Dịch Covid-19 tại châu Âu diễn biến phức tạp

Không chỉ tại Italy, diễn biến dịch Covid-19 tại các quốc gia châu Âu khác như Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch cũng đang diễn biến phức tạp.

Cảnh sát làm việc tại một chốt kiểm tra tại Naples, Italy, ngày 11-3. (Ảnh: Reuters)

Cảnh sát làm việc tại một chốt kiểm tra tại Naples, Italy, ngày 11-3. (Ảnh: Reuters)

Italy bổ sung các biện pháp mới

Ngày 11-3, Italy ghi nhận thêm 196 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong trong nước lên 827, trong khi số ca mắc Covid-19 tăng từ 10.149 lên 12.462.

Italy là quốc gia có dân số già nhất châu Âu, với 23% dân số là người từ 65 tuổi trở lên. Đáng chú ý, người cao tuổi là đối tượng rất dễ nhiễm virus SARS-CoV-2. Các chuyên gia cho rằng, đặc điểm này có thể lý giải nguyên nhân tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Italy cao nhất thế giới (6,6%).

Ngay sau khi số liệu nêu trên được công bố, Italy đã bổ sung các biện pháp giới hạn mới để đẩy lùi dịch bệnh. Theo Văn phòng Thủ tướng Italy, các biện pháp mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 12-3 đến 25-3.

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo, mọi cửa hàng trên toàn quốc, trừ siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm và hiệu thuốc, sẽ tạm thời đóng cửa. Các công ty cũng phải đóng tất cả các bộ phận không cần thiết. Tuy nhiên, nhà ăn của các công ty có thể mở cửa nếu bảo đảm rằng khoảng cách giữa các khách hàng là ít nhất một mét. “Chúng ta sẽ thấy được tác động của nỗ lực lớn này trong vòng một vài tuần”, ông Conte nói.

Để ngăn ngừa dịch Covid-19 lan rộng, trước đó, Italy đã tiến hành phong tỏa ổ dịch tại miền bắc. Tuy nhiên, biện pháp này đã không giúp Italy ngăn chặn được dịch bệnh lây lan. Do đó, vào đầu tuần này, Chính phủ Italy đã ra sắc lệnh cấm mọi hoạt động đi lại không cần thiết và tụ tập đông người trên khắp cả nước từ ngày 10-3 đến 3-4. Tuy nhiên, Chính phủ Italy không yêu cầu ngừng hoạt động của dịch vụ tàu và các phương tiện giao thông công cộng khác như chính phủ Trung Quốc đã thực hiện tại tâm dịch Vũ Hán. Người đứng đầu một số vùng ở miền bắc Italy đề nghị chính phủ nước này làm theo biện pháp của Trung Quốc và cấm hầu hết các hoạt động thường ngày.

Thừa nhận tình hình trong nước ngày càng khẩn cấp, Thủ tướng Conte thông báo, chính phủ sẽ phân bổ 25 tỷ euro để giúp giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế đất nước. Một tuần trước, ông Conte ước tính Italy chỉ cần 7,5 tỷ euro cho mục tiêu này. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Italy Roberto Gualtieri cho rằng, Italy có thể cần đến sự hỗ trợ từ các nguồn quỹ của Liên hiệp châu Âu (EU) nhằm giảm gánh nặng tài chính công. Ông Gualtieri cam kết sẽ không có người dân Italy nào bị mất việc làm do cuộc khủng hoảng hiện nay và Chính phủ Italy đang xem xét các biện pháp giải ngân vốn ngân hàng để hỗ trợ các công ty và hộ gia đình đang phải chịu nhiều áp lực trong tình hình dịch bệnh.

Diễn biến tại các điểm nóng khác ở châu Âu

Bên ngoài Italy, diễn biến dịch Covid-19 tại châu Âu cũng rất phức tạp. Tây Ban Nha cũng là một điểm nóng tại “lục địa già” với 2.222 ca mắc và 54 ca tử vong do Covid-19. Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố sẽ làm mọi việc cần thiết để ngăn số ca mắc Covid-19 tăng lên. Giới chức nước này đã ra lệnh đóng cửa trường học tại một số vùng, hủy chuyến bay đến từ Italy và khuyến cáo người dân không nên di chuyển nếu không cần thiết. Tây Ban Nha cấm mọi hoạt động tụ tập hơn 1.000 người trong nhà tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như Madrid, Rioja... Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết, nước này muốn tránh “kịch bản Italy”.

Pháp vừa công bố số liệu tương tự Tây Ban Nha. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết, nước này đã ghi nhận 48 ca tử vong và 2.281 ca bệnh, đồng thời thông báo chính quyền Paris sẽ triển khai các biện pháp hạn chế mới để ngăn chặn dịch bệnh.

Tại cuộc họp báo ngày 11-3 ở Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng bà không biết cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra sẽ phát triển như thế nào nhưng bà cho rằng rủi ro mà nó mang đến sẽ rất lớn.

“Khi virus (SARS-CoV-2) vẫn tồn tại và người dân không có khả năng miễn dịch, không có vaccine và phương pháp điều trị bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh sẽ rất cao, các chuyên gia cho rằng 60 đến 70% dân số sẽ mắc bệnh”, bà Merkel nói. Nữ Thủ tướng kêu gọi người dân Đức giữ gìn vệ sinh cá nhân và chú ý khi tiếp xúc với mọi người, nên hạn chế bắt tay người khác.

Thụy Điển vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên vào ngày 11-3. Đến nay, nước này có khoảng 500 ca bệnh. Thụy Điển đã cấm mọi hoạt động tụ tập hơn 500 người để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cơ quan Y tế cộng đồng Thụy Điển ngày 10-3 đã nâng mức cảnh báo lây nhiễm SARS-CoV-2 trong nước từ mức “trung bình” lên “rất cao”. Cơ quan này đã nhận thấy các dấu hiệu của sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Cùng ngày, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo, nước này sẽ đóng cửa các trường học, trường đại học và bắt đầu đưa toàn bộ nhân viên đảm nhiệm công việc không quan trọng trong khu vực công về nhà trong những ngày tới. Thủ tướng Frederiksen yêu cầu hủy mọi sự kiện tập trung hơn 100 người thay vì 1.000 người như trước đây. Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke xác nhận, số ca bệnh Covid-19 tại nước này hiện là 516, tăng gấp 10 lần kể từ ngày 9-3. Ông cho rằng đây là “mức tăng đột ngột nhất tại châu Âu”.

H.H

Theo Reuters, Guardian

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43575102-dich-covid-19-tai-chau-au-dien-bien-phuc-tap.html