ấn Độ, Phần Lan và Qatar từ ngày 27/1 tới với tần suất vài chuyến mỗi tuần.

Thông báo của trung tâm nêu rõ, sau khi thảo luận và cân nhắc đến tình hình dịch bệnh tại những quốc gia nói trên, cơ quan này đã quyết định áp dụng nguyên tắc "có đi có lại" trong việc nối lại các chuyến bay đến Việt Nam với tuyến Moskva-Hà Nội (2 chuyến/tuần), Ấn Độ với tuyến Moskva-New Delhi (2 chuyến/tuần), Phần Lan với tuyến Moskva-Helsinki (2 chuyến/tuần), St. Petersburg-Helsinki (2 chuyến/tuần) và Qatar với tuyến Moskva-Doha (2 chuyến/tuần).

Trung tâm phòng chống dịch COVID-19 của Nga xác nhận tỷ lệ mắc COVID-19 tại Việt Nam, Ấn Độ, Phần Lan và Qatar ở mức dưới 40 ca/100.000 dân trong 14 ngày, đáp ứng tiêu chí về dịch tễ để nối lại hoạt động hàng không./.

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dich-covid19-o-nhieu-nuoc-ha-nhiet-trung-quoc-thanh-diem-nong-moi/689983.vnp