Đích đến chung nhất của Công ước là hình thành một khuôn khổ pháp lý toàn cầu

Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng ghi nhận tính chất nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng và những hậu quả tiêu cực của tham nhũng đối với các giá trị dân chủ, nguyên tắc pháp quyền và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế.

Theo Công ước, các quốc gia cần quyết tâm phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng bằng hệ thống các biện pháp toàn diện, đa dạng và hữu hiệu. Đồng thời, các quốc gia thành viên Công ước cần tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng thông qua hợp tác điều tra, truy tố, trao đổi thông tin, thu hồi tài sản, trợ giúp kỹ thuật, gồm cả hỗ trợ tăng cường năng lực xây dựng thể chế. Mục đích chung nhất của Công ước là hình thành một khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong hoạt động phòng, chống tham nhũng thông qua hệ thống các biện pháp phòng, chống hữu hiệu.

Điều 1 Công ước khẳng định: “Thúc đẩy và tăng cường các biện pháp nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả hơn…Thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong phòng, chống tham nhũng, bao gồm cả việc thu hồi tài sản”.

Một buổi tập huấn kiến thức pháp luật về phòng chống tham nhũng cho PV, BTV.

Về phạm vi của Công ước Điều 3 nêu, phạm vi áp dụng của Công ước bao trùm tất cả các lĩnh vực của công tác chống tham nhũng, gồm: phòng ngừa, điều tra, truy tố tham nhũng và việc phong tỏa, tạm giữ, tịch thu và hoàn trả tài sản có được do phạm các tội quy định trong Công ước. Điều này phản ánh mong muốn của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng, thực thi Công ước chống tham nhũng Liên hợp quốc như một công cụ phòng, chống tham nhũng toàn diện, hệ thống, đáp ứng được các yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tham nhũng của mỗi quốc gia cũng như từng khu vực và trên toàn thế giới.

Có thể thấy, tham nhũng là một vấn đề tương đối nhạy cảm, luôn có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động quản lý Nhà nước. Việc hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng tiềm ẩn nguy cơ chủ quyền quốc gia có thể bị ảnh hưởng, hoặc công việc nội bộ của quốc gia bị can thiệp. Do vậy, để đảm bảo hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng thật sự vì mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý và khắc phục hậu quả tham nhũng, tránh sự lợi dụng nhằm các mục đích gây ảnh hưởng, can thiệp công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, Điều 4 Công ước quy định:

“Các quốc gia thành viên Công ước này thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của Công ước theo cách thức phù hợp với các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác”.

Bàn về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Công ước quy định, phòng ngừa tham nhũng đóng vai trò thiết yếu trong đấu tranh chống tham nhũng, giúp ngăn ngừa hành vi tham nhũng, tăng cường khả năng phát hiện tham nhũng và khắc phục hậu quả tham nhũng. Trên cơ sở nhận thức đó, Công ước đã dành toàn bộ Chương II quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng mà các quốc gia thành viên cần xây dựng, thực hiện hoặc duy trì. Điều 5 Công ước yêu cầu: “Phải thúc đẩy sự tham gia của xã hội và thể hiện nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, quản lý đúng đắn việc công và tài sản công, tính liêm khiết, minh bạch và trách nhiệm”.

Đồng thời, Công ước quy định nghĩa vụ hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy và xây dựng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó có nghĩa vụ tham gia các chương trình và dự án quốc tế về phòng ngừa tham nhũng và thiết lập các thiết chế trong nước về vấn đề phòng chống tham nhũng.

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dich-den-chung-nhat-cua-cong-uoc-la-hinh-thanh-mot-khuon-kho-phap-ly-toan-cau-145312.html