Dịch cúm A đang bùng phát

Trong nhiều ngày qua, dịch cúm A bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc khiến số người phải nhập viện vì căn bệnh này gia tăng. Trong đó đã ghi nhận không ít ca bệnh nặng, nguy kịch.

Chăm sóc và điều trị trẻ mắc cúm A tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Ảnh: BVCC.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu tháng 12/2023 đến nay, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 100 trẻ mắc cúm A. Trong đó có những trường hợp biểu hiện nặng, có biến chứng, được chỉ định nhập viện.

Trong khi đó, gần 1 tháng nay, khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa Hà Đông) đã tiếp nhận hơn 150 trường hợp trẻ em đến khám và điều trị các bệnh liên quan tới đường hô hấp, trong đó chủ yếu là cúm A, virus hợp bào hô hấp (RSV).

Tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bạch Mai… lượng bệnh nhân là trẻ em tới khám và nhập viện cũng tăng cao.

Không chỉ tại Hà Nội, thống kê từ Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh cũng cho thấy, trong vòng 3 tuần qua, số trẻ mắc cúm A có xu hướng tăng, lượng bệnh nhi phải nhập viện do bệnh lý này cũng tăng mạnh. Nhiều trường hợp các bé lây chéo cúm A ở trường học. Nhiều trẻ bị mắc và lây cho cả gia đình, xét nghiệm đều cho kết quả mắc cúm A.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, dịch cúm A bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 11/2023, kéo dài cho đến nay với số trẻ phải nhập viện ở mức cao. Các bác sĩ nhận định, dịch cúm A ở Hải Dương đang trong giai đoạn cao điểm. Được biết, trong những ngày đầu năm 2024, bình quân mỗi ngày Bệnh viện Nhi Hải Dương đón 15 - 20 trẻ mắc cúm A nhập viện điều trị, có những bé mới được 1 - 2 tuổi, lớn nhất 11 tuổi. Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao trên 39 độ C, ho, một số trường hợp xuất hiện co giật.

Ghi nhận từ các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng cho thấy, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị cúm A cũng có xu hướng gia tăng. Được biết, gần 1 tháng nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang) thường xuyên tiếp nhận nhiều ca mắc cúm A phải nhập viện điều trị.

Đáng chú ý, tỷ lệ thuận với số ca mắc cúm A, số ca mắc bệnh nặng cũng gia tăng. Mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 6 tháng tuổi, trú tại Hà Tĩnh, tới cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng do mắc cúm A, phải thở ô xy, hỗ trợ khí rung, có nguy cơ phải đặt ống nội khí quản, thở máy. Đáng nói hơn, bệnh nhi này vốn có bệnh nền viêm phổi, nên tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp đã khá nặng, cộng thêm cúm A khiến phổi tổn thương nhiều hơn, dẫn đến suy hô hấp tiến triển nhanh.

Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang điều trị cho hơn 15 bệnh nhân cúm A nặng, phải thở máy; trong đó, có 8 bệnh nhân có bệnh lý nền.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng những tuần gần đây nhưng đây không phải là sự bất thường. Do thời điểm hiện nay giao mùa đông - xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc lạnh, lúc nóng tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm.

Kết quả giám sát các trường hợp mắc cúm cũng cho thấy, các chủng virus gây bệnh đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).

Mặc dù vậy, BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cũng khuyến cáo, cúm A là bệnh rất dễ lây lan, mọi người đều có thể mắc đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động. Ngoài ra, cần chú ý nâng cao thể trạng như ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp theo lứa tuổi… Giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh. Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng.

Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc tamiflu điều trị tại nhà mà cần đi khám để được tư vấn, xử trí kịp thời.

Theo BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), việc người dân tự mua thuốc tamiflu về uống khi mắc cúm là không cần thiết và dễ gây hiện tượng kháng thuốc. Thuốc tamiflu thường được chỉ định với các trường hợp mắc cúm nặng, các trường hợp có nguy cơ cao. Người bệnh không được tự ý sử dụng loại thuốc này khi không có chỉ định của bác sĩ.

Nghĩa toàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dich-cum-a-dang-bung-phat-10271033.html